Nhờ được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm để đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều lao động nông thôn, người yếu thế… đã nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Nông dân phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa được tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển mô hình trồng hoa. |
Hỗ trợ kịp thời
Nhờ Quỹ quốc gia về việc làm tiếp sức, người lao động đã thực hiện hiệu quả nhiều mô hình phát triển kinh tế. Mô hình sản xuất hàng nội thất của anh Phạm Văn Đông, ở xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ là một điển hình. Để phát triển kinh tế, anh Đông quyết định mở xưởng sản xuất hàng gỗ nội thất. Quá trình mở xưởng, anh gặp khó khăn về kinh phí đầu tư. May mắn, từ năm 2016 đến nay, anh Đông 3 lần được tiếp cận với nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Có được khoản vay ưu đãi từ 50-70 triệu đồng/lần, anh đầu tư mua nguyên liệu cho xưởng sản xuất. “Từ chỗ phải lo chạy ăn từng bữa giờ xưởng sản xuất hàng gỗ nội thất đã mang về cho tôi khoản thu nhập từ 30-40 triệu đồng/tháng. Do nhu cầu sản xuất tăng nên tôi nhận 8 lao động là người dân địa phương vào làm với mức thù lao khoảng 450 ngàn đồng/ngày. Nhìn lại hành trình của mình, tôi rất cảm ơn nhà nước đã tạo điều kiện để mình có công ăn việc làm ổn định, phát triển kinh tế. Tạo việc làm cho công nhân”, anh Phạm Văn Đông chia sẻ.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Thông, ở xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc được vay 40 triệu đồng từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm. Anh Thông cho biết, sau nhiều trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế, anh chọn mô hình trồng 2ha nhãn. Tuy nhiên, khoản tiền tích góp đổ vào mảnh vườn ngày một vơi dần. Nhưng sau đợt khảo sát của cán bộ địa phương, năm 2019 anh Thông được vay ưu đãi để đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho 2ha trồng nhãn. Hiện mô hình trồng nhãn đã bắt đầu cho thu hoạch ổn định. Anh Thông cho hay: “Số vốn đó rất quý giá đối với tôi trong thời điểm khó khăn. Mong quỹ được triển khai rộng hơn, đến với nhiều người khó khăn hơn”.
Anh Phạm Văn Đông và anh Nguyễn Văn Thông là 2 trong rất nhiều trường hợp được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Quốc gia về việc làm. Đây là nguồn vốn với lãi suất ưu đãi dành cho các trường hợp là cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo nhiều việc làm, nhất là việc làm phi nông nghiệp, lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn, lao động có đất bị thu hồi đất do quy hoạch, triển khai dự án, phụ nữ nông thôn, người đi xuất khẩu lao động...
Theo Sở LĐTBXH thì nguồn vốn vay giải quyết việc làm thời gian qua đã thực sự phát huy hiệu quả. Đặc biệt là tạo cơ hội, đòn bẩy cho người vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, đời sống, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh.
Ưu tiên cho vay để tạo nhiều việc làm phi nông nghiệp
Thống kê từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2022, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã giải ngân 2.239 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trung ương 948 tỷ đồng, vốn địa phương 1.290 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, Bà Rịa- Vũng Tàu tạo việc làm tăng thêm cho gần 15.000 người. Dư nợ quá hạn chỉ chiếm khoảng 0,16% tổng dư nợ. Tỷ lệ sử dụng vốn hàng năm đạt 96% tổng nguồn vốn của quỹ.
Ông Trần Thanh Liên, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết, vốn giải quyết việc làm là chính sách cho vay ưu đãi, kịp thời. Nguồn vốn đã đạt hiệu quả cao trong giải quyết việc làm và cải thiện, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống người lao động. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp với Sở LĐTBXH cũng như các sở, ngành và các trung tâm khuyến nông- khuyến ngư tổ chức các lớp tập huấn giúp các hộ vay vốn sử dụng đồng vốn hiệu quả.
“Hiện nay nhu cầu vay vốn cao nên thời gian tới Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục phối hợp với Sở LĐTBXH cùng các đoàn thể khảo sát các mô hình để hỗ trợ kịp thời, giúp các hộ tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế. Đồng thời, tăng cường công tác thu hồi nợ đến hạn để đẩy nhanh quay vòng vốn hỗ trợ người dân”, ông Liên nhấn mạnh.
Đại diện Sở LĐTBXH cho biết, để tiếp tục phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, thời gian tới sở tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Cụ thể là thực hiện tốt vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát của ngành LĐTBXH trong thực hiện mục tiêu hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm; ưu tiên cho vay các cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo nhiều việc làm, nhất là việc làm phi nông nghiệp. Đồng thời, ưu tiên cho vay đối với lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động thanh niên, lao động bị thu hồi đất, phụ nữ nông thôn…
Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết, ưu điểm nổi bật của nguồn vốn vay giải quyết việc làm là đã tạo việc làm, cải thiện và nâng cao thu nhập tại chỗ cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, nhu cầu cần vay vốn của các đối tượng thụ hưởng quá cao so với nhu cầu thực tế. Nguồn lực từ Quỹ Quốc gia về việc làm có thể ví như “tấm áo đã chật” so với nhu cầu thực tiễn. Do đó, đề nghị Sở LĐTBXH các địa phương tích cực phát huy vai trò, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục bố trí thêm ngân sách ủy thác để hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương tăng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm.
|
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN