.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG VÀ HẠNH PHÚC CỦA NHÂN DÂN

303.880 học sinh được khám sức khỏe tại trường

Cập nhật: 19:12, 07/11/2022 (GMT+7)

Từ đầu năm học 2022-2023 đến nay, bác sĩ của các trung tâm y tế (TTYT) đã đến từng trường, khám sức khỏe cho HS. Đây là chương trình thực hiện Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ khám sức khỏe chuyên khoa cho HS. Sẽ có tổng cộng 303.880 học sinh được thụ hưởng chương trình này.

Bác sĩ của TTYT Đất Đỏ khám sức khỏe cho HS Trường TH Nguyễn Thị Hoa.
Bác sĩ của TTYT Đất Đỏ khám sức khỏe cho HS Trường TH Nguyễn Thị Hoa.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả

Thực hiện Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND tỉnh, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch và giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc. Kế hoạch đặt mục tiêu: 100% HS các cấp, bao gồm hệ công lập và tư thục trên địa bàn tỉnh trong năm học 2022-2023 được khám sức khỏe một lần. HS còn được xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử để theo dõi và quản lý.

Sở Y tế yêu cầu TTYT các huyện, thị xã, thành phố phải chuẩn bị nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế đầy đủ, bảo đảm triển khai hiệu quả chương trình. Việc tổ chức khám sức khỏe chuyên khoa cho HS phải thực hiện trước học kỳ I, năm học 2022-2023 và gửi thông báo kết quả cho HS trong vòng 1 tháng. Khi phát hiện HS mắc các bệnh cấp tính, bác sĩ phải thông báo ngay cho giáo viên phụ trách và phụ huynh HS.

Bác sĩ Bùi Lê Thanh Thảo, TTYT huyện Châu Đức cho biết, năm học 2022-2023, trên địa bàn huyện có khoảng 36.000 HS được khám sức khỏe chuyên khoa. Đến nay, 60% HS đã được tổ chức khám. Kết quả khám được lưu vào sổ sức khỏe của HS và chuyển tới nhà trường, phụ huynh.

Các trường hợp mắc bệnh lý thông thường, bác sĩ tư vấn tại chỗ cho HS biết cách chăm sóc. Riêng những HS có biểu hiện bất thường về sức khỏe, bác sĩ phát phiếu hẹn tái khám tại TTYT huyện Châu Đức để chẩn đoán bệnh và có hướng điều trị hiệu quả. “Trên thực tế, có khá nhiều học sinh đang gặp vấn đề về sức khỏe, dinh dưỡng... nhưng các em chưa nhận biết được hoặc chưa được gia đình quan tâm”, bác sĩ Thảo cho biết.

Nhiều loại bệnh lý chưa được quan tâm đúng mức

Em Ng.Th. Đ., (HS lớp 1/3, Trường TH Nguyễn Thị Hoa, huyện Đất Đỏ) là trường hợp như bác sĩ Thảo đã đề cập. Ng.Th. Đ., cao 120cm, nặng 41 kg, tức là có chỉ số béo phì (BMI) ở mức cao nhất. Tuy nhiên, từ trước đến nay, Đ., chưa được gia đình quan tâm chỉ dẫn hướng điều tiết ăn uống.

Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có khoảng 303.880 HS các bậc học được khám sức khỏe chuyên khoa, với tổng kinh phí hơn 13,2 tỷ đồng được trích từ ngân sách nhà nước. Trong đó, HS bậc MN được hỗ trợ 13 ngàn đồng/em; HS các bậc còn lại được hỗ trợ 52 ngàn đồng/em.

“Ở nhà, con ăn uống rất nhiều. Bác sĩ khuyên con giảm ăn thức ăn có nhiều dầu mỡ, bớt uống nước ngọt để bớt mập và nhanh nhẹn hơn. Con rất muốn làm theo lời khuyên”, Ng.Th. Đ., hồn nhiên nói.

Tương tự, em Đ.Ng. Th. L., (lớp 3, Trường TH-THCS Phan Đình Phùng, huyện Châu Đức) cho biết, em chưa từng được cha mẹ đưa đi khám răng. Kết quả là trong quá trình khám tổng quát, bác sĩ phát hiện L., có 4 răng sâu cần phải nhổ.

Tật khúc xạ, viêm tai giữa, viêm dạ dày, vẹo cột sống, sâu răng… là những dạng bệnh thường gặp ở học sinh, nhưng phổ biến nhất là sâu răng. Thống kê sơ bộ từ các đợt khám bệnh cho HS ở các trường học cho thấy, có khoảng 80% HS bị sâu răng.

“Chương trình khám sức khỏe chuyên khoa cho HS rất có ý nghĩa. Qua đó, giúp phát hiện sớm các bệnh học đường, suy dinh dưỡng. Kết quả khám sức khỏe sẽ giúp các em điều chỉnh và tự chăm sóc sức khỏe, cũng như giúp phụ huynh nắm rõ hơn tình trạng sức khỏe của HS”, bác sĩ Bùi Lê Thanh Thảo nhấn mạnh.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

.
.
.