Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến 10 tháng năm 2022 chỉ đạt 28,81%, thấp so với chỉ tiêu theo yêu cầu của UBND tỉnh là đến hết tháng 11 phải đạt 50%. Do vậy, các cơ quan, đơn vị hữu quan đang triển khai các giải pháp “chạy nước rút” để đạt chỉ tiêu trên.
Từ 21/11 đến 30/12/2022, TTPVHCC tỉnh triển khai tổ hướng dẫn, hỗ trợ người dân, DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Trong ảnh: Công chức tại TTPVHCC tỉnh hướng dẫn người dân làm TTHC. |
Nhiều khó khăn, trở ngại
Dù thủ tục chứng thực văn bản đã được giải quyết trực tuyến, nhưng khi cần sao y bản chính, anh Nguyễn Bảo Lâm (xã Suối Rao, huyện Châu Đức) vẫn phải đến Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả xã Suối Rao nộp hồ sơ. “Tôi thường trực tiếp đến UBND xã làm thủ tục hành chính (TTHC) vì lo ngại mất an toàn thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến để nộp hồ sơ”, anh Lâm chia sẻ.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả xã Suối Rao đã tiếp nhận gần 1.900 hồ sơ nhưng chỉ có gần 8% được thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Sở dĩ có tình trạng này do người dân còn giữ thói quen nộp hồ sơ trực tiếp và việc sử dụng CNTT còn hạn chế.
Từ năm 2016, Bà Rịa-Vũng Tàu là 1 trong những địa phương đầu tiên cả nước triển khai đồng bộ dịch vụ công trực tuyến cả 3 cấp là tỉnh, huyện và xã. Tính đến 30/10/2022, Cổng Dịch vụ công của tỉnh đã cập nhật 1.534 dịch vụ công trực tuyến. |
Tương tự, tại phường Long Tâm, TP. Bà Rịa, mỗi ngày, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường Long Tâm tiếp nhận hơn 30 hồ sơ TTHC. Trong số này, 50% hồ sơ giải quyết theo hình thức trực tuyến.
Ông Trần Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND phường Long Tâm, TP. Bà Rịa cho biết, nhiều người dân không sử dung điện thoại thông minh, không thành thạo về CNTT nên việc thực hiện hồ sơ trực tuyến khá khó khăn. Nhiều hộ dân cũng không có máy tính, máy scan để làm thủ tục, nhập liệu gửi lên bộ phận một cửa.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
10 tháng năm 2022, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp tiếp nhận 186.174 hồ sơ trực tuyến trong tổng số 646.262 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 28,81%. Trong khi đó, theo lộ trình UBND tỉnh giao, đến hết ngày 30/11/2022, đạt tỷ lệ 50% hồ sơ trực tuyến. Bên cạnh đó, về cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), tỉnh còn 3 chỉ tiêu chưa đạt theo yêu cầu của Chính phủ, gồm: Tỷ lệ đồng bộ hồ sơ TTHC của tỉnh trên Cổng DVCQG (87,45%/100%); Thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công (2,03%/30%) và Chỉ tiêu TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG (40,64%/60%).
Chính vì vậy, trong thời gian các tháng cuối năm, để phấn đấu đạt lộ trình và các chỉ tiêu được giao, các cấp, các ngành và từng địa phương trong tỉnh đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia giải quyết TTHC trực tuyến. Cùng với đó, UBND tỉnh tổ chức tập huấn số hóa TTHC và dịch vụ công trực tuyến cho 872 công chức, viên chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC tại Trung tâm phục vụ hành chính công (TTPVHCC) tỉnh; cơ quan hành chính cấp tỉnh; Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cơ quan chuyên môn cấp huyện; cấp xã và cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hướng dẫn người dân, tổ chức thực hiện dịch vụ công tại Bộ phận một cửa. Lớp tập huấn đã hướng dẫn quy trình thực hiện giải quyết hồ sơ TTHC dịch vụ công trực tuyến và số hóa hồ sơ TTHC; quy trình hướng dẫn cho người dân, tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Công chức Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả xã Suối Rao, huyện Châu Đức hướng dẫn người dân thực hiện TTHC. |
Ông Dương Văn Thơm, Phó Giám đốc Thường trực TTPVHCC tỉnh cho biết, từ ngày 21/11 đến 30/12/2022, trung tâm cũng phân công tổ hướng dẫn, hỗ trợ người dân, DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến gồm tổ hướng dẫn trực tiếp và tổ trực hỗ trợ từ xa qua điện thoại. Các thành viên Tổ hướng dẫn trực tiếp tại TTPVHCC tỉnh sẽ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ chung các lĩnh vực; thành viên của cơ quan nào hỗ trợ trực tiếp lĩnh vực đó. Các thành viên sử dụng 5 máy vi tính, máy scan bố trí sẵn tại bàn hướng dẫn; kết hợp với các thiết bị di động thông minh của tổ chức, công dân… để hướng dẫn, hỗ trợ giao dịch trực tuyến.
Theo Sở Nội vụ, các cơ quan chức năng cũng tiếp tục triển khai kế hoạch Zalo để thúc đẩy chuyển đổi số, CCHC; thành lập các Tổ hướng dẫn người dân, DN thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp. Đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tiếp nhận và xử lý hồ sơ; đầu tư, nâng cấp hạ tầng, thiết bị công nghệ phục vụ dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó là ban hành Kế hoạch chiến lược phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Ban hành Bộ chỉ số chuyển đổi số của tỉnh và tổ chức chấm điểm chỉ số chuyển đổi số.
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG