Điểm tựa vững chắc giúp phụ nữ vươn lên
Đào tạo nghề, quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm... là cách mà Hội LHPN các cấp tạo cơ hội cho hội viên có việc làm, thu nhập ổn định ngay tại địa phương.
Hội viên phụ nữ nhóm đan lát lục bình xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) giới thiệu các sản phẩm do chính tay các chị tạo ra. |
Giúp nhau phát triển kinh tế
Tại phường Phước Hòa (TX.Phú Mỹ), sau nhiều năm thành lập công ty gia đình và hoạt động ổn định, năm 2019, nhận thấy đóng phên phơi cá là một nghề mới mang lại thu nhập khá cho hội viên phụ nữ, chị Trần Thị Là phối hợp Hội LHPN phường thành lập mô hình “Tổ giúp nhau phát triển kinh tế làm phên phơi cá”.
Theo đó, khung của chiếc phên sau khi đóng xong, chị Là chở tới nhà hội viên, hướng dẫn họ cách vô lưới và trả tiền công mỗi chiếc 10 ngàn đồng. Công việc không cần trình độ, kỹ thuật, thu nhập ổn định từ 200-300 ngàn đồng/ngày nên được nhiều chị em nhận làm. Từ 10 thành viên ban đầu, đến nay, mô hình đã có hơn 20 hội viên phụ nữ tham gia.
“Phên phơi cá được làm theo đơn đặt hàng từ công ty nên đầu vào ổn định-đầu ra bảo đảm. Hội viên yên tâm và hăng hái tham gia mô hình do Hội LHPN phường thành lập, từ đó, có thêm thu nhập”, chị Là phấn khởi nói.
Tại xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu), năm 2012, từ lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cụ thể là đan lát các sản phẩm thủ công từ lục bình như: giỏ xách, khay, rổ, đế lót ly, nón... được chính quyền địa phương phối hợp Tập đoàn SCG và Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn tổ chức miễn phí, nhiều hội viên phụ nữ có cơ hội được học nghề, kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống.
Tổ trưởng nhóm đan lát lục bình xã Long Sơn (bên trái) hướng dẫn hội viên phụ nữ đan lát các sản phẩm từ lục bình. |
Sau khoảng thời gian tạm dừng do dịch bệnh COVID-19, đầu năm 2022, nhóm phụ nữ đan lát lục bình do Hội LHPN xã Long Sơn thành lập hoạt động trở lại với 15 thành viên. Tham gia nhóm, hội viên được dạy nghề đan lát các sản phẩm thủ công từ lục bình. Sản phẩm làm theo đơn đặt hàng với giá 20-60 ngàn đồng/sản phẩm đan lát hoàn chỉnh. Công ty cho xe đến tận nơi thu gom thành phẩm và bổ sung nguyên liệu để hội viên tiếp tục đan lát các sản phẩm cho đơn hàng tiếp theo.
Với công việc này, mỗi hội viên thu về hơn 2 triệu đồng/tháng. Những hội viên phụ nữ hoàn cảnh khó khăn chưa biết đan và có nhu cầu học đan lát để kiếm thêm thu nhập được Tổ trưởng là chị Nguyễn Thị Hồng Lan truyền nghề miễn phí.
Hơn một năm tham gia vào nhóm đan lát lục bình, chị Lê Kiều Nhiên (thôn 3, xã Long Sơn) cho hay, chị biết đến nhóm đan lát của Hội LHPN xã từ một người bạn và nhận được sự hướng dẫn nhiệt tình của chị em. Từ ngày được truyền nghề, chị có thêm công việc những lúc nhàn rỗi. “Mặt hàng đan lát lục bình được công ty bao tiêu đầu ra và có đơn đặt hàng thường xuyên nên các chị em càng đan tay nghề càng vững. Số tiền thu về hằng tháng giúp chúng tôi trang trải nhiều khoản chi phí trong cuộc sống”, chị Nhiên tâm sự.
Nâng cao vị thế bản thân
Chị Huỳnh Thị Bích Chi, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Long Sơn cho biết, thực hiện phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, năm 2022, Hội LHPN xã Long Sơn đã giúp 26 hội viên phụ nữ có công việc, thu nhập ổn định từ nghề đan lát và phụ giúp dịch vụ quán ăn với mức lương từ 2,5-4,5 triệu đồng/tháng. Từ các kênh hỗ trợ vốn của Ngân hàng CSXH, vốn tiết kiệm, Hội đã giúp hơn 1.400 hộ hội viên phụ nữ tiếp cận vốn phát triển kinh tế, khởi sự kinh doanh.
Đầu năm 2022, toàn xã có 159 hộ nghèo, trong đó 98 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Qua giúp đỡ, hỗ trợ bằng nhiều hình thức, đến nay, đã có 30 hộ thoát nghèo, trong đó có 18 gia đình do phụ nữ làm chủ hộ.
Theo bà Vương Thị Dung, Phó Chủ tịch LHPN tỉnh, thời gian qua, việc phối hợp đào tạo nghề, hỗ trợ, giải quyết việc làm cho hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh được Hội LHPN các cấp triển khai, thực hiện tốt với nhiều mô hình, tổ hợp tác, CLB hiệu quả.
Sự hỗ trợ từ Hội LHPN các cấp đã tạo điều kiện cho hội viên nâng cao vị thế bản thân trong gia đình và xã hội; phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ nhàn rỗi tại địa phương. Ðây không chỉ là tín hiệu vui cho người dân mà cả chính quyền địa phương với mong muốn bà con yên tâm theo nghề, ổn định cuộc sống mà không phải lao động xa xứ.
“Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội xây dựng tổ chức Hội trở thành điểm tựa vững chắc giúp cho hội viên vươn lên”, bà Vương Thị Dung, Phó Chủ tịch LHPN tỉnh nhấn mạnh.
Năm 2022, Hội LHPN các cấp đã thành lập mới 27 tổ hợp tác, nâng tổng số lên 46 tổ hợp tác với 401 thành viên; thành lập mới 5 HTX; phối hợp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho gần 1.400 chị, tạo việc làm cho 503 chị. Ngoài ra, các cấp hội còn huy động hơn 460 tỷ đồng giúp hơn 45.000 lượt hội viên vay vốn phát triển kinh tế. |
Bài, ảnh: MAI NGỌC