Khoảng 800.000 người Việt Nam bị suy thận giai đoạn cuối
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh thận (ngày thứ Năm, tuần thứ hai của tháng 3 hàng năm) vừa mới tổ chức tại Bệnh viện Việt Đức.
Theo TS Nguyễn Thế Cường, Trưởng Khoa Thận lọc máu (Bệnh viện Việt Đức), chi phí điều trị cho các bệnh nhân thận mạn có thể lên tới 14 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản bệnh nhân tự chi trả. Người mắc bệnh thận còn chịu những tổn thương tinh thần to lớn trong học tập, việc làm và gia đình. Do đó, khi phát hiện bệnh cần điều trị bảo tồn đúng cách, đúng chuyên khoa và áp dụng phương pháp phù hợp.
Theo TS Nguyễn Thế Cường, nhu cầu người bệnh suy thận cần điều trị thay thế thận ngày càng lớn. Lọc máu và ghép thận là các biện pháp điều trị bệnh thận giai đoạn cuối. Tuy còn nhiều hạn chế về hiệu quả điều trị, song lọc máu vẫn là biện pháp điều trị thay thế thận cho người bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối phổ biến. Do đó, các cơ sở lọc máu cần tiến hành áp dụng nhiều biện pháp nhằm cải thiện chất lượng điều trị cho người bệnh lọc máu.
TS. Cường cho hay, gánh nặng chi phí điều trị của các biện pháp điều trị bệnh thận giai đoạn cuối ngày càng lớn, trong đó ghép thận có ưu thế hơn về chi phí điều trị. Vì thế, cần có chính sách phù hợp để tăng khả năng ghép thận của người bệnh giai đoạn cuối, cả ghép thận từ người hiến sống và người hiến chết não.
TUỆ LÂM