Phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp

Chủ Nhật, 16/04/2023, 19:01 [GMT+7]
In bài này
.

Phát huy vai trò Tổ công nghệ số cộng đồng, đồng hành cùng người dân chuyển đổi số… là những cách làm hay trong thực hiện khâu đột phá về chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính (CCHC) tại nhiều cơ quan, địa phương trong tỉnh.

Tổ công nghệ số cộng đồng xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ hướng dẫn người dân thực hiện DVCTT.
Tổ công nghệ số cộng đồng xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ hướng dẫn người dân thực hiện DVCTT.

Đến tận nhà hướng dẫn

Thứ Bảy (15/4) là ngày đầu tiên BHXH TP.Vũng Tàu triển khai mô hình “Ngày thứ Bảy đồng hành cùng người dân chuyển đổi số” tại xã Long Sơn. Tham gia mô hình, cán bộ, viên chức BHXH thành phố về địa bàn dân cư để hướng dẫn người dân đăng ký, cài đặt sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số; giúp người dân tiếp cận thông tin, thực hiện các dịch vụ công ngành BHXH trên môi trường điện tử một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng. Lồng ghép trong chương trình là thông tin, tư vấn và giải đáp trực tiếp các chính sách về BHXH, BHYT.

Ông Nguyễn Văn Bé Tư (thôn 10, xã Long Sơn) chia sẻ: “Cán bộ, viên chức giới thiệu về ý nghĩa, lợi ích và hướng dẫn người dân đăng ký, cài đặt sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số; thực hiện các bước thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) nhanh chóng và rất tiện ích”.

Bà Nguyễn Hoàng Lan Anh, Giám đốc BHXH TP.Vũng Tàu cho hay, việc thực hiện mô hình giúp người lao động, người dân hiểu đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, giá trị, lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Mô hình còn góp phần đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả thực hiện đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; bảo đảm từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hơn 2.100 hộ dân (đạt 95%) tại địa phương sử dụng và có tài khoản sử dụng DVCTT chỉ trong gần 1 tháng triển khai mô hình “Tổ công nghệ số xã Bàu Chinh đồng hành cùng người dân thúc đẩy DVCTT” là kết quả ấn tượng của Đoàn Thanh niên xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức. “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, cầm tay hướng dẫn từng bước để đồng bào dân tộc thiểu số, người dân thành thạo sử dụng DVCTT là công việc của các thành viên trong Tổ. Chúng tôi phấn đấu trong 1 tuần nữa, 100% người dân xã Bàu Chinh sẽ có tài khoản và sử dụng DVCTT”, anh Nguyễn Thái Xuân Nam, Bí thư Đoàn xã Bàu Chinh khẳng định quyết tâm.

Tập trung giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số

Hai mô hình đồng hành cùng người dân trong chuyển đổi số kể trên là những cách làm hay góp phần hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số gắn với CCHC trên địa bàn.

Theo Sở TT-TT, năm 2022, tỉnh đạt 53,6% hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) nộp trực tuyến được xử lý hoàn toàn trực tuyến. Từ 1/1 đến 6/4/2023, tỷ lệ này đạt 95,32%. Tỷ trọng số hóa trong các hoạt động của chính quyền đã tăng lên, nhiều hoạt động và giao dịch của các cơ quan công quyền với nhau và với người dân đã được thực hiện trực tuyến. Cụ thể, đã liên thông gửi nhận văn bản điện tử giữa 4 cấp hành chính; 100% cơ quan, đơn vị đã xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng; 22,4% chế độ báo cáo của tỉnh thực hiện trực tuyến; 100% TTHC đủ điều kiện đã được cung cấp DVCTT toàn trình.

Ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở TT-TT cho hay, trên cơ sở Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 28/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với CCHC, chương trình hành động của UBND tỉnh đã đưa ra 30 chỉ tiêu và 53 nhiệm vụ trong tâm. Trong năm 2022, đã hoàn thành 16/30 chỉ tiêu, đạt kết quả tích cực về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, chính quyền số đạt 4/6 chỉ tiêu; kinh tế số đạt 2/6 chỉ tiêu và xã hội số đạt 10/18 chỉ tiêu. Về nhóm nhiệm vụ, đã hoàn thành 32/53 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 58,4%. Trong đó, nhóm nền móng là 5/7 nhiệm vụ; chính quyền số là 6/12 nhiệm vụ; kinh tế số là 8/13 nhiệm vụ; xã hội số là 7/9 nhiệm vụ và nhóm phát triển đô thị thông minh là 5/12 nhiệm vụ.

Giám đốc Sở TT-TT đánh giá, sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động về chuyển đổi số là một trong những yếu tố quan trọng đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, thu hút sự hơn 3.000 thành viên của 503 Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đặt mục tiêu năm 2023 có 70% hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến; 100% kết quả giải quyết TTHC được số hóa. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP trên 16%. Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán trên 85%... Để đạt mục tiêu này, tỉnh tập trung các giải pháp như: Ban hành chỉ thị đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh ngay trong tháng 4/2023; tập trung hoàn thành hạ tầng số trong quý II/2023; giao chỉ tiêu DVCTT, nhân rộng các mô hình hay về giải pháp nâng cao tỷ lệ sử dụng DVCTT.

Bên cạnh đó, kiện toàn Tổ công nghệ số cộng đồng, lấy lực lượng đoàn viên, thanh niên làm nòng cốt để tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp người dân sử dụng các nền tảng số, tiến tới thúc đẩy tiếp cận kỹ năng số, sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trực tuyến trong toàn xã hội. Đặc biệt là xây dựng Kho dữ liệu số; hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở phục vụ phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp của tỉnh.

100% DN sử dụng hóa đơn điện tử và 70,3% hộ nông dân sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử. Tỉnh có 10 trạm mạng 5G; 98,22% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng; 95,52% người dân có điện thoại thông minh; 21,32% người dân có định danh điện tử; 85,52% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch ngân hàng. Tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt trong các khoản thu giáo dục, hóa đơn điện, nộp thuế, lệ phí chiếm hơn 80%.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

;
.