Những giọt mồ hôi thầm lặng
Trong cuộc sống thường nhật, có biết bao người phụ nữ đã và đang thầm lặng, thức khuya dậy sớm để giúp những con phố sạch, đẹp hơn hay chăm sóc người già, trực cấp cứu bệnh nhân… Họ là những “bông hoa” đẹp, tô điểm cho đời, xứng đáng được tôn vinh.
Chị Trần Thụy Kiều Chinh thăm khám cho một bệnh nhân. |
Chung tay giữ gìn môi trường
Gần 4 giờ sáng, khi nhiều người còn đang ngon giấc thì chị Bùi Lan Phương (163/119, Hoàng Văn Thụ, phường 7, TP.Vũng Tàu) đã thức dậy. Ăn xong chén cơm nguội, chị xách đồ nghề đi làm. Ngoài trời, cơn mưa kéo dài từ đêm chưa dứt. Trời mưa là thêm một ngày chị Phương vất vả với công việc quét rác đường phố vì nước đọng thành vũng, lá cây rụng nhiều, rác thải nhiều hơn, quét đường cũng lâu hơn.
Khoác chiếc áo mưa, chị Phương đẩy chiếc thùng đựng rác rảo dọc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, rồi rẽ vào các hẻm 172, 188, 199 (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) quét rác. Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đoạn có bến xe, chợ là nơi tập trung đông người, nơi buôn bán, vận chuyển các loại hàng hóa nên lượng rác thải hàng ngày rất nhiều. Vì vậy, công việc của chị Phương càng vất vả. Mới quét hơn 1 tiếng, thùng đựng rác của chị Phương đã chất đầy ắp những lá cây, lá rau hư, túi nilông…
Chị Phương nhẩm tính, mỗi ca làm việc, chị đi bộ chừng 4 - 5km, mỏi rã chân. Đặc biệt, vào giờ cao điểm, lượng xe cộ qua lại nhiều nên càng dễ xảy ra nguy cơ va quẹt giao thông.
“Giờ làm việc của tôi đặc thù, mỗi ngày bắt đầu từ 4 - 8 giờ 30 và 14 - 17 giờ 30, trái với giờ đưa đón con đi học. Khi tôi đi làm thì con còn đang ngủ, chiều xong việc về thì con đã tan trường, nên tôi chẳng thể đưa, đón con đến trường, đành nhờ chồng và ông, bà ngoại đỡ đần”, chị Phương kể.
Vất vả là vậy, nhưng chị Phương luôn tự hào vì mình tiếp nối công việc của mẹ, sau khi bà về hưu. Thấy khách du lịch khen đường phố Vũng Tàu sạch, đẹp chị cũng vui lây, thấy ý nghĩa vì mình được góp phần làm cho phố phường sạch, đẹp hơn. Chị Phương là 1 trong hơn 300 nữ công nhân Xí nghiệp Môi trường 1, Công ty CP Dịch vụ môi trường và công trình đô thị Vũng Tàu ngày ngày quét rác khắp các đường phố. Họ là những người phụ nữ đặc biệt, với những đóng góp thầm lặng, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường cho thành phố biển.
Chị Bùi Lan Phương với công việc thường nhật. |
Chăm sóc người già neo đơn, cứu người bệnh
Đặt tình thương yêu, trách nhiệm chăm sóc hết lòng người già neo đơn như người thân... đó là những tấm lòng đẹp của các chị đang công tác tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội cơ sở 2 (ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền).
Hôm chúng tôi đến, y tá Nguyễn Thị Như Trang đang dìu bà Phạm Thị Mai vào phòng phục hồi chức năng. Chị tận tình chỉ từng động tác tập tay, chân cho bà Mai. Tiếp đó, chị thăm khám sức khỏe cho bà Mai Thị Cưng và nhiều người già khác. Trong lúc làm việc, chị Trang không quên hỏi thăm sức khỏe các cụ nay ra sao, đêm qua ngủ ngon giấc không.
