.
CUỘC THI KHOA HỌC KỸ THUẬT DÀNH CHO HS TRUNG HỌC

Yêu quê hương qua từng trang sách mở

Cập nhật: 21:19, 20/02/2023 (GMT+7)

Những học sinh, thầy giáo với mong muốn mọi người hiểu hơn về Bà Rịa - Vũng Tàu, dễ tiếp cận hơn thông tin về lịch sử, địa lý địa phương đã dày công hiện thực hóa mong muốn thành các dự án cụ thể.

“Ứng dụng công nghệ thông tin để truyền tải thông tin, lịch sử, số hóa nhằm hỗ trợ phát triển ngành du lịch Côn Đảo” là dự án được hai em HS Lý Hoàng Anh và Hà Quốc Đạt cùng thầy Trần Song Hào ấp ủ suốt 2 năm qua.
“Ứng dụng công nghệ thông tin để truyền tải thông tin, lịch sử, số hóa nhằm hỗ trợ phát triển ngành du lịch Côn Đảo” là dự án được hai em HS Lý Hoàng Anh và Hà Quốc Đạt cùng thầy Trần Song Hào ấp ủ suốt 2 năm qua.

“Ứng dụng công nghệ thông tin để truyền tải thông tin, lịch sử, số hóa nhằm hỗ trợ phát triển ngành du lịch Côn Đảo” và “Thiết bị hỗ trợ dạy và học môn giáo dục địa phương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu” là 2 dự án đại diện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tranh tài tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho HS trung học năm học 2022-2023.

Đây là 2 dự án đạt giải trong số hơn 100 dự án tham dự cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh, dành cho HS trung học năm học 2022-2023 diễn ra trong 2 ngày 8 và 9/2.

Số hóa thông tin du lịch Côn Đảo

“Ứng dụng công nghệ thông tin để truyền tải thông tin, lịch sử, số hóa nhằm hỗ trợ phát triển ngành du lịch Côn Đảo” là dự án đã được 2 HS Lý Hoàng Anh và Hà Quốc Đạt, cùng thầy Trần Song Hào (Trường THPT Võ Thị Sáu, huyện Côn Đảo) ấp ủ trong suốt 2 năm.

Lý Hoàng Anh chia sẻ, từ lâu, trong lòng người dân cả nước, Côn Đảo đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Ngoài ra, với vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí, Côn Đảo đã được nhiều tạp chí trên thế giới ghi tên vào danh sách những điểm đến ấn tượng và đặc sắc.

“Chúng em nhận ra rằng, muốn phát triển Côn Đảo trở thành điểm đến không thể bỏ qua thì cần đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào quảng bá, giới thiệu về du lịch Côn Đảo. Việc này không những giúp mọi người hiểu hơn về Côn Đảo mà còn góp phần thúc đẩy ngành du lịch đầy tiềm năng nơi đây phát triển”, Hoàng Anh nói.

Dự án của Hoàng Anh và Quốc Đạt là một loạt các video clip thuyết minh về di tích lịch sử bằng song ngữ Việt-Anh, được vận hành trên một website thông tin có đầy đủ những tính năng khai báo y tế, đặt vé trực tuyến, hướng dẫn du lịch… Người sử dụng truy cập nhanh gọn chỉ bằng cách quét mã QR code.

Theo nhóm tác giả, dự án sẽ góp phần vào việc cuộc số hóa ngành du lịch Côn Đảo. Nhận thức của người dân, nhất là thế hệ trẻ về các giá trị truyền thống sẽ được cải thiện. Cùng với đó, nhiều hoạt động du lịch, dịch vụ tại địa phương được phát triển, thu hút nhiều du khách quốc tế…

Chia sẻ hành trình thực hiện dự án, Quốc Đạt cho hay, khó khăn lớn nhất là các em phải thu thập đầy đủ tài liệu, hình ảnh, video để tái hiện di tích lịch sử Côn Đảo bằng các video clip thuyết minh. Trong khi đó, những thước phim tài liệu cũ về các di tích không được phổ biến rộng rãi trên Internet.

Hoàng Anh và Quốc Đạt cho biết thêm, người đã “truyền lửa”, giúp các em biến ý tưởng thành hiện thực là thầy Trần Song Hào, GV hướng dẫn dự án.

“Thầy Hào đã định hướng cho chúng em phương pháp nghiên cứu, hướng dẫn chúng em thực nghiệm khảo sát, phát triển nội dung. Sau đó thầy góp ý những chỗ còn thiếu sót. Mặc dù thời gian hoàn thành dự án khá lâu nhưng qua đó, chúng em nắm được những phương pháp nghiên cứu không chỉ phục vụ cho dự án này mà còn cho cả những dự án tiếp theo”.

Thầy Trần Song Hào cho hay, hiện nay, thầy và trò đang tập trung hoàn thiện các bài thuyết minh bằng tiếng Anh và tiếng Việt, báo cáo, cẩm nang song ngữ Việt - Anh… để chuẩn bị cho cuộc thi cấp quốc gia sắp tới.

Một thiết bị đa năng, đa tiện ích

Dự án “Thiết bị hỗ trợ dạy và học môn Giáo dục địa phương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”, em Hồ Bùi Trọng và Đặng Thị Thùy Chi (HS Trường THPT Trần Văn Quan, huyện Long Điền) đã tích hợp kiến thức của 6 môn học: Địa lý, Lịch sử, Kinh tế và Pháp luật, Âm nhạc, Ngữ văn, Mỹ thuật của nội dung Giáo dục địa phương vào một thiết bị nhỏ gọn.

“Thiết bị hỗ trợ dạy và học môn Giáo dục địa phương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu” của em Hồ Bùi Trọng và Đặng Thị Thùy Chi được thực nghiệm tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Bà Rịa.
“Thiết bị hỗ trợ dạy và học môn Giáo dục địa phương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu” của em Hồ Bùi Trọng và Đặng Thị Thùy Chi được thực nghiệm tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Bà Rịa.

Thầy Nguyễn Tiến Nam, GV hướng dẫn dự án cho hay: “Theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Giáo dục địa phương đã trở thành môn học chính thức. Môn học này tích hợp kiến thức của nhiều bộ môn. Trong khi đó, GV bậc THPT lại giảng dạy đơn môn nên gặp không ít trở ngại trong giảng dạy. Sự ra đời của thiết bị khiến cho cả việc giảng dạy của GV và học tập của HS trở nên hiệu quả hơn”.

Ngay sau khi ý tưởng được hình thành, ròng rã suốt 4 tháng, dưới sự định hướng, hỗ trợ của GV hướng dẫn, em Hồ Bùi Trọng và Đặng Thị Thùy Chi đã tìm hiểu các kiến thức liên quan đến giáo dục địa phương, tìm hiểu về các linh kiện: cảm biến nhiệt độ, MP3, mạch khuếch đại âm thanh, Arduino Mega2560… và lập trình trên Arduino IDE. Các em đã chuyển đổi từ dữ liệu lưu bằng file word qua dữ liệu âm thanh, sau đó lưu về thành file MP3. Tiếp đó, tập hợp các file thành một thẻ nhớ gắn vào linh kiện MP3 DF Player. Thiết bị cũng đã được vận hành thử tại một số trường học và được đón nhận đầy hào hứng.

Đặng Thị Thùy Chi cho biết, chỉ với thao tác nhấn nút trên thiết bị, người dùng có thể chọn lựa tìm hiểu kiến thức các môn học, đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, người nước ngoài, người khiếm thị cũng có thể sử dụng được thiết bị. Bên cạnh đó, thiết bị không chỉ sử dụng trong giảng dạy môn giáo dục địa phương mà còn có thể đặt tại các địa điểm công cộng phục vụ cho khách du lịch tìm hiểu về Bà Rịa - Vũng Tàu. Thiết bị có giá thành hợp lý, dễ sử dụng và sửa chữa.

Theo thầy Nguyễn Tiến Nam, trước mắt, 3 thầy trò sẽ tập trung hoàn thiện dự án, “biến” thiết bị thành một chiếc máy tính bảng điều khiển bằng màn hình cảm ứng gọn gàng và tiện ích hơn. Trong tương lai, thiết bị có thể phát triển thêm kiến thức của các môn học khác hoặc phân chia kiến thức theo từng chủ đề, từng khối lớp...

“Trong suốt hơn 1 năm, kể cả dịp hè, chúng em đã phải đi đến tận các di tích để tìm kiếm những kỷ vật còn sót lại. Đó là một quá trình kéo dài, đi sớm về khuya để quay video clip mỗi ngày. Và rồi, chúng em đã may mắn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình của Trung tâm Bảo tồn di tích Quốc gia Côn Đảo. Có lẽ, các cô chú cũng mong muốn chúng em hoàn thành dự án này để những ký ức hào hùng Côn Đảo có thể sống mãi trong tim mọi người”.
(Hà Quốc Đạt, HS Trường THPT Võ Thị Sáu, huyện Côn Đảo)

KHÁNH CHI

.
.
.