.
CHỌN NGHỀ CHO TƯƠNG LAI

Kỳ 2: Đón đầu nhu cầu nhân lực của xã hội

Cập nhật: 18:31, 13/12/2022 (GMT+7)

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Với chủ đề “Nghề nghiệp và những định hướng nghề nghiệp thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0”, chương trình “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” đã mang đến cho các em HS những thông tin hữu ích về phương thức tuyển sinh năm 2023 và “bí kíp” lựa chọn nghề nghiệp cũng như nhu cầu nguồn nhân lực tới năm 2030.

Em Nguyễn Thị Kim Tâm, HS Trung tâm GDTX Long Điền - Đất Đỏ đặt câu hỏi cho Ban tư vấn trong chương trình “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai”.
Em Nguyễn Thị Kim Tâm, HS Trung tâm GDTX Long Điền - Đất Đỏ đặt câu hỏi cho Ban tư vấn trong chương trình “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai”.

“Đừng chỉ chọn trường, hãy chọn tương lai”

Trong chương trình, TS. Lê Thị Thanh Mai, chuyên gia hướng nghiệp, Trưởng Ban công tác SV, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã thông tin tới các em HS phương thức tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2023. TS. Thanh Mai cho biết, Bộ GD-ĐT vừa yêu cầu các trường ĐH-CĐ rà soát lại phương thức tuyển sinh nhằm bảo đảm tính hiệu quả và sự tập trung. Theo đó, có 3 phương thức có tỷ lệ thí sinh sử dụng và nhập học nhiều nhất, đó là: xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển bằng học bạ và xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực. Để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh năm 2023, các em HS cần tìm hiểu kỹ phương thức xét tuyển và có sự chuẩn bị về năng lực học tập. Đặc biệt, các em cần xác định cho mình ngành học thực sự yêu thích rồi chọn phương thức phù hợp.

“Các em có thể phối hợp nhiều phương thức để tăng cơ hội trúng tuyển. Tuy nhiên, tất cả các phương thức nên tập trung hướng về mục tiêu nhất định”, TS. Mai lưu ý.

Trả lời câu hỏi: “Là học viên trung tâm GDTX, liệu em có cơ hội vào ĐH hoặc đi du học hay không?” của em Nguyễn Thị Kim Tâm, HS lớp 12A2, Trung tâm GDTX huyện Long Điền-Đất Đỏ, ThS.Vương Văn Khởi, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP. Hồ Chí Minh khẳng định: “Dù là HS THPT hay GDTX thì cơ hội vào ĐH hay du học vẫn luôn rộng mở, chỉ cần các em có sự chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết”.

Trải nghiệm nghề là 1 trong những cách hiệu quả hỗ trợ các em HS định hướng nghề nghiệp cho tương lai.
Trải nghiệm nghề là 1 trong những cách hiệu quả hỗ trợ các em HS định hướng nghề nghiệp cho tương lai.

ThS. Khởi cho biết thêm, để theo học CĐ, ĐH, trước hết các em phải tốt nghiệp THPT. Còn nếu muốn du học, ngoài điều kiện tốt nghiệp THPT, các em phải đạt yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, điều kiện tài chính… Ngoài du học, các em còn có thể lựa chọn theo học các chương trình hợp tác quốc tế.

“Đừng chỉ chọn trường, hãy chọn tương lai” là thông điệp TS tâm lý học Tô Nhi A gửi gắm tới những thí sinh thuộc “thế hệ Z”. Cụ thể, các em HS khi chọn ngành, trường hãy xuất phát từ năng lực, sở trường của bản thân. Hãy tổng hợp tất cả các thông tin: học lực từng môn, năng khiếu vượt trội, ngoại hình… để biết mình có thể làm tốt công việc gì. Bởi trên thực tế, đam mê hình thành và phát triển từ chính thành quả của cá nhân. Tiếp đó, hãy lập kế hoạch tài chính cho việc học ĐH. Đồng thời, tích cực tìm kiếm thông tin chính thống về việc dự báo nguồn nhân lực, xu thế đầu tư phát triển của nền kinh tế hiện nay và trong 5-8 năm tới.

