Khi đường gập ghềnh
Trên đời, bất kỳ ai dù đẻ bọc điều, xênh xang ngựa xe, võng lọng rợp trời, nhất hô bá ứng, tả phù hữu bật gì gì đi nữa cũng có lúc phải thở ngắn than dài, đại khái, “đời là bể khổ”. Không khổ sao được, nhìn từ triết lý nhà Phật, thi sĩ Xuân Diệu đã từng quan niệm về vũ trụ này, cõi trần gian này:
Trái đất ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không trung
Thế thì, nước mắt ấy còn nhiều hơn cả đại dương đấy chứ. Hạnh phúc thì giống nhau, ai cũng có điều kiện cảm nhận, miễn lấy đó làm sự hài lòng, ưng ý; còn bất hạnh thì không, có nhiều sắc màu u ám đậm nhạt khác nhau. Nhưng điều quan trọng vẫn là cách ứng sử như thế nào cho “phải đạo”. Nói như thế bởi thông thường tâm lý của con người ta là “Có mới nới cũ”. Soi rọi trong lãnh vực tình yêu hôn nhân, ngao ngán thay, vẫn có những trường hợp như thế, tức là nhiều người đã sống trong tâm thế sẵn sàng thay đổi khi khó khăn.
Tôi có anh bạn thân mà sau này anh luôn ray rứt mãi như một sự ân hận khó quên. Rằng, thuở mới chân ướt chân ráo từ quê lên thành phố ăn học, anh được bà chủ nhà trọ cảm mến, thương tình và cuối cùng là gả con gái cho. Có thể nói đây là bước ngoặc quan trọng để anh có có thể “bám trụ” lại nơi “phồn hoa đô hội”. Năm tháng đi qua, nhờ sự giúp đỡ của nhà vợ, công việc ngày càng hanh thông, gặt hái tiền tài ngày càng nhiều. Những ai trong trường hợp này ắt yêu vợ, quý mến gia đình vợ hơn chăng? Chưa chắc.
Lúc cô vợ bị bệnh ngặt nghèo, nằm liệt giường ngày này qua tháng nọ, thay vì chăm sóc vợ không chỉ tình chồng nghĩa vợ mà còn là cách “trả ơn” phía mẹ vợ nữa, anh ta lại nghĩ đến chiêu trò “tẩu mã vi thượng sách”. Tuổi còn trẻ, tài chánh đã dồi dào thì cơ hội tìm kiếm người mới quá dễ dàng, nếu dứt bỏ người cũ. Cuối cùng, anh ta thực hiện được mơ ước ấy nhưng khổ nỗi trong cái nhìn, suy nghĩ của người xung quanh thì họ chỉ đánh giá anh như một thứ “ăn cháo đá bát”.
Ngược lại, thì kìa, bạn hãy xem cuộc tình của cựu chiến binh Lê Văn Ký ở tỉnh Gia Lai ắt rõ. Vào những năm tháng cuối đời ở Tây nguyên, ông chung sống với người vợ điên dại với biết bao cực nhọc, phiền muộn, cơ cực, có lần ý nghĩ chán chường vụt đến: “Hay là mang con trốn quách về quê cho nhẹ nợ?”. Nhưng rồi ông lại xấu hổ và thấy mình hèn. Nếu anh bạn tôi cũng có suy nghĩ “thấy mình hèn” với ý định bỏ vợ khi cô bị bệnh thì đã có cách cư xử khác.
Trong cuộc đời, ai cũng mong muốn luôn gặp sự vui vẻ, tốt đẹp, được như thế thì tốt quá nhưng một khi không như ý mà vẫn chấp nhận lại càng tốt hơn nữa. Từ những tình huống của những cặp vợ chồng bỏ nhau, ly dị, gẫy đổ do phải đối mặt với nghịch cảnh, tôi nhớ đến câu chuyện: Ngày xửa ngày xưa, có một người đi qua vùng sa mạc, mênh mông cát trắng xóa, nắng nóng ran như chảo lửa, lạ thay, ông ta lại nhìn thấy một cây dừa xanh non, vừa mới nhú những cánh lá nõn. Với sự khoái trá độc ác, ông ta đã nhặt một cục đá to đặt vào giữa đọt cây dừa và nguyền rủa: “Làm sao mày có thể sống sót giữa thời tiết khắc nghiệt thế này? Tàn lụi đi có phải tốt hơn không?”. Nói xong, ông ta bỏ đi.
Dù bị đối xử tàn nhẫn, cây dừa vẫn quyết không đầu hàng, nó vùng vẫy nhằm hất cục đá nhưng mọi cố gắng đều vô ích. Cuối cùng, nó nỗ lực bằng cách cắm rễ thật sâu vào lòng đất, chạm đến mạch nước ngầm để tìm sự sống. Nhờ vậy, cây dừa ngày một lớn và đủ sức nâng cao hòn đá chết tiệt kia.
Sau khi kể cho nghe câu chuyện này, chị bạn tôi cười sảng khoái: “Ngày anh X đau ốm dai dẳng, bao nhiêu tiền của, tài sản trong nhà “đội nón ra đi”, lại chăm sóc ngày đêm cực nhọc quá, tôi quẫn trí những muốn tìm cách thoát khỏi cho nhẹ người”. Nhưng rồi, chị vẫn “trụ lại” cùng chồng con, đơn giản chỉ vì nghĩ “sông có lúc người có khúc”, và chị đã cố gắng vượt qua hoàn cảnh hiện tại.
Nói ra điều này để thấy rằng, đành rằng, mỗi người có đời sống riêng tư, tự chịu trách nhiệm nhưng còn có một ràng buộc nữa, đó chính là mối quan hệ xã hội.
LÊ MINH QUỐC