Công nhân mong mỏi về nhà ở, nhà trẻ

Thứ Hai, 26/09/2022, 18:24 [GMT+7]
In bài này
.

LĐLĐ tỉnh vừa tổ chức gặp gỡ với nữ công nhân lao động (CNLĐ) tại một số DN trên địa bàn tỉnh. Tại các buổi gặp gỡ, nhà ở, nhà trẻ, chỗ gửi con, tuổi nghỉ hưu, thu nhập… là những vấn đề nóng được công nhân đặc biệt quan tâm.

Công nhân mong được quan tâm về nhà trẻ, chỗ gửi con.
Công nhân mong được quan tâm về nhà trẻ, chỗ gửi con.

Có nhiều nhà trẻ

Đó là mong muốn của rất nhiều nữ công nhân, nhất là công nhân đang làm việc tại các KCN trên địa bàn tỉnh khi gặp gỡ, chia sẻ với LĐLĐ tỉnh trong những ngày vừa qua. Chị Nguyễn Thị Hồng Yến, công nhân Công ty TNHH E-TOP Việt Nam (KCN B1 Tiến Hùng- TX.Phú Mỹ) bày tỏ: “Mỗi ngày khi đưa con tới điểm giữ trẻ rồi đi làm mà lòng cứ nơm nớp lo lắng. Thật lòng suốt ngày làm việc mà chỉ nghĩ tới con. Từ khi xem những thông tin về các vụ bạo hành trẻ nhỏ xảy ra khắp nơi tôi càng bất an. Ngày nào cũng tự hỏi hôm nay con đi học thế nào, có bị ép ăn, có bị đánh không?”.

Nhiều công nhân cho biết, việc gửi con hiện rất khó khăn do ít nhà trẻ, nhóm trẻ nhận giữ các bé dưới 12 tháng tuổi. Trong khi, chi phí giữ trẻ và chênh lệch giờ giấc làm việc khiến không ít nữ công nhân phải nghỉ việc để chăm sóc con. Chị Lê Thị Thủy, công nhân Công ty TNHH Uniform Management Services Việt Nam (KCN Đông Xuyên, TP Vũng Tàu) cho biết, nhiều nhà trẻ không nhận giữ con ngoài giờ trong khi công nhân thường xuyên phải tăng ca. Vào ngày cuối tuần, công nhân phải xoay xở đủ cách gửi con để đi làm. “Chi phí gửi con mỗi năm đều tăng nên công nhân phải gồng gánh đủ khoản với đồng lương eo hẹp. Chua kể, nhiều người buộc phải gửi con ở các điểm giữ trẻ gần KCN để đi làm. Dù biết điều kiện chăm sóc, cơ sở vật chất ở những nơi này không bảo đảm nhưng vẫn phải chấp nhận vì không còn lựa chọn nào khác”, chị Thủy nói.

Vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo, chỗ gửi con là nỗi trăn trở suốt nhiều năm qua của CNLĐ. Nhiều nữ CNLĐ cho rằng số lượng trường mầm non, cơ sở giữ trẻ trên địa bàn hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Đặc biệt, thiếu các cơ sở nhận trẻ từ 6 tháng đến 36 tháng tuổi khiến nhiều lao động phải nghỉ việc để trông con sau thời gian thai sản. Hơn nữa, thời gian giữ trẻ của các cơ sở mầm non còn bó hẹp trong giờ hành chính cũng khiến CNLĐ không an tâm làm việc. Hiện số DN quan tâm đầu tư xây dựng nhà trẻ, phòng vui chơi cho trẻ… giúp công nhân giải tỏa nỗi lo, an tâm làm việc còn rất khiêm tốn.

Bà Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH E-TOP Việt Nam cho biết, công ty có hơn 3.800 lao động thì lao động nữ chiếm 90%. Do vậy, vấn đề gửi con nhỏ là nỗi trăn trở lớn của nhiều CNLĐ. “Làm sao để có chỗ gửi con an toàn, bảo đảm cho sự phát triển của trẻ để ba mẹ yên tâm làm việc là mong mỏi của rất nhiều công nhân. Có nhiều công nhân xa quê phải nhờ ông bà vào trông cháu hoặc chấp nhận nén nỗi nhớ gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc để đi làm. Vì thế, chúng tôi rất mong công đoàn có các chính sách quan tâm, hỗ trợ hơn cho nữ CNLĐ, nhất là việc xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo dành cho con công nhân để an tâm làm việc”, bà Nguyễn Thị Mai nhấn mạnh.

Mong có nhà ở

Một trong những vấn đề bức thiết không kém mà các nữ công nhân mong muốn được tháo gỡ là vấn đề nhà ở. Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có hơn 65 ngàn CNLĐ đang làm việc trong các KCN, trong đó có khoảng 80% công nhân ở xa tới phải thuê nhà trọ. Nhiều công nhân cho biết, dù đã đi làm hơn cả chục năm nhưng giấc mơ về nhà ở vẫn xa vời với họ. chị Nguyễn Thị Hiệp, công nhân Công ty TNHH May Thạnh Mỹ (TX. Phú Mỹ) cho biết: “Để tiết kiệm, công nhân độc thân như chúng tôi thường chọn ở chung 4-5 người trong phòng trọ chừng 14m2. Với khoảng không gian ấy, cuộc sống ở các dãy phòng trọ công nhân rất bí bách. Do vậy, mong ước về nhà ở là mong ước rất lớn của mỗi công nhân xa quê như tôi”.

Đến nay, một số KCN đã thúc đẩy việc xây nhà lưu trú cho công nhân nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Việc có một căn nhà để an cư gần như là điều khó khăn nhất với nhiều công nhân. Chủ tịch CĐCS một DN trong KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu cho biết: “Suốt nhiều năm qua, vấn đề nhà ở cho công nhân vẫn là nỗi trăn trở lớn của những cán bộ gắn bó với công tác công đoàn. Công nhân rất mong mỏi có nơi an cư để yên tâm làm việc, sinh sống và có nơi để con cái được sinh hoạt, học hành. Đó là mong muốn rất chính đáng của CNLĐ mà chúng tôi mong sẽ sớm được giải quyết”.

Cần cân nhắc tuổi nghỉ hưu

Cùng với đó, nhiều chị em công nhân đã bày tỏ tâm tư, kiến nghị với LĐLĐ tỉnh về các vấn đề thiết thực như cần áp dụng tuổi nghỉ hưu phù hợp với lao động nữ, tạo điều kiện để công nhân nâng cao trình độ, vấn đề tín dụng đen… Chị Nguyễn Thị Tú Nhi, công nhân Công ty TNHH E-TOP Việt Nam cho biết: “Chúng tôi làm công nhân may nên mỗi ngày phải trực tiếp sản xuất, thời gian ngồi hoặc đứng kéo dài. Với đặc thù như vậy, tôi nghĩ nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì lao động như tôi sẽ rất khó đáp ứng sức khỏe cho công việc. Vì thế, tôi cũng như nhiều chị em khác mong được xem xét, áp dụng tuổi nghỉ hưu phù hợp với từng lĩnh vực công việc của lao động nữ”.

Đại diện công đoàn và một số DN cũng đề nghị cần cân nhắc phù hợp tuổi hưu với lao động nữ. Ông Huỳnh Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH May Thạnh Mỹ cho biết: “Lao động nữ rất vất vả bởi vừa phải thực hiện tốt công việc của mình tại công ty, xí nghiệp; về nhà phải đảm đương hoàn tất việc nhà, chăm sóc gia đình. Với những kiến nghị, đề xuất của nữ công nhân, chúng tôi rất đồng tình và mong muốn các cấp lãnh đạo, chính quyền xem xét có thêm nhiều hơn nữa các chính sách, chế độ đối với lao động nữ”.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.