.

''Buôn thúng, bán bưng'' ngày Tết

Cập nhật: 19:57, 27/01/2023 (GMT+7)

Ngày Tết, khi mọi người sum họp bên gia đình thì những người lao động nghèo làm nghề “buôn thúng, bán bưng” lại ra đường mưu sinh. Khách du lịch đến Vũng Tàu đông, gánh hàng bán được nhẹ, niềm hy vọng về một cái Tết muộn ở quê lại đong đầy trong ánh mắt những người tha hương.

Ông Lê Minh Dinh (quê ở Cần Thơ) làm cá viên chiên cho khách.
Ông Lê Minh Dinh (quê ở Cần Thơ) làm cá viên chiên cho khách.

Miệt mài mưu sinh

Giữa hàng ngàn khách du lịch đông đúc vui chơi tại TP. Vũng Tàu, chúng tôi bắt gặp bà Lê Thị Liên (70 tuổi) đang ngồi ở một góc tại Công viên Cột Cờ, Bãi Sau với một túi hàng đủ màu sắc gồm: cây bắn bong bóng, máy bắn bong bóng, các loại chong chóng. Chốc lát lại có khách đến mua cây thổi bong bóng với giá 40 ngàn đồng, máy bắn bong bóng hình cá voi giá 100 ngàn đồng. Cứ thế, bà bán đều tay trong mấy ngày Tết.

Bà Liên cho biết, cuộc sống ở Thái Bình vất vả nên 10 năm qua cả 2 vợ chồng bà vào TP.Vũng Tàu thuê trọ mưu sinh. Ngày thường chỉ bán được 100-200 ngàn đồng/ngày nhưng những ngày Tết khách du lịch đông bà bán được 400-500 ngàn đồng/ngày. “Đã 10 năm nay tôi không về quê ăn Tết, tôi ở lại Vũng Tàu những ngày Tết để bán hàng. Vợ chồng tôi tính làm việc chăm chỉ mấy ngày Tết rồi dành dụm một ít, qua Tết về quê thăm con”, bà Liên tâm sự.

Mùng 1 Tết, bà Nguyễn Thị Đường (quê ở Quảng Ngãi) ăn mặc tươm tất hơn mỗi ngày để bắt đầu một ngày dài rong ruổi bán vé số khắp các tuyến đường tập trung đông khách du lịch. Dù đã 60 tuổi nhưng dáng đi nhanh nhẹn, nụ cười thân thiện lúc nào cũng nở trên môi nên ít ai lắc đầu từ chối mua vé số của bà. Cứ như thế, người mua ít thì 1-2 tờ, cũng có người đầu năm mua ủng hộ bà 10 tờ. Chỉ buổi sáng là xấp vé số dày cộp 200 tờ trên tay của bà gần như hết sạch.

“Bình thường bán 200 vé, cao điểm Tết bán từ 400-500 vé, tiền lời cũng cao gấp đôi nên tôi quyết định bán hết tháng giêng sẽ về thăm quê sau”, bà Đường nói.

Hy vọng sum vầy

Giữa dòng người nhộn nhịp chơi Tết, anh Nguyễn Văn Hai (25 tuổi, quê ở Tiền Giang) vẫn đạp chiếc xe chở thùng kem vừa đi vừa lắc lắc chiếc chuông nhỏ thay cho lời rao, lời mời. 15 ngàn đồng một chiếc kem ốc quế, anh đạp xe mỗi ngày khoảng 20km vòng đi, vòng về các tuyến ven biển cũng bán được 50-60 cây. Chịu khó bán đến khuya, có hôm anh cũng bán được cả trăm cây, thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng. “Trừ các khoản chi phí, ngày Tết chịu khó đi bán thì tôi cũng kiếm được 400-500 ngàn đồng, còn ngày thường cao lắm lãi 100-200 ngàn”, anh Hai nói.

Ngoài các khoản chi phí nhà trọ, trang trải, chi tiêu cho bản thân, anh còn phải dành dụm 2-3 triệu đồng mỗi tháng để gửi về quê cho cha mẹ. “Tôi ở lại đi làm với hy vọng kiếm thêm được chút tiền phụ giúp gia đình. Ra giêng vắng khách du lịch, tôi sẽ về với cha mẹ dài ngày hơn”, anh Hai chia sẻ.

Trong khi đó, ông Lê Minh Dinh (52 tuổi, quê ở Cần Thơ) bán cá viên chiên dọc đường Hoàng Hoa Thám - Thùy Vân những ngày Tết chỉ ngủ khoảng 3-4 tiếng/ngày. Thời gian còn lại, ông bán cá viên chiên cho khách du lịch.

Bà Lê Thị Liên bán cây thổi bong bóng xà phòng cho trẻ con tại khu vực Bãi Sau, TP. Vũng Tàu.
Bà Lê Thị Liên bán cây thổi bong bóng xà phòng cho trẻ con tại khu vực Bãi Sau, TP. Vũng Tàu.

Khi vắng khách, ông tranh thủ chợp mắt bên lề đường. Nghe tiếng khách hỏi “cá viên chiên bán sao chú ơi?”, ông Dinh tỉnh dậy, dụi dụi 2 mắt còn cay rồi nhanh tay bật bếp ga, cho dầu vào chảo… Ông Dinh kể, hơn 10 năm trước, cuộc sống ở Cần Thơ khó khăn nên ông đành chấp nhận xa vợ con đến Vũng Tàu mưu sinh. Không có nghề gì trong tay, ông sắm chiếc xe bán cá viên chiên.

“Mấy hôm nay cực nhưng bán được nhiều hơn. Ngoài tiền bán hàng, nhiều khách du lịch hào phóng lì xì thêm 20-50 ngàn đồng. Cuối năm, chưa mua được đồ mới cho bà xã ở quê mặc Tết, tôi làm hết mùng 10 chắc chắn có cái áo đẹp cho bả rồi”, ông Dinh vừa kể vừa nhoẻn miệng cười thật tươi.

Vì cuộc sống mưu sinh, những người lao động tự do tranh thủ từng ngày, từng giờ trong thời điểm khách du lịch ở Vũng Tàu đến đông để kiếm thêm thu nhập. Tết của họ luôn mướt mồ hôi với những ngày dài làm việc từ sáng đến khuya. Và dù muộn nhưng họ vẫn không thôi hy vọng một cái Tết sum vầy bên gia đình, người thân.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.