Ấm áp nghĩa tình từ những ngôi nhà chữ thập đỏ
Những ngày cuối năm, nhiều gia đình nghèo đã dọn về sống trong các căn nhà mới, khang trang, sạch sẽ và chứa chan nghĩa tình. Đó là hiệu quả của chương trình nhân ái xây dựng “Nhà chữ thập đỏ” cho người nghèo mà Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã triển khai nhiều năm nay. Nhờ đó, giúp các trường hợp khó khăn “an cư lạc nghiệp”, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Đại diện lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao Quyết định bàn giao nhà cho gia đình anh Phạm Hồng. |
Trong những ngày này, căn nhà của anh Phạm Hồng (48 tuổi, ở tổ 19, ấp Phước Trung, xã Tam Phước, huyện Long Điền) đông vui hơn mọi khi. Vợ chồng anh thường xuyên đón tiếp bà con hàng xóm đến chúc mừng, chia vui và động viên khi gia đình anh vừa dọn về ở trong căn nhà “Chữ thập đỏ” do Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao tặng.
Nhà anh có 7 nhân khẩu, gồm bố mẹ già hơn 80 tuổi và 3 người con đang ở tuổi ăn học. Anh Hồng bị bệnh thần kinh tọa nhiều năm nay, không làm được công việc nặng nhọc nên anh mua cá về bán lại cho người dân trong xóm nhưng lời lãi chẳng được bao nhiêu. Phần lớn thu nhập của gia đình phụ thuộc vào đồng lương làm công nhân của người vợ, tầm 6 triệu đồng/tháng. Vì thế, dù đã cố gắng nhưng gia đình anh vẫn không thể thoát khỏi hộ nghèo chuẩn tỉnh. Căn nhà cũ được xây cách đây mấy chục năm nên tường bị nứt, bể tôn, những lúc trời mưa thì nước chảy vào nhà lênh láng.
Thấu hiểu hoàn cảnh của anh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã vận động một cá nhân ở huyện Long Điền ủng hộ 60 triệu đồng, hỗ trợ anh xây nhà. Ngôi nhà diện tích 40m2, kiên cố, khang trang với tổng kinh phí 100 triệu đồng. “Tôi thật may mắn khi được Hội Chữ thập đỏ tỉnh tặng cho căn nhà “Chữ thập đỏ”. Từ nay, gia đình tôi không còn lo sợ mỗi khi có giông bão nữa. Tết năm nay, chúng tôi sẽ được đón năm mới trong căn nhà ấm cúng và đầy đủ hơn mọi năm”, anh Hồng nói.
Cũng vừa được Hội Chữ thập đỏ tỉnh xây tặng căn nhà “Chữ thập đỏ”, ông Trần Văn Nhị (53 tuổi, ở ấp An Lạc, xã An Nhứt, huyện Long Điền) không khỏi xúc động. Trong buổi lễ bàn giao nhà, ông vừa tươi cười, phấn khởi nhưng cũng xen lẫn nghẹn ngào khi chia sẻ về hoàn cảnh gia đình mình. ông Nhị cho hay: “Căn nhà trước đây của chúng tôi rách nát nhiều nơi. Gia đình 3 thế hệ với 7 nhân khẩu vẫn cố sống tạm bợ, nơm nớp nỗi lo nhà đổ”.
Dự kiến, trong năm 2023, Hội Chữ thập đỏ tỉnh sẽ xây tặng 10 căn nhà cho người có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời định hướng cho các cấp hội trong tỉnh đưa hoạt động xây nhà vào nhiệm vụ cần phải thực hiện của năm nhằm giúp thêm nhiều người nghèo có cơ hội được hỗ trợ xây nhà mới hoặc sửa chữa nhà. |
Dù biết nguy hiểm rình rập song gia đình ông Nhị chưa có điều kiện xây lại nhà mới. Bản thân ông làm bảo vệ ở trường học, thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng. Vợ không có việc làm. 2 người con trai làm phụ hồ chỉ đủ lo cho vợ con nên không đỡ đần vợ chồng ông được bao nhiêu. Lần này, nhờ sự kết nối của Hội Chữ thập đỏ tỉnh với nhà hảo tâm đã giúp ông có căn nhà mới đón Tết. “Ước mơ có căn nhà kiên cố bấy lâu này của tôi nay đã trở thành hiện thực. Giờ tôi cố gắng chăm chỉ làm việc để ổn định cuộc sống”, ông Nhị xúc động nói.
Theo bà Hà Thị Việt Bắc, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, chương trình xây “Nhà chữ thập đỏ” được Hội thực hiện gần 20 năm nay. Đây là hoạt động nhân ái nhằm giúp đỡ các gia đình nghèo, người bị bệnh hiểm nghèo còn khó khăn về nhà ở. Vì thế, nhiều năm qua, các cấp Hội trong tỉnh đã nỗ lực vận động, kết nối với các DN, nhà hảo tâm tham gia hỗ trợ Hội trong công tác xây dựng nhà cho người nghèo.
Đến nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ và ủng hộ của nhiều tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Điển hình như: Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, gia đình ông Võ Hữu Hạnh ở huyện Long Điền… Nhờ đó, nhiều gia đình khó khăn trên địa bàn tỉnh đã “an cư, lạc nghiệp” và phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Từ khi khởi xướng chương trình đến nay, Hội đã xây mới hơn 300 căn, sửa chữa hơn 210 căn nhà “Chữ thập đỏ”, với tổng kinh phí hơn 6,66 tỷ đồng.
“Trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hộ khó khăn về nhà ở nên chúng tôi rất cần sự chung tay đóng góp của các tổ chức, cá nhân và các nguồn lực từ cộng đồng để Hội làm cầu nối giúp đỡ người nghèo. Qua đó, giúp họ có điểm tựa vững chắc, cải thiện cuộc sống”, bà Việt Bắc nói.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG