TIN BÀI LIÊN QUAN
Sin Suối Hồ khép nép, nguyên sơ dưới chân núi Sơn Bạc Mây. Bản làng của người H’Mông đẹp lạ lùng trong sắc vàng ruộng bậc thang và màu xanh rừng núi. Đến Sin Suối Hồ mới thấy cách người Lai Châu mạnh dạn làm du lịch gắn với thế mạnh núi rừng, văn hóa bản địa.
Cách TP. Lai Châu khoảng 30 km, bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ) nằm yên bình dưới chân núi Sơn Bạc Mây. Nơi đây có 148 hộ gia đình người Mông sinh sống. Ảnh: ST |
Bức tranh nên thơ giữa núi rừng
Sin Suối Hồ nằm cách TP. Lai Châu 30km. Bản làng với nếp nhà truyền thống của đồng bào dân tộc H’mông, những homestay xinh xắn với khu vườn ngập tràn sắc hoa.
Trên đường đi vào bản, có nhiều vườn địa lan Trần Mộng nức tiếng, vốn được người bản địa lấy giống từ núi rừng. Ở Sin Suối Hồ, địa lan không cần che nắng hay bón phân, vì tiết trời nơi đây dịu mát, cây lan phát triển tuyệt đẹp. Bản lá to dài, giả hành mập mạp và hoa thì khỏi chê.
Cô gái H’Mông Hảng Thị Qua dẫn chúng tôi thăm bản. “Trong tiếng Mông, Sin Suối Hồ nghĩa là suối có vàng”, Qua giải thích.
Không biết, “suối có vàng” như lời Qua nói thật không. Nhưng đến với rẻo đất nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, được hòa mình vào biển mây mỗi sớm bình minh, đắm mình dưới dòng nước mát của thác Tình Yêu, thác Trái Tim… thì cũng đủ mê ly bất tận.
Chị gái của Qua là Hảng Thị Sú, có một quán cà phê xinh đẹp và nổi tiếng bậc nhất ở Sin Suối Hồ. Sú lấy chồng người Sài Gòn. Cũng bởi thế, đồ uống ở Kasha Coffee của cặp vợ chồng trẻ là sự hòa trộn của dư vị 2 miền. Cà phê Sài Gòn cũng có, mà siro táo mèo lại càng nhiều. Điều tuyệt vời ở Kasha Coffee là du khách có thể ngắm bình minh, tận hưởng thú vui chụp ảnh với những góc độc, lạ.
Trưởng bản Vàng A Chỉnh năm nay hơn 50 tuổi, nhưng nhanh nhẹn như chàng trai trẻ. Ông bày tiệc đón chúng tôi với các món hấp dẫn của đồng bào miền núi phía Bắc: lợn bản đủ món, nộm rau dớn rừng, lẩu cá tầm, sâu măng chiên giòn, nộm hoa chuối, xôi nếp nương, rau cải mèo....
Vàng A Chính thuộc lớp người tiên phong làm du lịch ở Sin Suối Hồ. Năm 2015, Sin Suối Hồ được công nhận là bản du lịch cộng đồng. Từ đó, người dân bắt đầu xây dựng homestay, quán cà phê… Dịch vụ mở ra, đa dạng và đáp ứng đủ nhu cầu đã kéo khách đến tham quan, khám phá ngày một nhiều.
Bản có 148 hộ, chủ yếu đồng bào dân tộc H’Mông. Bản đã từng là “bản nghiện”, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn. Nhưng từ khi làm du lịch, cuộc sống ở bản thay đổi như trở ngược bàn tay. Bà con xây dựng “bản 5 không”: không uống rượu; không hút thuốc phiện, không xả rác bừa bãi, không tệ nạn và mâu thuẫn cộng đồng, không chèo kéo khách.
Hiện nay, bản có 12 hộ kinh doanh homestay, trong đó có những bungalow Tổ chim (phòng nghỉ dựng trên cây giữa rừng), mỗi năm lượng khách du lịch tham quan bản hơn 3.000 lượt người.
“Từ ngày làm du lịch, những sản phẩm do chính tay người H’Mông làm ra (áo, váy, vòng tay, vòng cổ, khăn…) và các đặc sản (thịt trâu gác bếp, măng rừng, lá thuốc…) đến với nhiều du khách trong và ngoài nước, tạo thu nhập cho nhiều gia đình. Đời sống của người H’mông đang khá lên từng ngày”, Trưởng bản Vàng A Chính phấn khởi.
Đoàn công tác của Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, Báo Lai Châu và cô gái H’mông Hảng Thị Qua chụp hình lưu niệm tại Bản Sin Suối Hồ. Ảnh: NHẬT LINH |
Muôn điểm để khám phá, chinh phục
Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ chỉ là một trong rất nhiều những sản phẩm du lịch độc đáo ở Lai Châu. Với lợi thế khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đa dạng, Lai Châu tập trung phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái nghỉ dưỡng, leo núi, thể thao mạo hiểm…
Trong số các tỉnh miền núi Tây Bắc, Lai Châu sở hữu 6 trong 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam với suối, thác nước, hang động, thảm thực vật phong phú, đa dạng. Đây là lợi thế để tỉnh tập trung phát triển nhất các loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm, đặc biệt checking, leo núi đang được các bạn trẻ ưa chuộng. Nhiều du khách đã ví “Bạch Mộc Lương Tử” (cao 3.046m) như thiên đường mây”; “Pu Si Lung” đỉnh núi khó chinh phục nhất với độ cao 3.083m; “Pu Ta Leng” đỉnh núi đẹp nhất cao 3.049m.
Leo núi Bạch Mộc Lương Tử vào mùa đông cũng là một trải nghiệm đầy thử thách nhưng cũng khá thú vị khi được chiêm ngưỡng cảnh tuyết rơi phủ trắng núi tạo nên khung cảnh vô cùng bắt mắt. Ảnh: ST |
Ngoài 3 đỉnh núi trên, Lai Châu còn có Tả Liên Sơn (cao 2.993m), Phàn Liên San (3.012m), Pờ Ma Lung (2.967m)… Những du khách đam mê du lịch mạo hiểm vô cùng yêu thích các đỉnh núi ở Lai Châu vì giữ được hiện trạng nguyên sơ của những cánh rừng già, cung đường khám phá thách thức mọi giới hạn về sự kiên trì, lòng dũng cảm.
Lai Châu còn quan tâm và tạo điều kiện hỗ trợ người dân phát triển loại hình du lịch nông nghiệp. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành và đưa vào khai thác sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp phục vụ khách tham quan trải nghiệm, chụp ảnh, ghi hình như: khu vườn ăn quả đào, lê, mận tại khu vực các xã Hồ Thầu, Giang Ma (huyện Tam Đường); vùng trồng dược liệu đương quy, đỗ trọng, sâm tại huyện Sìn Hồ; mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Bản Chát, Huổi Quảng (huyện Than Uyên); đồi chè huyện Tân Uyên; các sản phẩm chợ phiên vùng cao như: chợ đêm San Thàng (TP. Lai Châu); chợ phiên Dào San (huyện Phong Thổ)…
PHÚC LƯU - MỸ LƯƠNG
(Còn nữa)
Lai Châu có 132 cơ sở lưu trú, trong đó 3 khách sạn 3 sao, 29 khách sạn từ 1-2 sao và 100 nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê với 2.109 phòng. 4 đơn vị kinh doanh lữ hành với 2 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, 140 nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống. Năm 2021, GRDP/đầu người đạt 44,4 triệu đồng, thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.053 tỷ đồng. |