Dịch sốt xuất huyết (SXH) vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng nhiều người vẫn chủ quan, tự điều trị tại nhà khi chưa có những chẩn đoán chính xác về bệnh. Điều này rất nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí đe dọa tới tính mạng người bệnh.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc SXH, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, điều trị. Trong ảnh: Nhân viên y tế Bệnh viện Vũng Tàu kiểm tra sức khỏe một trường hợp mắc SXH. |
Hậu quả vì tự điều trị tại nhà
2 tháng trước, chị N.T.M.X. (29 tuổi, phường 12, TP. Vũng Tàu) bị sốc SXH nặng, đã được Bệnh viện Vũng Tàu cứu sống. Người nhà cho biết, 4 ngày trước khi vào viện, bệnh nhân sốt cao liên tục, đau nhức cơ thể nên tự mua thuốc uống. Bệnh nhân sau đó bớt sốt nhưng người vẫn mệt nên được đưa vào Bệnh viện Vũng Tàu điều trị.
Thời điểm vào viện, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, chi mát, mạch nhẹ khó bắt, huyết áp tụt và kẹp, lấy máu xét nghiệm cho kết quả NS1 dương tính với chẩn đoán sốc SXH nặng. Bệnh viện Vũng Tàu phải sử dụng nhiều biện pháp điều trị tích cực như: Truyền dung dịch cao phân tử, sử dụng albumin 2 lần, thở máy hỗ trợ, kháng sinh điều trị bội nhiễm phổi, truyền máu, nuôi ăn tĩnh mạch. Nhờ đó, chị X. vượt qua được nguy hiểm, dần bình phục và xuất viện.
Bệnh nhân mắc SXH ở mức độ nhẹ có thể điều trị tại nhà theo các hướng dẫn của nhân viên y tế. Những nhóm có nguy cơ cao như: Người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người béo phì, người mắc bệnh lý nền nặng, trẻ nhỏ… thì khi có dấu hiệu mắc SXH phải đến cơ sở y tế có uy tín và chất lượng để khám và điều trị. Những nhóm nguy cơ cao nên nhập viện để được bác sĩ theo dõi và điều trị SXH. |
Không phải ai cũng may mắn như chị X.. Một số bệnh nhân khi có những biểu hiện mắc SXH như: Sốt cao, người mệt mỏi đã không chủ động đi khám mà tự dùng thuốc điều trị tại nhà. Khi bệnh trở nặng, họ mới vào bệnh viện thì đã quá trễ.
Bệnh nhân P.Q.T. (phường 9, TP.Vũng Tàu) là một ví dụ. Ông K. vừa lớn tuổi (73 tuổi), vừa mắc bệnh đái tháo đường. Cuối tháng 9 vừa qua, ông bị SXH nhưng người nhà tưởng ông chỉ mắc bệnh thông thường nên cho uống thuốc hạ sốt. Đến khi cơ thể quá mệt mỏi, người nhà mới đưa ông vào Bệnh viện Vũng Tàu cấp cứu, rồi chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị nhưng đã quá trễ. Ông T., tử vong do SXH nặng, suy đa tạng, gan, thận; thuyên tắc phổi với tâm phế cấp; hở van 3 lá; nhồi máu não không đặc hiệu; đái tháo đường không phụ thuộc insulin.
Trước đó, chị N.T.D. (33 tuổi, ngụ phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ) cũng qua đời vì mắc SXH vào tháng 8/2022. Những ngày đầu bị bệnh, chị D. cũng tự uống thuốc tại nhà và có truyền dịch tại một phòng khám tư trên địa bàn. Khi bệnh trở nặng, chị được đưa đi bệnh viện nhưng không kịp và đã tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy do sốc SXH nặng, suy gan và thận, nhiễm trùng huyết biến chứng choáng nhiễm trùng.
Bác sĩ Lê Quốc Bàn, Trưởng Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Vũng Tàu) cho biết, đặc điểm của SXH là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn tới tử vong. “Người bệnh có dấu hiệu sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người… cần phải đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm chẩn đoán SXH, tránh những biến chứng như: sốc, suy đa tạng, chảy máu. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ”, bác sĩ Bàn lưu ý.
Những lưu ý với trẻ sốt xuất huyết
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tùy theo mức độ bệnh nặng hay nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định nhập viện điều trị hay điều trị tại nhà. Với trường hợp trẻ em mắc SXH được điều trị tại nhà, người nhà cần đặc biệt chú ý. Theo đó, phụ huynh cần theo dõi sát thân nhiệt của trẻ, nếu nhận thấy sốt cao từ 39-40 độ kéo dài khó hạ, phải báo ngay cho bác sĩ hoặc đưa trẻ nhập viện. Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo lời dặn của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc hạ sốt chứa Aspirin, Ibuprofen vì các thuốc này làm tăng nguy cơ chảy máu ngoài ý muốn.
Tính đến ngày 18/10, Bà Rịa-Vũng Tàu có 15 trường hợp tử vong do mắc SXH, trong đó, TP. Vũng Tàu (6 ca), huyện Long Điền (4 ca), TX. Phú Mỹ (2 ca), TP. Bà Rịa (1 ca), huyện Châu Đức (1 ca) và huyện Xuyên Mộc (1 ca). |
Bên cạnh đó, trẻ bị SXH nên ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như: cháo loãng, bột, sữa. Người nhà không cho trẻ dùng các loại thức ăn, nước uống có màu nâu, đỏ (coca, pepsi, dưa hấu, chocolate), bí đỏ, cà rốt… vì khó phân biệt khi trẻ ói ra máu hay đi tiêu có máu. Qua đó, bác sĩ sẽ phát hiện, xử trí kịp thời khi trẻ bị biến chứng do SXH gây ra. Cần cho trẻ uống nhiều nước lọc, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh) hoặc nước cháo loãng để tăng chất điện giải và tránh mất nước.
Phụ huynh cần theo dõi chặt chẽ tình trạng của trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo, dấu hiệu nặng như vật vã, li bì, lừ đừ, tay chân lạnh, da ẩm, hạ thân nhiệt, đau bụng, đau ngực, khó thở, chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói nhiều, ói ra máu, đi ngoài phân đen hoặc có máu, tiểu ít để cho nhập viện kịp thời. Tuyệt đối không tắm gội, lau người bệnh bằng nước lạnh vì sẽ làm mạch ngoài da co lại, mạch nội tạng giãn ra rất nguy hiểm.
Ngoài ra, khi điều trị SXH tại nhà, người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh không tự ý truyền dịch bởi làm việc này dễ dẫn tới hiện tượng phù nề, suy hô hấp, ảnh hưởng tới tính mạng. Người bệnh nên mặc đồ mỏng, nằm ở nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước ấm hoặc nước thường vào trán, nách. Người bệnh cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng (tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất) và nghỉ ngơi hợp lý.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM