.
BỘN BỀ KHÓ KHĂN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI

Kỳ 2: Cần giải pháp căn cơ từ nhiều phía

Cập nhật: 19:30, 27/12/2022 (GMT+7)

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Đối mặt với thách thức, ngành GD-ĐT và các địa phương đã nỗ lực tìm giải pháp triển khai chương trình SGK giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 một cách tích cực. Tuy nhiên, để việc thực hiện hiệu quả thiết thực, cần có những giải pháp căn cơ với sự vào cuộc từ nhiều phía.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Yến đề nghị UBND tỉnh tạo mọi điều kiện để chương trình GDPT mới được triển khai thuận lợi.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Yến đề nghị UBND tỉnh tạo mọi điều kiện để chương trình GDPT mới được triển khai thuận lợi.

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, hiện 100% các trường phổ thông cơ bản đáp ứng các điều kiện để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Song, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thiếu đồng bộ, diện tích phòng học chưa phù hợp với sĩ số HS/lớp, chưa đáp ứng được việc triển khai chương trình GDPT 2018.

BÀ NGUYỄN THỊ YẾN, PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC TỈNH ỦY, TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH
Phải xây dựng quy hoạch giáo dục
Ngành giáo dục cần tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy hoạch giáo dục để định hình nhu cầu trường lớp, HS, đội ngũ. Từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, tạo nguồn tuyển GV cho từng giai đoạn.
Trước mắt, ngành giáo dục cần sắp xếp lại đội ngũ; rà soát, đề xuất mua sắm trang thiết bị phục vụ cho triển khai chương trình phổ thông mới; gấp rút hoàn thiện tài liệu giáo dục địa phương phục vụ giảng dạy. UBND tỉnh cũng cần xây dựng lộ trình khắc phục khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các địa phương, phòng GD-ĐT, nhà trường trong việc thực hiện Nghị quyết 88, Nghị quyết 51.

Trong số các địa phương trên địa bàn tỉnh, TP.Vũng Tàu và TX.Phú Mỹ đang gặp khó khăn do sĩ số HS/lớp quá cao vì hạn chế về quỹ đất xây dựng trường học. Nhiều trường đang phải tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có để triển khai chương trình GDPT 2018.

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT, bắt đầu với lớp 10. Trong ảnh: Một tiết học của HS lớp 10 Trường THPT Nguyễn Du (huyện Châu Đức).
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT, bắt đầu với lớp 10.
Trong ảnh: Một tiết học của HS lớp 10 Trường THPT Nguyễn Du (huyện Châu Đức).

Về trang thiết bị dạy học, đến nay, các trường đã được cấp thiết bị dạy học tối thiểu cho lớp 1, lớp 6. UBND tỉnh và các địa phương đang lên kế hoạch mua sắm và tiếp tục rà soát nhu cầu để bổ sung cho các khối lớp còn lại. Từ năm 2020-2022, các địa phương khắc phục khó khăn, bố trí kinh phí sửa chữa trường lớp mua sắm thiết bị thực hiện chương trình GDPT 2018 khoảng 1.286 tỷ đồng.

Về nhân sự, Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay, bậc học phổ thông toàn tỉnh đang thiếu 689 GV, chủ yếu là GV TH và GV các bộ môn năng khiếu. Sở dĩ có tình trạng này do ngành GD-ĐT vừa không có nguồn tuyển đủ biên chế giao vừa phải thực hiện tinh giản biên chế 10% theo chủ trương của Trung ương. Cùng với đó, biên chế GV/lớp cấp TH còn thấp, chưa bảo đảm cho các  trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Các địa phương phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết khó khăn như: sắp xếp lại đội ngũ, dồn số lượng HS/lớp, phân công GV dạy tăng giờ và hợp đồng thỉnh giảng. Ngành cũng vừa đề nghị bổ sung 897 biên chế nhưng mới chỉ được giao thêm 78 chỉ tiêu.

Đoàn giám sát ĐBQH tỉnh khảo sát thực tế tại Trường THPT Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu).
Đoàn giám sát ĐBQH tỉnh khảo sát thực tế tại Trường THPT Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu).

“Sở sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ GV các cấp theo tiêu chuẩn mới; rà soát, tinh giản, bố trí sắp xếp cho phù hợp với yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục của tỉnh, bảo đảm đủ số lượng, đáp ứng về chất lượng, hiệu quả trong công việc”, bà Châu nói.

Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết thêm, năm 2022, tỉnh đã hoàn thành công tác bồi dưỡng đội ngũ GV, cán bộ quản lý để thực hiện chương trình GDPT mới theo quy định. Về việc bố trí GV dạy học tích hợp và giảng dạy các môn mới, trong giai đoạn hiện nay, tạm thời, các đơn vị vẫn sắp xếp GV dạy theo từng chuyên môn riêng biệt và chủ động điều chỉnh thời khóa biểu cho phù hợp với chương trình. Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh bồi dưỡng 50% đội ngũ GV giảng dạy các bộ môn tích hợp trong quý I, II năm 2023. Trong năm 2024 sẽ tiếp tục hoàn tất công tác bồi dưỡng cho GV giảng dạy các bộ môn mới. Ngoài ra, Sở còn thành lập các đoàn kiểm tra, hỗ trợ chuyên môn và quản lý tại các trường trong thực hiện chương trình GDPT 2018.

Về tài liệu giáo dục địa phương, hiện tài liệu lớp 1, 2, 6, và 7 của tỉnh đã biên soạn xong, được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Sở đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, GV, phát hành file để HS, GV có tài liệu học tập, giảng dạy trong thời gian chờ triển khai các thủ tục pháp lý in ấn và phát hành theo quy định. Hội đồng biên soạn đang gấp rút hoàn thiện ban hành tài liệu địa phương lớp 10.

Đẩy mạnh xã hội hóa, tự chủ tài chính 

Để triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về việc đổi mới chương trình SGK GDPT 2018 trong những năm tới, theo bà Trần Thị Ngọc Châu, cần hoàn thiện và ban hành các quy định về điều kiện bảo đảm chất lượng thực hiện chương trình như: quy định về định mức HS, GV/lớp; thiết bị công nghệ tối thiểu thích ứng với chuyển đổi số.

Đồng thời, cần dự báo nhu cầu và xây dựng kế hoạch dài hạn thực hiện đào tạo GV gắn với nhu cầu sử dụng, bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tổ chức rà soát, sắp xếp, tuyển dụng, bồi dưỡng, sử dụng, có chế độ đãi ngộ, chính sách đặc thù với đội ngũ cán bộ, GV. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tự chủ tài chính trong GD-ĐT.

Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết thêm, Chính phủ cũng cần chỉ đạo giảm giá thành SGK chương trình GDPT, có chính sách ưu đãi về tiền lương giúp cán bộ quản lý, GV yên tâm công tác. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ GD-ĐT phân bổ đủ chỉ tiêu GV cho ngành giáo dục, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục tuyển đủ GV, đặc biệt là GV các môn Âm nhạc, Mĩ thuật…

Trường THPT Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu) mở CLB STEM để HS được trải nghiệm, sáng tạo, theo mục tiêu của chương trình GDPT mới. Trong ảnh: Đoàn giám sát ĐBQH tỉnh  tham quan CLB STEM của Trường THPT Vũng Tàu.
Trường THPT Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu) mở CLB STEM để HS được trải nghiệm, sáng tạo, theo mục tiêu của chương trình GDPT mới. Trong ảnh: Đoàn giám sát ĐBQH tỉnh tham quan CLB STEM của Trường THPT Vũng Tàu.

Cùng với đó, Bộ Tài chính sớm ban hành khung giá thiết bị dạy học. Bộ GD-ĐT cũng cần sớm phê duyệt SGK các khối còn lại để các địa phương tổ chức lựa chọn và cung ứng SGK cho HS, GV. Bộ cũng cần xem xét, điều chỉnh định mức diện tích đất tối thiểu/HS của từng cấp học cho khu vực thành phố, thành thị và có hướng dẫn định hướng kiểm tra, đánh giá trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Mới đây, phát biểu tại buổi giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT trên địa bàn tỉnh”, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận nỗ lực của ngành GD-ĐT trong triển khai 2 nghị quyết của Quốc hội.

Xác định đội ngũ cán bộ quản lý, GV chính là chìa khóa để triển khai chương trình GDPT 2018, bà Nguyễn Thị Yến cho biết sẽ kiến nghị Bộ GD-ĐT cho các địa phương hợp đồng GV theo chuẩn cũ để bảo đảm công tác giảng dạy. 

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

.
.
.