Đông Nam Bộ có nhu cầu nhân lực 735 ngàn người/năm

Ông Trần Anh Tuấn, Chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Đào tạo và phát triển nhân lực, Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp chia sẻ: “Cùng với năng lực của bản thân là cơ sở quan trọng nhất, việc tham khảo nhu cầu nhân lực ở các nhóm ngành nghề sẽ giúp bạn tăng khả năng đón đầu nhu cầu nhân lực của xã hội, nâng cao cơ hội nghề nghiệp khi ra trường”.

Theo ông Tuấn, trong giai đoạn từ nay tới 2030, nhu cầu nhân lực qua đào tạo bình quân chiếm 85%. Trong đó 2 nhóm ngành nổi bật là Kỹ thuật - Công nghệ (chiếm 35%) và Kinh tế - Tài chính- Ngân hàng - Pháp luật - Hành chính (chiếm 33%).

Ông Tuấn thông tin thêm, thị trường lao động Việt Nam bao gồm cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TP.Hồ Chí Minh có tốc độ tăng trưởng ổn định với nhu cầu nhân lực liên tục phát triển. Trong đó, khu vực Đông Nam Bộ có nhu cầu nhân lực 735 ngàn người/năm với các nhóm ngành nổi bật như: công nghiệp cơ khí, dầu khí và các chế phẩm hóa dầu, hóa chất, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ chế biến, công nghệ xây dựng, công nghệ vật liệu…

Quy trình phát triển thị trường lao động Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, đặc biệt chịu tác động của cuộc cách mạng 4.0 sẽ dẫn tới sự phát triển nhanh chóng của một số nhóm ngành nghề nổi bật như: nhóm ngành Công nghệ-Kỹ thuật phát triển theo hướng hiện đại hóa và chuyên môn hóa cao độ với các ngành công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô; nhóm ngành Kinh doanh-Thương mại-Tài chính có nhiều ngành mới “khát” nhân lực chuyên môn như: Digital Marketing, Logistic, Thương mại điện tử và Công nghệ tài chính; các ngành dịch vụ khác như Du lịch, Truyền thông, Ngoại ngữ và Y tế cũng thuộc top các ngành nghề thu hút nhiều lao động từ nay tới 2030.

Trong chia sẻ “Chọn ngành nghề mới, cần lưu ý gì khi “dấn thân”, ThS. Giáo dục học, Chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo cho hay: “Trong đời sống hiện nay, chúng ta đang làm quen với sự phổ biến và tầm ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của nhiều nghề mới, đặc biệt là những nghề liên quan tới sáng tạo cá nhân và các mạng xã hội, có thể kể tới như Youtuber, Streamer, Stylist, Social Media. Điểm chung của những nghề này là khó xác định được chuyên ngành đào tạo, bởi trong mỗi công việc là sự giao thoa của nhiều lĩnh vực phát triển mạnh mẽ”. Tuy vậy, các em HS hãy xác định tính chất nghề nghiệp, đối chiếu với năng lực cá nhân vẫn là bước đầu tiên khi bạn yêu thích bất kỳ một nghề nào.

Chọn ngành học hiếm, ngành mới hay chọn làm những công việc mới đều cần có sự chuẩn bị chu đáo và đầu tư nghiêm túc về tố chất và kiến thức. Khi bạn đã chuẩn bị đủ các điều kiện cần thì cơ hội nghề nghiệp ở nhiều vị trí khác nhau sẽ luôn rộng mở, chờ đón bạn thử sức, có thể là nghề mới, cũng có thể là nghề không mới nhưng đãi ngộ tương xứng với sự xuất sắc của bạn.
ThS. Giáo dục học, Chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

 
.
.
.