.
CHỌN NGHỀ CHO TƯƠNG LAI

Kỳ 1: Hướng nghiệp là cả tương lai của học sinh

Cập nhật: 20:06, 12/12/2022 (GMT+7)

Đó là lời chia sẻ tâm huyết của TS.Đào Lê Hòa An, nhà sáng lập ứng dụng hướng nghiệp JobWay, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Tâm lý học Việt Nam trong chương trình "Khơi gợi ý tưởng sáng tạo, định hướng nghề nghiệp cho HS”. 

Giáo viên tham gia chương trình

Hiểu đúng về hướng nghiệp

Ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025” của tỉnh, mục tiêu đến năm 2025 ít nhất 45% HS tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ CĐ.

Tuy nhiên, đến năm 2022, tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ CĐ mới đạt 13,51%. Trước thực tế đó, các nhà trường cần được hỗ trợ trong việc định hướng nghề nghiệp cho HS phù hợp với giá trị năng lực bản thân và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.

Giảng viên Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu giới thiệu thiết bị điện cho các em học sinh.
Giảng viên Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu giới thiệu thiết bị điện cho các em học sinh.

Chia sẻ tại chuỗi hoạt động "Khơi gợi ý tưởng sáng tạo, định hướng nghề nghiệp cho HS” dành cho GV trung học, TS.Đào Lê Hòa An nhấn mạnh: “Với chúng ta, hướng nghiệp chỉ là… hướng nghiệp. Nhưng với các em HS là cả thanh xuân, có khi là cả cuộc đời”.

Theo TS.Đào Lê Hòa An, hướng nghiệp là các hoạt động nhằm hỗ trợ cá nhân chọn lựa và phát triển chuyên môn nghề nghiệp phù hợp nhất với khả năng của mình. Đồng thời thỏa mãn nhu cầu nhân lực cho các lĩnh vực nghề nghiệp (thị trường lao động) ở cấp độ địa phương và quốc gia.

“Lâu nay chúng ta vẫn lầm tưởng rằng hướng nghiệp chỉ là sự lựa chọn một nghề nghiệp mà mình yêu thích, chọn một trường ĐH phù hợp với mình. Tuy nhiên, đây chỉ là phần ngọn của một quá trình, một hoạt động trong số rất nhiều các hoạt động của hướng nghiệp”, TS.Đào Lê Hòa An khẳng định.

TS.Đào Lê Hòa An lý giải thêm, thuật ngữ hướng nghiệp, nếu được hiểu chính xác nó là sự kết hợp của nhiều lĩnh vực như đánh giá nghề nghiệp, quản lý nghề nghiệp, phát triển nghề nghiệp... Trong đó, lựa chọn nghề nghiệp chỉ là một giai đoạn đầu trong tiến trình hướng nghiệp của mỗi người. Hướng nghiệp là một quá trình liên tục tác động từ khi người học còn ngồi học ở bậc phổ thông, qua quá trình trau dồi chuyên môn nghề nghiệp và tìm được nơi lao động phù hợp.

Học sinh tham quan, trải nghiệm tại Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu.
Học sinh tham quan, trải nghiệm tại Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu.

Hướng nghiệp sớm cho “Gen Z”

TS.Đào Lê Hòa An cho biết thêm, đối tượng cần được tư vấn, định hướng nghề nghiệp là những HS thuộc “Gen Z”, hay còn được gọi là thế hệ iGen (iGeneration): “Những cá nhân này sinh từ 1996 trở đi, thì đến 1997 Internet đã vào Việt Nam. Và sau đó là sự xuất hiện của facbook (2004), youtube (2005), hay iPhone (2007). Nghĩa là từ khi sinh ra, cuộc sống của các em đã có liên quan tới Internet. Vì vậy, Gen Z có lợi thế rõ ràng hơn về công nghệ, có xu hướng lựa chọn nghề nghiệp mang tính linh động cao, đa nền tảng để có thể làm việc mọi lúc mọi nơi”.

