Bà Rịa-Vũng Tàu thắng lớn với các thiết bị thông minh
Tại hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần VII năm 2022, đội chủ nhà Bà Rịa-Vũng Tàu đã xuất sắc giành giải Ba toàn đoàn với 3 giải Nhất, 1 giải Nhì, 4 giải Ba. Cả 3 thiết bị giành giải Nhất đều thuộc về Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu.
Thầy Nguyễn Thanh Thảo thuyết trình Mô hình máy ép nhựa mini. |
Tiết kiệm, an toàn với “Mô hình máy ép nhựa mini”
“Mô hình máy ép nhựa mini” của nhóm tác giả Nguyễn Thanh Thảo, Đoàn Trung Tắng, Trần Bình Minh, Trần Quốc Tuấn, giảng viên Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những thiết bị được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Trưởng Ban tổ chức hội thi Đỗ Năng Khánh đánh giá rất cao.
“Mô hình là sự kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học và khả năng sử dụng phương tiện dạy học, làm tăng tính trực quan, giúp người học nhanh chóng tiếp thu được kiến thức và hình thành kỹ năng nghề. Đồng thời tạo hứng thú cho người dạy và người học, trực quan hóa trong quá trình giảng dạy”, ông Khánh nói.
Thầy Nguyễn Thanh Thảo, đại diện nhóm tác giả cho biết: “Từ 2015 đến nay, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu đã thực hiện đào tạo nghề Chế tạo khuôn mẫu. Qua thực tiễn, chúng tôi nhận thấy việc tổ chức đào tạo các tiêu chuẩn năng lực kỹ năng nghề thiết kế khuôn, công nghệ gia công khuôn, gia công lắp ráp khuôn, vận hành máy ép nhựa… gặp không ít khó khăn về thiết bị”.
Trước hết, số lượng máy ép nhựa chưa đủ để học viên thực hành. Bên cạnh đó, các máy ép nhựa lớn vận hành phức tạp, khi xảy ra lỗi phải mất rất nhiều thời gian cũng như tiền bạc để khắc phục, gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hành của học viên. Không chỉ vậy, máy lớn với các bộ khuôn lớn, nặng tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho người vận hành.
Từ thực tế đó, “Mô hình máy ép nhựa mini” đã ra đời nhằm giúp cho việc giảng dạy, học tập các tiêu chuẩn năng lực kỹ năng nghề Chế tạo khuôn mẫu đạt hiệu quả. Thầy Thảo cho hay, mô hình máy ép nhựa mini có cấu tạo không quá phức tạp, chỉ gồm phần cơ khí và phần điện. Chi phí để chế tạo mô hình khoảng 30 triệu đồng. Tính ưu việt của mô hình là ứng dụng công nghệ tự động đang được sử dụng rộng rãi trên thị trường. Hệ thống kẹp khuôn, hệ thống ép phun của thiết bị tương tự máy ép phun trong thực tế nhưng có thể linh động trong việc tháo lắp, sử dụng nhiều bộ khuôn với nhiều sản phẩm ép khác nhau một cách thuận lợi.
Giảng dạy trực quan với “Mô hình quản lý mạng thông minh”
Nhận thấy việc tiếp cận với thực tế là rất quan trọng trong đào tạo nghề, đặc biệt là lĩnh vực Công nghệ thông tin, nhóm tác giả Phạm Đình Trịnh, Nguyễn Bá Thủy, Lê Viết Huấn, Bùi Văn Vinh, Lại Văn Duy đã thiết kế Mô hình quản lý mạng thông minh. “Hiện nay, việc sử dụng mô hình dạy nghề quản lý mạng cho HS, SV thực hành còn hạn chế do chi phí cao. Việc giảng dạy và thực hành chủ yếu trên các máy ảo. Điều này khiến người học tiếp thu một cách thụ động, khó hình dung ra một mô hình mạng thực tế. HS, SV ra trường cần thêm thời gian làm quen với trang thiết bị thực tế”, thầy Phạm Đình Trịnh phân tích.
Sự ra đời của “Mô hình quản lý mạng thông minh” đã giải quyết được những bất cập trên. Theo thầy Trịnh, mô hình được chia làm ba khối. Khối trung tâm tượng trưng cho phòng quản trị, được lắp đặt các thiết bị: Server, màn hình, Router, máy in,... Khối bên trái tượng trưng cho phòng Tài chính kế toán. Khối bên phải tượng trung cho phòng Tổ chức hành chính. Với khối bên trái và khối bên phải, mỗi khối được lắp đặt 1 bộ máy tính hoàn chỉnh và dàn trải ra ngoài cho HS, SV dễ quan sát, 2 camera giám sát gồm 1wifi, 1 analog để thu nhận hình ảnh và giám sát nơi làm việc, có thể học tập ở bất cứ nơi nào có mạng.
Khi đưa vào giảng dạy, mô hình truyền tải được tối đa kiến thức trong quá trình dạy và học. Đặc biệt, mô hình được thiết kế nhỏ gọn, dễ di chuyển, tháo lắp nhưng lại có thể sử dụng để giảng dạy lý thuyết, thực hành và cả tích hợp, có thể cải tiến và nâng cấp cho phù hợp yêu cầu của doanh nghiệp. “Hiện nay, thị trường chưa có thiết bị này. Chi phí để hoàn thiện sản phẩm khoảng 35 triệu đồng”, thầy Trịnh cho biết thêm.
Độc đáo “Mô hình Hệ thống quản lý kho hàng tự động”
Đến với hội thi năm nay, nhóm tác giả Đoàn Trung Tắng, Phan Hữu Phước, Lê Văn Mai, Trần Văn Nhâm, Lê Tiến Thành, Võ Văn Thuận mang đến “Mô hình Hệ thống quản lý kho hàng tự động”.
Thầy Đoàn Trung Tắng cho hay, thời gian qua, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu đã rà soát, điểu chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo nghề Cơ điện tử. Nhà trường đã cập nhật các hệ thống tự động đang được doanh nghiệp ứng dụng trong sản xuất và quản lý, trong đó có hệ thống quản lý kho hàng tự động. Tuy nhiên, hiện nay, nhà trường chưa đủ nguồn lực đầu tư thiết bị này để phục vụ cho việc dạy và học. Khi học nội dung này, HS, SV chỉ được học lý thuyết, mô phỏng tại trường và quan sát thông qua việc tham quan thực tế tại các doanh nghiệp mà không có cơ hội thực hành.
Từ thực tế đó, nhóm tác giả đã chế tạo một mô hình thu nhỏ có đầy đủ các bộ phận và tính năng của một kho hàng tự động thực tế. Mô hình Hệ thống quản lý kho hàng tự động gồm có 3 phần chính là: Cơ cấu chấp hành, Bảng điện điều khiển, Phần mềm quản lý kho hàng tự động.
Trong đó, cơ cấu chấp hành gồm 3 phần: kệ chứa hàng, robot chuyển hàng và băng tải vận chuyển hàng. Bảng điện điều khiển được thiết kế tương tự với tủ điện trong thực tế. Song, các panel thiết bị điện được thiết kế rời cho từng thiết bị, các tiếp điểm của thiết bị được nối với các domino. Thiết kế như trên nhằm tạo sự linh động trong lựa chọn và bố trí thiết bị, khắc phục được nhược điểm của các mô hình cũ. Tổng chi phí chế tạo sản phẩm chỉ hơn 30 triệu đồng.
Theo thầy Đoàn Trung Tắng, “Mô hình hệ thống quản lý kho hàng tự động” giúp giảng viên nâng cao hiệu quả giảng dạy một số bài học trong mô đun Lắp đặt và bảo trì hệ thống cơ điện tử. Bên cạnh đó, mô hình giúp HS, SV tiếp thu kiến thức nhanh hơn, được thực hành và rèn luyện được các kỹ năng lắp đặt, vận hành và bảo trì hệ thống kho hàng tự động ngay tại trường”.
KHÁNH CHI