Trang bị kỹ năng sống cho học sinh

Thứ Hai, 27/02/2023, 19:40 [GMT+7]
In bài này
.

“Bây giờ các em thấy một người mặc đồng phục của Truyền hình cáp, đến gõ cửa nhà: Cho chú vào sửa truyền hình cáp. Các em có mở cửa không?”

Đó là một câu hỏi diễn giả Bùi Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Niên Kỷ (TP.Hồ Chí Minh) đặt ra với các em HS tiểu học tại TP.Bà Rịa trong chương trình giáo dục Kỹ năng sống.

Diễn giả Bùi Tiến Hưng hướng dẫn HS Trường TH Phước Hải 2, thị trấn Đất Đỏ cách giữ hơi thở khi ở dưới nước.
Diễn giả Bùi Tiến Hưng hướng dẫn HS Trường TH Phước Hải 2, thị trấn Đất Đỏ cách giữ hơi thở khi ở dưới nước.

Chơi mà học

“Dạ không, con sẽ không mở cửa. Ba mẹ con dặn không được cho người lạ vào nhà. Dù người gõ cửa mặc sắc phục công an, shipper, hay bất kỳ ai thì con cũng sẽ không mở cửa”, em Nguyễn Gia Bảo, HS lớp 5, Trường TH Lê Thành Duy trả lời câu hỏi của anh Hưng.

Câu trả lời của Gia Bảo đã nhận được tràng pháo tay tán thưởng của hơn 300 HS có mặt, cùng một phần quà từ ban tổ chức.

Đó là một đoạn trao đổi trong Chương trình giáo dục kỹ năng sống năm 2023, do Nhà thiếu nhi tỉnh tổ chức tại TP.Bà Rịa cho 325 HS của 13 trường tiểu học trên địa bàn.

Với chủ đề “Kỹ năng phòng tránh bắt cóc”, các em được diễn giả Bùi Tiến Hưng hướng dẫn một số kỹ năng, như: Xử lý tình huống khi có người lạ tiếp cận; cách nhờ người lớn hỗ trợ khi gặp những tình huống xấu; ghi nhớ địa chỉ, số điện thoại của cha mẹ; ghi nhớ tổng đài chăm sóc, bảo vệ trẻ em; cách xử lý khi bị người lạ bắt, trói...

Anh Hưng trao đổi với các em thông qua hình thức hỏi-đáp; hướng dẫn và giúp các em thực hành một số động tác tự vệ; thoát ra khi bị trói bằng dây rút... Với phương pháp truyền đạt này, các em HS hào hứng tham gia bởi cách hướng dẫn dễ hiểu, lại được thị phạm tại chỗ.

Đặng Trần Phương Nhi, HS lớp 5, Trường TH Trần Văn Thượng cho biết, đây là lần thứ 2 em được tìm hiểu về kỹ năng phòng chống bắt cóc. “Cách giảng của thầy Hưng dễ hiểu. Tụi em được thực hành nên nhớ. Nếu như trước đây em thường ra cổng trường một mình đợi ba mẹ đón, thì sau khi được hướng dẫn, em đã biết cần đứng ở khu vực phía trong cổng trường. Khi đi đâu em không để người lạ tiếp xúc gần, luôn nhớ số điện thoại của ba mẹ và người thân để gọi khi cần”, Nhi nói.

Trước đó, chương trình cũng đã đến với HS các địa phương như: TX.Phú Mỹ, huyện Đất Đỏ. Tại Trường TH Phước Hải 2, huyện Đất Đỏ, các em HS được hướng dẫn kỹ năng phòng chống đuối nước. Các em được trang bị kỹ năng bơi lội; nguy cơ khi tắm biển, tắm sông; cách giữ hơi thở khi rơi xuống nước; kỹ năng cứu người dưới nước...

Nguyễn Hữu Mạnh, HS lớp 5, cho biết, qua chương trình, em nắm chắc hơn một số kiến thức bổ ích như: “Khi đuối nước thì cần quan sát các vật nổi gần mình như cây gỗ để bám vào, giúp mình thoát khỏi nguy hiểm; không được tắm biển một mình và cần quan sát, nhận biết xoáy nước trên biển hoặc dòng chảy xa bờ để tránh xa”.

Những kỹ năng cần thiết

Cô Triệu Thúy Vi, GV Tổng phụ trách Đội Trường TH Trần Văn Thượng cho biết, hằng năm, nhà trường đều dành 2-3 buổi ngoại khóa mời cán bộ, chiến sĩ công an đến hướng dẫn các em kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông hoặc phòng chống tệ nạn ma túy. Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục kỹ năng sống được lồng ghép tại một số tiểu phẩm trong buổi sinh hoạt sáng thứ Hai đầu tuần. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất cần những chương trình giáo dục kỹ năng sống cụ thể và dễ hiểu thế này. Sau chương trình, các em trao đổi, tự thực hành những kiến thức được học nên nhớ lâu. Nhiều học sinh không còn tự ý ra khỏi trường một mình như trước”, cô Vi cho hay.

Đồng hành với Nhà thiếu nhi tỉnh trong nhiều năm qua, diễn giả Bùi Tiến Hưng cho rằng, với HS tiểu học và THCS, đa số các em chưa đủ kiến thức để nhận biết được rủi ro, nguy hiểm trong các hoạt động, sinh hoạt thường ngày hoặc có những em biết nhưng chưa được trang bị kiến thức để đối phó. Vì vậy, việc trang bị những kỹ năng này rất cần thiết đối với các em.

Chương trình giáo dục kỹ năng sống là hoạt động thường niên của nhà Thiếu nhi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với mục đích góp phần cùng gia đình, nhà trường trang bị kỹ năng sống cho các em thiếu nhi hướng đến sự phát triển, bảo vệ và an toàn cho trẻ nhỏ.

“Chuỗi chương trình có 5 chủ đề, phù hợp với độ tuổi HS tiểu học và cấp THCS. Ngoài các kỹ năng phòng, chống thương tích, đuối nước, an toàn giao thông..., HS cấp THCS được trang bị thêm về kỹ năng phòng tránh hỏa hoạn; giải quyết xung đột, giao tiếp ứng xử; làm việc nhóm... Mục tiêu của chuỗi chương trình trang bị cho trẻ những kỹ năng cơ bản nhất, dễ hiểu nhất, dễ áp dụng nhất. Qua đó, giúp HS nâng cao hiểu biết và nhận thức về những nguy cơ tiềm tàng trong cuộc sống thường ngày và cách ứng phó”, bà Đỗ Thị Chi, Phó Giám đốc Nhà thiếu nhi tỉnh nhấn mạnh.

Năm 2023 Nhà Thiếu nhi tỉnh triển khai 24 chương trình tại 24 trường TH, THCS, chuyên sâu vào các chuyên đề, như: Kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước; Kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường; Kỹ năng phòng chống bắt cóc; Kỹ năng giao tiếp và xử lý giải quyết vấn đề.

Bài, ảnh: MINH QUANG

;
.