Để giúp Gen Z lựa chọn được ngành nghề, lĩnh vực phù hợp, trước hết, các thầy cô giáo phải khảo sát nhu cầu, sở thích, thế mạnh của HS, cho HS làm trắc nghiệm tính cách, nghề nghiệp, tổ chức các chuyên đề “La bàn định hướng tương lai”. Từ đó giúp các em hiểu chính mình.

Tiếp đó, nhà trường nên tổ chức buổi tọa đàm, talk show giao lưu với những người thành công trong nghề và cho HS tham quan trải nghiệm để các em hiểu hơn về nghề nghiệp. Cuối cùng là tổ chức cho HS tìm hiểu nội dung chương trình, trò chuyện với đại diện các trường đào tạo, SV để hiểu trường và ngành học. Về nguyên tắc chọn nghề, TS.Đào Lê Hòa An nhấn mạnh, điểm chung của 3 yếu tố: thứ các em thích, thứ các em giỏi, thứ xã hội cần chính là nghề nghiệp lý tưởng.

Để nâng cao chất lượng công tác phân luồng, hướng nghiệp trong thời gian tới, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường trung học, trung tâm giáo dục thường xuyên xây dựng kế hoạch triển khai công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường; chủ động đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp; huy động các nguồn lực xã hội hóa tham gia hoạt động hướng nghiệp cho HS. Đồng thời sử dụng tài liệu giáo dục hướng nghiệp của tỉnh để tích hợp ở các môn học và trong hoạt động giáo dục của nhà trường.     
(Ông Nguyễn Văn Ba, 
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT)

Tuy nhiên, cũng theo TS.Hòa An, năng lực của con người rất đa dạng, phong phú. Nhiều năng lực không được thể hiện rõ nét nếu chỉ đánh giá bằng các môn học trong nhà trường. Do đó, vai trò của các CLB, các hoạt động ngoại khóa, chương trình trải nghiệm… trong trường học là rất quan trọng với hoạt động tư vấn, hướng nghiệp.

Đồng quan điểm, TS.Lê Thị Thanh Mai, chuyên gia hướng nghiệp, Trưởng Ban công tác SV, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cho hay, các em HS chưa đủ kinh nghiệm để phát hiện năng lực của mình. Vì vậy, trong quá trình tiếp xúc với HS, các thầy cô hãy cố gắng phát hiện điểm mạnh của từng HS và hướng các em tới hoạt động trải nghiệm có tính định hướng.

Theo bản tin khảo sát thị trường lao động quý 4/2016 của Bộ LĐ-TB-XH, cả nước có hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp và nhiều nhất ở nhóm trình độ ĐH trở lên (với hơn 218 ngàn người). Điều này gây lãng phí 43.600 tỷ đồng chi phí đào tạo, cùng với đó là thời gian, tuổi trẻ, công sức của chính các em và gia đình.

Theo TS.Lê Thị Thanh Mai, nếu được hướng nghiệp từ sớm, HS sẽ có “độ chín” để hiểu sâu sắc hơn về các lĩnh vực nghề nghiệp. Tuy nhiên, mỗi cấp học sẽ có những định hướng khác nhau. Ở bậc THCS, nhà trường cần tập trung định hướng cho HS lựa chọn 1 trong 2 con đường: Học tiếp bậc THPT với những em có đủ năng lực hoặc theo học hệ thống giáo dục nghề nghiệp để trở thành lao động qua đào tạo trước khi chính thức bước vào thị trường lao động. Ở bậc THPT, cần hướng cho các em tiếp cận hệ thống giáo dục sau THPT, hệ thống nghề chuyên sâu.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, TS.Lê Thị Thanh Mai cũng lưu ý các thầy cô giáo về 5 ngành sẽ thay đổi thế giới trong tương lai, gồm: robot, di truyền học, tiền tệ kỹ thuật số, an ninh mạng và dữ liệu lớn.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

.
.
.