Giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực
Từ năm 2009 đến nay, Chương trình Chính sách hỗ trợ đào tạo bác sĩ, dược sĩ đại học của UBND tỉnh không chỉ góp phần hiện thực hóa giấc mơ trở thành bác sĩ của nhiều sinh viên (SV) mà còn là giải pháp bổ sung nguồn nhân lực cho ngành y tế.
Bác sĩ Lê Thị Thùy Dương (TTYT huyện Đất Đỏ) học tập nâng cao kỹ năng thực hành tại Bệnh viện Bà Rịa. |
Nhiều quyền lợi cho người học
Bác sĩ Đinh Thị Ngọc Anh, Khoa Sản (Bệnh viện Vũng Tàu) chia sẻ, sau khi tốt nghiệp THPT, chị liền đăng ký học tập theo Chương trình Chính sách hỗ trợ đào tạo bác sĩ, dược sĩ ĐH của UBND tỉnh với chuyên ngành bác sĩ đa khoa tại Trường ĐH Y dược Cần Thơ. Bởi chương trình này mang nhiều lại lợi ích cho chị. Trong suốt 6 học tập, chị được tỉnh hỗ trợ 100% học phí đào tạo và trợ cấp hàng tháng. Đến năm 2019, chị tốt nghiệp và được Sở Y tế bố trí việc làm tại Bệnh viện Vũng Tàu. Trong 4 năm công tác tại đây, Bác sĩ Ngọc Anh được các đồng nghiệp giàu kinh nghiệm dìu dắt, hỗ trợ, cũng như được tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về cách tiếp xúc hồ sơ bệnh án, tiếp xúc bệnh nhân, khám bệnh, siêu âm, thực hiện các thủ thuật. Từ đó, chị tích lũy được kiến thức và ứng dụng trên lâm sàng.
“Đến nay, tôi đã thực hiện được các kỹ thuật như: Phẫu thuật mổ lấy thai, đỡ sanh, tầm soát ung thư, hút buồng tử cung… Những chính sách từ Chương trình hỗ trợ đào tạo bác sĩ, dược sĩ ĐH của UBND tỉnh giúp tôi thực hiện được ước mơ, chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay tại quê hương”, bác sĩ Ngọc Anh nói.
Tương tự như bác sĩ Ngọc Anh, nhiều SV đã thực hiện được ước mơ trở thành bác sĩ từ Chương trình hỗ trợ đào tạo bác sĩ, dược sĩ ĐH của UBND tỉnh. Chị Lê Huỳnh Thùy Dương, ở xã Hòa Long (TP.Bà Rịa) cho biết, chị sinh ra trong một gia đình khó khăn, cha mất sớm, một mình mẹ phải vất vả nuôi 2 chị em khôn lớn. Tưởng chừng như ước mơ làm người thầy thuốc bị dập tắt thì chị biết đến chương trình hỗ trợ đào tạo bác sĩ của tỉnh. Năm 2015, khi vừa tốt nghiệp lớp 12, chị đã đăng ký theo học ngành bác sĩ đa khoa tại Trường ĐH Y dược Cần Thơ. Năm 2021, chị Dương tốt nghiệp và được Sở Y tế bố trí công tác tại TTYT huyện Đất Đỏ. “Chương trình hỗ trợ đào tạo bác sĩ của tỉnh đã giúp tôi giảm được nhiều khó khăn, tiếp thêm động lực để tôi yên tâm học tập 6 năm ĐH”, chị Dương bày tỏ.
Không chỉ trong thời gian học tập, từ khi về nhận việc, bác sĩ Dương đều được ngành y tế tỉnh và đơn vị công tác quan tâm, tạo điều kiện để phát triển chuyên môn. Từ tháng 11/2022 đến nay, bác sĩ Dương liên tục được cử đi học các lớp ngắn hạn nâng cao kỹ năng thực hành tại Bệnh viện Bà Rịa. Bác sĩ Dương nói: “Tôi sẽ tiếp tục học tập và rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ để phụng sự tốt nhất và lâu dài cho ngành”.
Bổ sung nhân lực cho ngành y tế
Theo Sở Y tế, chính sách hỗ trợ đào tạo bác sĩ, dược sĩ ĐH cho ngành y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được chia làm 2 giai đoạn, gồm: Từ năm 2009-2015 và từ năm 2015-2020, ở giai đoạn đầu, chương trình này được thực hiện dựa vào Quyết định số: 67/2009/QĐ-UBND ngày 26/8/2009 của UBND tỉnh về ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo bác sĩ, dược sĩ đại học cho ngành Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020. Sau đó, ngày 10/9/2014, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 45/2014-QĐ-UBND về Chính sách hỗ trợ đào tạo bác sĩ, dược sĩ ĐH cho ngành y tế tỉnh từ nay đến năm 2020 và thực hiện đến năm 2026. Đối tượng được tham gia chương trình này là SV có hộ khẩu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong suốt thời gian học, các SV được tỉnh hỗ trợ 100% học phí đào tạo và trợ cấp hàng tháng, trong đó SV trúng tuyển diện ngân sách nhà nước được nhận trợ cấp 2,34 lần mức lương cơ sở, SV trúng tuyển diện ngoài ngân sách nhà nước được hưởng trợ cấp 1,3 lần mức lương cơ sở. Các SV theo học chương trình này được học tập tại các trường ĐH y dược công lập, hệ chính quy. Hiện UBND tỉnh đang phối hợp với 3 trường, gồm: Trường ĐH Y dược Huế, Trường ĐH Y dược Cần Thơ và Trường ĐH Y dược TP.Hồ Chí Minh để thực hiện Chương trình hỗ trợ đào tạo bác sĩ, dược sĩ ĐH của tỉnh.
Khi tham gia Chương trình hỗ trợ đào tạo bác sĩ, dược sĩ ĐH của tỉnh, SV có bản cam kết, hợp đồng về phục vụ tại địa phương sau khi tốt nghiệp tối thiểu 10 năm và chịu sự phân công công tác của Sở Y tế. Trong trường hợp SV và gia đình không thực hiện đúng cam kết phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường gấp 3 lần tổng số tiền đã được hỗ trợ trong thời gian học tâp.
Cũng theo Sở Y tế, Chương trình hỗ trợ đào tạo bác sĩ, dược sĩ ĐH của tỉnh đã góp phần rất lớn trong việc bổ sung nguồn nhân lực ngành y tế cho tỉnh. Đồng thời mang lại cơ hội học tâp cho nhiều SV có niềm đam mê và muốn cống hiến cho ngành y nhưng có hoàn cảnh khó khăn.
Từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh đã có 292 SV theo học Chương trình hỗ trợ đào tạo bác sĩ, dược sĩ ĐH của tỉnh. Trong số này có hơn 200 người được học ngành bác sĩ đa khoa, 40 người học chuyên ngành hiếm (da liễu, tâm thần, lao, phong, pháp y), số còn lại học về chuyên khoa Răng hàm mặt, dự phòng, y học cổ truyền và dược sĩ. Đến nay, có 169 SV đã tốt nghiệp, được Sở Y tế bố trí việc làm tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh; còn 123 SV chưa ra trường. |
Bài, ảnh: TUỆ LÂM