Trong công tác, những người phụ nữ ấy đã vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Về nhà, họ là hậu phương vững chắc chăm sóc gia đình, lo cho các con.
Chị Đào Thị Kim, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Lồ Ồ (ngoài cùng bên trái) tuyên truyền cho hội viên về thực hiện các mô hình thực hiện tại chi hội. |
Chăm lo cho hội viên, phụ nữ
Là giáo viên về hưu, năm 2017, bà Doãn Thị Minh (SN 1963) được Chi hội phụ nữ khu phố Hương Sơn (phường Long Hương, TP.Bà Rịa) giao nhiệm vụ Tổ trưởng tổ 14. Nhận thấy hội viên trong tổ cần vốn hỗ trợ phát triển kinh tế, bà thành lập tổ tương trợ vốn, tạo nhóm zalo thông báo các quy định và ngày giờ sinh hoạt để hội viên nắm bắt.
Ban đầu, tổ tương trợ vốn có 12 thành viên (1 dây), hàng tháng đóng 300 ngàn đồng/hội viên. Dần dần, tổ tương trợ vốn được nhiều hội viên biết đến và tham gia. Đến nay, tổ đã phát triển thành 3 dây với mức đóng hàng tháng là 500 ngàn đồng/người/tháng (24 hội viên/2 dây) và 1 triệu đồng/người/tháng (12 người/dây). Sau khi nhận tiền vốn 6-12 triệu đồng không lãi suất, hội viên đầu tư phát triển sản xuất, sửa chữa hàng quán… Hội viên tại khu phố đa phần trồng các loại rau ăn lá để phát triển kinh tế. Vào mùa cao điểm, bà Minh vận động chị em giúp nhau thu hoạch cho kịp đơn hàng… Nhờ vốn của tổ tương trợ, gia đình nhiều chị em đã ổn định cuộc sống, có điều kiện lo cho con ăn học.
Trong gia đình, bà Minh là người vợ, người mẹ mẫu mực luôn quan tâm chăm lo chồng, con… Ngược lại, chồng bà cũng luôn đồng hành, động viên để bà yên tâm công tác. 3 người con của ông bà đã xây dựng gia đình riêng, có công việc và thu nhập ổn định. Từ đó, bà Minh càng có điều kiện tham gia công tác xã hội.
Không nói về những đóng góp bản thân mình, mà quan tâm đến hiệu quả hoạt động và phong trào của tổ chức Hội phụ nữ, bà tâm sự: “Phần thưởng lớn nhất sau những nỗ lực bao nhiêu năm qua của tôi chính là tinh thần đoàn kết, tương trợ, đùm bọc của chị em hội viên trong tổ dân phố, góp phần xây dựng tổ hội ngày càng phát triển”.
Thôn Lồ Ồ (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) có khoảng 90% hội viên là người dân tộc thiểu số. Phụ nữ nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp và nội trợ. Hơn 3 năm nhận nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn, chị Đào Thị Kim luôn trăn trở làm thế nào để hội viên, phụ nữ được tăng cường kiến thức, cải thiện chất lượng cuộc sống; nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Chị Kim chia sẻ: “Ngày được chị em tin tưởng bầu giữ chức vụ, cả thôn có hơn 100 hội viên, phong trào hội không mấy sôi nổi. Khi các mô hình như: tuyến đường hoa, nuôi bò sinh sản được triển khai thực hiện, chị em nhìn thấy sự thiết thực nên hào hứng tham gia. Đến nay, Chi hội phụ nữ thôn Lồ Ồ có gần 200 hội viên phụ nữ”.
Chị Kim còn là một cộng tác viên dân số nhiệt tình, trách nhiệm đến từng nhà tuyên truyền cho hội viên. Chính sự nhiệt tình tâm huyết ấy đã góp phần đưa phong trào của Chi hội phụ nữ thôn ngày càng phát triển. Chị Kim 3 năm liền là Chi hội trưởng chi hội phụ nữ giỏi được Hội LHPN huyện Châu Đức tặng Giấy khen. Bên cạnh công tác Hội, chị còn tập trung chăn nuôi bò để phát triển kinh tế gia đình và trồng luân canh các loại rau sạch trên diện tích 1.000m2.
Hơn 22 năm làm công tác Hội, vinh dự 2 lần nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam về danh hiệu “Phụ nữ xuất sắc” năm 2011 và 2017, bà Phan Thị Hồng Sử (SN 1965) được người dân khu phố Hải An (TT.Long Hải, huyện Long Điền) nhắc đến với lòng tin yêu và cảm phục.
Giai đoạn từ năm 2003-2013, trong vai trò cán bộ Hội, Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn, bà đã xây dựng và triển khai mô hình giúp đỡ hội viên khó khăn. Đó là 12 tổ tiết kiệm góp vốn xoay vòng giúp 47 hội viên, phụ nữ có vốn phát triển kinh tế gia đình. Mô hình này vẫn đang được thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, bà Sử vận động nhà hảo tâm hỗ trợ 12 hoàn cảnh khó khăn, yếu thế cho đến lúc họ qua đời, với mức 300 ngàn đồng mỗi tháng. Đây cũng là mô hình được Hội LHPN TT.Long Hải chọn đăng ký mô hình dân vận khéo cấp huyện.
Năm 2020, bà về hưu và tiếp tục gắn bó với công tác Hội ở khu phố. Hiện nay, bà là Phó Bí thư chi bộ, Trưởng Ban Công tác mặt trận khu phố, Chi hội phó Chi hội phụ nữ khu phố Hải An.
Trở về gia đình, bà Sử luôn là người vợ hiền, người mẹ đảm đang, sắp xếp ổn thỏa mọi việc. Bà chia sẻ: “Gia đình tôi làm bún, chồng đảm nhiệm việc mang bún đi giao cho các hàng quán, chợ tại địa phương nên kiêm luôn việc đi chợ. Nhờ đó tôi có thời gian suy nghĩ về những mô hình hay để triển khai cho hội viên”.
Qua thực hiện phong trào, 100% cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở đã tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng 187 điển hình cá nhân phụ nữ tiêu biểu trong đó có có 176 gương điển hình là cán bộ hội các cấp.
Bà Vương Thị Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh
|
Nhân rộng gương điển hình
Theo bà Bùi Thị Sen, Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Đức, vai trò của cán bộ Hội rất quan trọng. Họ chính là hạt nhân thúc đẩy các phong trào, hoạt động Hội trở nên sôi nổi, thu hút hội viên tham gia. Các cán bộ Hội đã lập kế hoạch phù hợp tới tình hình địa phương và triển khai đến chị em hội viên các phong trào, cuộc vận động như phong trào thi đua “Phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Bên cạnh đó là các hoạt động vận động, chăm lo cho phụ nữ yếu thế, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Vương Thị Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết, những năm qua, phong trào thi đua “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã góp phần tạo chuyển biến quan trọng để chị em phát huy phẩm chất, năng lực của mình, trở thành động lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; giúp phụ nữ tổ chức, sắp xếp cuộc sống gia đình một cách khoa học, hạnh phúc.
Bài, ảnh: MAI NGỌC