Hơn 500 giáo viên tham gia hội thảo Phát hiện sớm trẻ tự kỷ
Ngày 21/10, Sở GD&ĐT đã tổ chức hội thảo Phát hiện sớm trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí. 500 giáo viên đến từ các trường MN, TH, trường chuyên biệt dành cho trẻ đặc biệt tham dự.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Minh Công, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh đã giải thích rõ hơn về khái niệm thuật ngữ rối nhiễu tâm trí, tâm thần ở trẻ em, những sai lầm phụ huynh và giáo viên thường mắc phải khi trẻ có những dấu hiệu khác lạ trong biểu hiện hành vi và cảm xúc của trẻ.
Các tiêu chí để xem xét để biết trẻ có bị khuyết tật, chậm phát triển trí tuệ hay không có thể tập trung vào một số biểu hiện: có sự sa sút rõ rệt về chức năng nhận thức, trí tuệ, trong đó chỉ số IQ dưới 70 theo các trắc nghiệm chuẩn; Trẻ có biểu hiện một số thiếu hụt về chức năng sinh hoạt hàng ngày như: khả năng giao tiếp, khả năng tự chăm sóc; khả năng sinh hoạt trong gia đình; khả năng tương tác xã hội; khả năng sử dụng các tài nguyên/vật dụng có sẵn; khả năng học, khả năng rút kinh nghiệm cá nhân, khả năng hoàn thành công việc, biết vui chơi, giải trí; khả năng giữ gìn sức khỏe, an toàn…
Theo TS. Lê Minh Công, nếu trẻ có từ 2 dấu hiệu thiếu hụt về chức năng sinh hoạt hằng ngày và các bước kiểm tra để kết luận trẻ có thể bị khuyết tật, chậm phát triển hay không phải được thực hiện trước khi trẻ 18 tuổi, tại các cơ sở y tế được cấp phép.
Bà Hà Thị Thanh Thuận, Trưởng Phòng Mầm non Sở GD&ĐT BR-VT cho hay, thời gian gần đây, do nhiều ảnh hưởng của đời sống xã hội, những ảnh hưởng từ dịch bệnh, thiên tai, độ an toàn xã hội khiến con trẻ đang bị đe dọa về an toàn. Hội thảo nhằm giúp giáo viên trang bị những kiến thức cơ bản để phối hợp với phụ huynh trong việc kịp thời phát hiện những dấu hiệu trẻ bị khuyết tật, chậm phát triển cũng như có những sự hỗ kịp thời để giúp trẻ có thể sớm điều trị và tái nhập cộng đồng.
NGUYỄN QUÂN