Điểm tựa của phụ nữ khuyết tật

Thứ Ba, 27/09/2022, 19:40 [GMT+7]
In bài này
.

Sau hơn 4 năm hoạt động, mô hình Nhóm phụ nữ tự lực đã mang lại hiệu quả tích cực, kịp thời hỗ trợ phụ nữ khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.

“Nhóm phụ nữ tự lực” tại huyện Xuyên Mộc được thành lập tháng 8/2021 trở thành điểm tựa vật chất và tinh thần hỗ trợ hội viên khuyết tật.
Nhóm phụ nữ tự lực tại huyện Xuyên Mộc được thành lập tháng 8/2021, trở thành điểm tựa cho hội viên khuyết tật.

Vượt qua mặc cảm, tự ti

Với đôi chân dị tật do di chứng của căn bệnh sốt bại liệt, chị Trần Hậu Lê Phương (phường Long Tâm, TP. Bà Rịa) luôn sống trong mặc cảm. Được sự động viên của gia đình, chị đi học may và mở tiệm may nhỏ, bán thêm hàng online. Và rồi sự tự ti, mặc cảm vì khiếm khuyết đã dần biến mất khi chị tham gia Nhóm phụ nữ tự lực của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố năm 2017. Sinh hoạt với những chị em cùng cảnh ngộ, chị vui vẻ và mở lòng hơn với mọi người xung quanh.

“Tham gia nhóm phụ nữ tự lực, tôi được các chị em an ủi, động viên và chia sẻ, từ đó tôi có thêm tự tin vượt qua mặc cảm của bản thân. Tôi nhận ra cuộc sống còn rất nhiều điều vui vẻ và hạnh phúc”, chị Phương tâm sự.

Trong tiệm may áo dài Ái Duyên (xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức), chị Mai Thị Tình đang chăm chú làm việc. Đôi tay thoăn thoắt, ít ai nghĩ, cô thợ may xinh xắn, hoạt bát này lại là người bị liệt 2 chân từ nhỏ do di chứng của căn bệnh sốt bại liệt.

Toàn tỉnh có gần 5.000 phụ nữ khuyết tật, nhưng mới chỉ có 125 phụ nữ đang sinh hoạt trong các Nhóm phụ nữ tự lực. Sau hơn 4 năm, mô hình Nhóm phụ nữ tự lực do Hội LHPN tỉnh triển khai đã và đang nhân rộng đến các địa bàn ở TP. Bà Rịa, huyện Châu Đức, huyện Xuyên Mộc. Hội LHPN các cấp phối hợp với chính quyền địa phương, sở ngành liên quan đã tích cực thông tin về pháp luật, chế độ chính sách của nhà nước dành cho người khuyết tật; tổ chức dạy nghề… giúp hội viên nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đi lại khó khăn, sức khỏe yếu nhưng chị Tình luôn nỗ lực, không để bệnh tật cản trở hành trình chinh phục cuộc sống của mình. 10 năm trước, chị đã đi học may và được chị Phạm Thị Ái, chủ tiệm may áo dài Ái Duyên nhận vào làm để hỗ trợ công việc trong tiệm.

Không chỉ làm tốt việc may vá, kiếm thu nhập tự nuôi sống bản thân, chị còn chủ động làm việc gia đình, làm tròn trách nhiệm người vợ, người mẹ. Tham gia vào nhóm phụ nữ tự lực, chị có cơ hội gặp gỡ, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm với các chị em cùng hoàn cảnh. Cuộc đời chị là câu chuyện đẹp, tấm gương để tiếp thêm động lực cho những thành viên trong nhóm vươn lên, tự tin hòa nhập.

“Bản thân mình phải cố gắng làm việc, đâu thể ngồi đợi sự giúp đỡ từ người khác. Đi làm có thu nhập tự chủ được kinh tế, làm được nhiều việc bản thân mình lại vui, cuộc sống cũng thoải mái hơn. Ở nhóm phụ nữ tự lực, các chị em đều có khiếm khuyết nên thấu hiểu và cùng chia sẻ để truyền nghị lực cho nhau, từ đó tự tin vượt qua mọi rào cản”, chị Tình bộc bạch.

Nhân rộng mô hình

Bà Bùi Thị Sen, Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Đức cho biết, để giúp phụ nữ khuyết tật vượt qua mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, Nhóm phụ nữ tự lực gồm 20 thành viên của xã Suối Nghệ-Nghĩa Thành đã được thành lập hơn 1 năm qua và hoạt động sôi nổi. Thông qua các lớp tập huấn tuyên truyền, tặng quà, trao con giống, nhiều tấm gương vượt khó đã xuất hiện. Nhiều phụ nữ khuyết tật đã phá bỏ được những rào cản khiếm khuyết để dù trong điều kiện bình thường hay dịch bệnh, họ đều xoay sở vượt qua.

Chị Mai Thị Tình (xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) có việc làm ổn định tại tiệm may Ái Duyên.
Chị Mai Thị Tình (xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) có việc làm ổn định tại tiệm may Ái Duyên.

Còn bà Phan Thị Mỹ Dung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Xuyên Mộc cho biết, tháng 8/2021, Nhóm phụ nữ tự lực gồm 25 thành viên là phụ nữ khuyết tật tại xã Bình Châu được Hội LHPN huyện thí điểm thành lập. Mô hình giúp gắn kết, nâng cao nhận thức và kỹ năng về bình đẳng cho người khuyết tật. Ban đầu, chị em còn tự ti, mặc cảm nhưng qua thời gian, nhận thấy mô hình phát huy hiệu quả, chị em đã mạnh dạn tham gia nhiều hơn.

“Thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động của mô hình nhằm tập hợp thêm nhiều phụ nữ khuyết tật hơn nữa. Hội sẽ giúp tập huấn kỹ năng, kiến thức về pháp luật, chế độ chính sách dành cho người khuyết tật; thăm hỏi động viên, tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho chị em và trao tặng học bổng cho con em các thành viên”, bà Dung nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MAI NGỌC

;
.