Bà Cưng vào sống tại đây đã 5 năm. Ban đầu bà cảm thấy cô đơn nhưng được sự quan tâm, động viên, chăm sóc chu đáo của chị Trang, bà dần vui vẻ và khỏe hẳn ra. “Tôi không gia đình, không người thân, vào đây được cháu Trang chăm sóc tận tình nên tôi thấy thoải mái và yên tâm. Với mấy ông bà nằm một chỗ, cháu Trang cũng không ngại ngần chăm sóc như chính người thân khiến chúng tôi rất cảm động”, bà Cưng chia sẻ.
Hơn 12 năm làm việc tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội cơ sở 2, chị Trang dành trọn tấm lòng cho công việc và xem đây như niềm vui của bản thân. Mỗi ngày, chị Trang cùng 38 đồng nghiệp tại Trung tâm thăm khám, chăm sóc 88 người già. Họ là những người già, neo đơn đến từ 23 tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, 32 người không vận động được, phải nằm một chỗ.
Chăm sóc một người lớn tuổi bình thường đã khó, việc chăm sóc cùng lúc nhiều người với nhiều thể trạng, bệnh tật khác nhau còn khó gấp bội. Từ việc hỗ trợ tắm rửa, lo ăn uống, điều trị bệnh… chị Trang đều đảm trách tốt. Chị Trang tâm sự: “Để làm tốt công việc này, mình phải thực sự thương yêu và coi các cụ như người thân. Nhiều cụ lớn tuổi, không còn minh mẫn, thậm chí có lúc bị các cụ la mắng nhưng tôi vẫn cố gắng ân cần bởi tôi thấy bóng dáng cha mẹ già trong họ”.
Cũng xem bệnh nhân như người nhà để tận tâm phục vụ, nữ điều dưỡng Trần Thụy Kiều Chinh, TTYT huyện Châu Đức luôn hết lòng vì công việc. Chị Chinh tâm sự, từ nhỏ, chị đã ngưỡng mộ các y, bác sĩ tận tình cứu người. Hình ảnh chiếc áo blouse trắng đã in đậm trong tâm trí, là động lực để chị nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhân viên y tế. Sau nhiều năm nỗ lực học tập, năm 2006, chị Chinh bắt đầu công việc tại khoa Nội tổng hợp, TTYT huyện Châu Đức.
Năm 2013, chị Chinh làm Điều dưỡng Trưởng Khoa Ngoại - Phòng mổ. Đến năm 2018, chị trở thành Điều dưỡng Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu. 16 năm gắn bó với nghề, chị Chinh luôn nỗ lực học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức và sáng tạo. Dù đảm nhận nhiều công việc như vừa trực cấp cứu, vừa làm công tác hành chính… nhưng chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chị Chinh chia sẻ, khác với nhiệm vụ của điều dưỡng ở các khoa, trực cấp cứu rất nhiều áp lực. Các bác sĩ, điều dưỡng phải vững chuyên môn, giữ được “cái đầu lạnh và quả tim nóng” để kịp thời đưa ra những phán đoán chính xác, chăm sóc y tế đúng kỹ thuật, giúp bệnh nhân tránh được những hiểm nguy không đáng có.
Bình quân mỗi đêm trực cấp cứu, chị Chinh cùng đồng nghiệp tiếp nhận 20 trường hợp bệnh nhân bị tai nạn giao thông, cao huyết áp, viêm phế quản, sốt co giật… Những ngày lễ, tết, lượng bệnh nhân tăng gấp ba, bốn lần. 2 bác sĩ và 4 điều dưỡng khoa Hồi sức cấp cứu luôn làm việc hết công suất, chia nhau túc trực 24/24 giờ để kịp thời cấp cứu bệnh nhân. “Khi cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân, nhìn thấy họ khỏe lại, thấy nụ cười của người nhà bệnh nhân, chúng tôi cũng vui lây”, chị Chinh nói về niềm vui với nghề.
Bài, ảnh: CẨM NHUNG-THÙY HƯƠNG-NGỌC BÍCH