80 NĂM ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM (1943-2023)

Gìn giữ giá trị văn hóa gắn với nâng cao dân trí

Thứ Hai, 10/04/2023, 18:49 [GMT+7]
In bài này
.

Xây dựng nền văn hóa mang tính chất “dân tộc, khoa học đại chúng” đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân trên địa bàn tỉnh là mục tiêu xuyên suốt của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đó cũng là sự tiếp nối trong thực hiện nội dung Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943.

Du khách tham quan Chuồng Cọp trong khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo.
Du khách tham quan Chuồng Cọp trong khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo.

Đầu tư tôn tạo di tích lịch sử

Hướng đến đối tượng thụ hưởng văn hóa là các tầng lớp nhân dân, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chú trọng đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa nhằm gìn giữ và phát huy giá trị của các sản phẩm văn hóa hiện hữu.

Tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra ngày 6/3, các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo.

Nghị quyết đã quyết nghị nâng mức tổng đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích là hơn 256 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2023, nguồn vốn ngân sách tỉnh đã bố trí hơn 142 tỷ đồng; giai đoạn 2023 - 2025 điều chỉnh, bổ sung hơn 113 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương 100 tỷ đồng.

Việc thông qua nghị quyết minh chứng cho sự quan tâm của tỉnh trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn.

Trong giai đoạn 2011-2020, toàn tỉnh có 33 di tích được tu bổ, tôn tạo với tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng. Giai đoạn 2021- 2025, tỉnh tiếp tục đầu tư, tu bổ 3 di tích: Di tích quốc gia đặc biệt Côn Đảo, di tích lịch sử địa đạo Hắc Dịch, di tích lịch sử địa đạo Kim Long với mức đầu tư trên 326 tỷ đồng. Các công trình di tích văn hóa, lịch sử được quan tâm trùng tu tôn tạo sẽ tạo điểm đến thu hút du khách, góp phần phát triển du lịch tỉnh.

Là người dân sinh sống và làm việc tại huyện Côn Đảo, chị Lý Thanh Huyền chia sẻ: “Mỗi người dân đều quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy những giá trị của di tích. Từ trước đến nay công tác bảo tồn, gìn giữ đã được chính quyền huyện đặt lên hàng đầu. Mỗi người dân Côn Đảo luôn trách nhiệm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bảo đảm gìn giữ di tích. Chúng tôi cũng mong rằng việc trùng tu, tôn tạo được sự giám sát của chính quyền và cơ quan chuyên môn để vừa được trùng tu tốt hơn nhưng giữ nguyên vẹn giá trị di tích”.

Phát triển văn hóa đọc để nâng cao dân trí

Hằng tháng, Thư viện tỉnh phối hợp các trường học tổ chức các ngày hội sách. Tại ngày hội, các HS được đọc hàng ngàn quyển sách do Thư viện tỉnh luân chuyển và được hướng dẫn đầu sách phù hợp với lứa tuổi.

Ông Huỳnh Tới, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho hay, trong năm 2023, Thư viện tỉnh phối hợp các trường học tổ chức 30 ngày hội sách nằm trong chuỗi hoạt động Đề án phát triển văn hóa đọc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngoài ra còn các hoạt động luân chuyển, tặng tủ sách dân cư...

Mục tiêu của Đề án phát triển văn hóa đọc tỉnh đến năm 2025 là: 80% học sinh, sinh viên và 15% người dân khu vực nông thôn sử dụng dịch vụ thư viện; 100% thư viện tại các cơ sở giáo dục có vốn tài liệu phù hợp; 100% thư viện công cộng có vốn tài liệu đáp ứng mọi đối tượng… Đến năm 2030, hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại nơi sống, học tập và công tác; các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc được duy trì và củng cố.

“Đề án nhằm xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc sách trong nhân dân, nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh cho mọi người”, ông Huỳnh Tới nhấn mạnh.

Cùng với phát triển văn hóa đọc, các chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 cũng đã được ban hành, tạo cơ sở quan trọng để thực hiện xây dựng môi trường lành mạnh từ gia đình đến xã hội, từ tổ chức đến cộng đồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu đang thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đời ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 với các hoạt động bảo tồn, giữ gìn loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống gắn bó với đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ nói chung và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng. Năm 2023, tỉnh bố trố 1,6 tỷ đồng thực hiện các nội dung của đề án với kế hoạch đưa nghệ thuật này vào trường học nhằm bồi dưỡng những nghệ nhân kế cận.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

;
.