TIN BÀI LIÊN QUAN:
Thành tựu đạt được trên lĩnh vực văn hóa góp phần phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của người dân.
Thiết chế văn hóa, thể thao các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được đầu tư đồng bộ. Trong ảnh: Người dân rèn luyện sức khỏe tại Khu tập luyện TDTT thôn Phước Chí, xã Cù Bị (huyện Châu Đức). Ảnh: ĐINH HÙNG |
Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa
Ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Sở VH-TT cho biết, xác định đầu tư cho văn hóa là tập trung vào con người, trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến đầu tư, triển khai thực hiện các dự án văn hóa.
Trong đó, Bảo tàng tỉnh khánh thành từ năm 2020 đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân với mong muốn Bà Rịa-Vũng Tàu có được một bảo tàng xứng tầm với vị thế của địa phương. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách khi muốn nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử - tự nhiên - xã hội của tỉnh từ những ngày dựng làng, lập ấp đến nay.
Bảo tàng tỉnh với mức đầu tư hơn 269 tỷ đồng, được thiết kế độc đáo, nhiều điểm nhấn, mới lạ và hấp dẫn. Diện tích không gian trưng bày hơn 3.000m2 gồm sảnh đón tiếp, kho bảo quản cùng 6 chủ đề: Đất nước con người Bà Rịa-Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu tiền - sơ sử, Bà Rịa-Vũng Tàu thời khẩn hoang mở đất (thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX), Bà Rịa-Vũng Tàu 1859-1975, Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 đến nay và hướng đến tương lai), Sưu tập cổ vật Bà Rịa - Vũng Tàu.
Các chủ đề được thể hiện bằng hiện vật, mô hình, phối cảnh tranh 3D thu hút người xem. Qua đó, giúp người dân và du khách hiểu thêm về văn hóa, con người, lịch sử vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu từ khi thành lập, trong từng giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đến nay. Bên cạnh đó, tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, cảng biển, dầu khí, du lịch… cũng được mô hình hóa sinh động, hấp dẫn.
Có dịp đến tham quan Bảo tàng tỉnh, em Trần Minh Hiếu (ngụ TX.Phú Mỹ) chia sẻ: “Được chiêm ngưỡng và tìm hiểu các hiện vật lịch sử, em hiểu thêm về quê hương mình đang sống. Từ đó, thêm yêu quê hương, con người địa phương”.
Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng các thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu thưởng thức các dịch vụ văn hóa, nghệ thuật, thông tin, TDTT của người dân ngày càng tốt hơn. Tuyến tỉnh đã có Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, Nhà Văn hóa Thanh niên, Nhà Thiếu nhi, Thư viện tỉnh... Về tuyến huyện, 8/8 huyện, thị xã, thành phố được đầu tư hoàn thiện các trung tâm văn hóa, thể thao và thư viện huyện. Hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư khang trang, hiện đại đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút du khách tham quan. Đồng thời, tăng thêm thu nhập và cơ hội việc làm cho lao động địa phương, đóng góp cho sự phát triển du lịch tỉnh.
Nói đến xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân phải kể đến vai trò, vị trí của thiết chế văn hóa, thể thao các xã, phường, thị trấn. Đó là Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Học tập cộng đồng. Hiện toàn tỉnh có 75/82 xã, phường, thị trấn và 3/10 khu dân cư (huyện Côn Đảo) đã có trụ sở thiết chế. Trong năm 2022, 100% xã đạt văn hóa nông thôn mới; 93,2% gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa; 98,4% thôn, ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa; 29/35 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (tỷ lệ 82,9%); tỷ lệ người dân thường xuyên tham gia luyện tập TDTT đạt 39%. |
Hướng đến hạnh phúc người dân
Theo ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để xây dựng nền văn hóa mang tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên cần tiếp tục nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh.
Nhận thức đúng đắn về vai trò của văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống góp phần quan trọng vào sự phát triển, Đảng bộ tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/12/2021 về nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Nghị quyết là cơ sở quan trọng để cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện xây dựng văn hóa, con người gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
“Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, đồng thời kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại để các giá trị văn hóa có sức sống bền vững. Tổ chức tốt các lễ hội dân gian, lễ hội văn hoá, thể thao nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân và phục vụ phát triển du lịch tại địa phương; phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Minh Thông thông tin.
Bài, ảnh: AN NHIÊN