Biến sở thích thành kế khởi nghiệp
Mô hình trồng lan cấy mô bằng phân bón hữu cơ của chị Trần Thị Nam Phương, Phó Bí thư Đoàn Xã Châu Pha (TX.Phú Mỹ) là 1 trong 4 dự án khởi nghiệp được Quỹ khởi nghiệp của Hội LHTN tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng tiền vốn, không lãi suất trong 1 năm, từ chương trình Nhà Đầu tư Thiên thần năm 2022. Với tinh thần trách nhiệm của 1 cán bộ Đoàn, chị Phương tích cực chia sẻ mô hình, hướng dẫn các ĐVTN từ phương pháp, cách làm hiệu quả cho thanh niên địa phương.
Những cây hoa lan phát triển tốt, đủ điều kiện được chị Phương bán cho các cửa hàng trong và ngoài tỉnh. |
Chị Nam Phương cho biết, ba chị làm công nhân ở bộ phận chăm sóc cây cảnh của Công ty CP Dịch vụ Đô thị Tân Thành và có sở thích đặc biệt với hoa lan. Từ khi còn nhỏ, chị đã làm quen, cùng ba chăm sóc các chậu lan nên tình yêu hoa lan cũng dần nảy sinh từ đó.
Khoảng năm 2019, chị Phương quyết định khởi nghiệp trồng hoa lan nhưng theo cách đổi mới. Đó là trồng lan cấy mô bằng phân bón hữu cơ. Chị Phương chia sẻ: “Tôi may mắn có ba làm điểm tựa, truyền kinh nghiệm, tiếp đến là gia đình đều yêu hoa lan. Được sự khuyến khích và hỗ trợ, động viên nhiệt tình từ ba, cùng với lợi nhuận cao, hoa được thị trường ưa chuộng nên tôi mạnh dạn khởi nghiệp và đăng ký mô hình để được hỗ trợ”.
Dựa vào kinh nghiệm chăm sóc hoa lan do ba truyền đạt, kết hợp với những kiến thức nông nghiệp, trồng trọt do tự tìm hiểu; được tập huấn từ Xã Đoàn, Thị Đoàn; chị Phương còn nhận thấy những đặc tính ưu việt của trồng lan bằng phương pháp cấy mô là: cây khỏe, ít sâu bệnh, thời gian chăm sóc ngắn hơn, chất lượng và số lượng hoa đạt cao hơn phương pháp trồng lan truyền thống. Chị cũng bỏ công nhiều tháng trời tìm đến tận các cơ sở cung cấp mô bào lan uy tín trong và ngoài tỉnh để học cách tách, xử lý, trồng lan và chăm sóc lan sau khi tách từ mô bào… và thương thảo để tìm nguồn cung. Để tăng lợi nhuận, tiết kiệm chi phí, chị Phương tiếp tục nghiên cứu ra loại phân bón hữu cơ cho cây lan mình trồng. Đó là tận dụng nguồn phân chuồng sẵn có từ gia đình và các hộ dân tại địa phương kết hợp với men vi sinh.
Quyết đoán, thông minh, nhạy bén cùng cách làm “lấy ngắn nuôi dài” nên chỉ dưới 5 triệu đồng vốn khởi điểm chủ yếu dùng cho việc mua mô bào lan giống. Đến nay, vườn lan của chị Phương đã phát triển hơn 100m2, với hơn 1.500 chậu lớn nhỏ, đủ các giống lan. Chị Phương cũng nhận cung cấp cây hoa lan thành phẩm cho các trại hoa giống, quán cà phê, nhà vườn … trên địa bàn tỉnh. Vườn lan mang về cho chị Phương thu nhập ổn định hơn 10 triệu đồng/ tháng.
Nhận được nguồn vốn hỗ trợ 50 triệu đồng, 0% lãi suất, trong 1 năm từ Quỹ hỗ trợ của Hội LHTN tỉnh như được tiếp thêm động lực để chị Phương thực hiện ước mơ khởi nghiệp của mình. “Nguồn vốn này tôi cải tạo lại vườn lan, đầu tư thêm giống và mở rộng diện tích để phát triển hơn trong tương lai”, chị Phương chia sẻ.
Không chỉ quan tâm phát triển khởi nghiệp cho cá nhân, chị Phương còn là một cán bộ Đoàn nhiệt huyết, năng động và gương mẫu trong phong trào Đoàn-Hội.
Để khuyến khích thanh niên địa phương lập nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chị Phương thường tổ chức, tạo điều kiện, hướng dẫn, chia sẻ cách trồng lan bằng phương pháp cấy mô hiệu quả này cho các ĐVTN.
Em Lý Phạm Hương Lan, HS Trường THPT Châu Thành (TP.Bà Rịa) cho biết: “Em tham gia hoạt động Đoàn và biết về mô hình trồng lan của chị Phương. Khi chia sẻ về việc muốn tham quan, học hỏi các kỹ thuật trồng và chăm sóc lan, chị Phương chỉ cho chúng em rất nhiều thứ về lan, từ cách trồng, chăm sóc và đặc tính từng loại. Với mô hình này em liên tưởng và áp dụng được khi học môn Sinh học ở trường. Bên cạnh đó, em cũng định hướng được ngành học cho bản thân trước ngưỡng cửa đại học”.
Từ tính cách nhiệt tình, sẵn sàng chia sẻ để cùng nhau khởi nghiệp, với chị Phương và Xã Đoàn Châu Pha, đây còn là cách làm hay để tập hợp thanh niên vào tổ chức Đoàn; phát huy tính xung kích, sáng tạo của thanh niên cùng nhau lập thân lập nghiệp tại quê hương.
Bài, ảnh: MAI NGỌC