Mùa măng le bắt đầu từ tháng 8 đến hết tháng 10. Đây là giống măng rừng có mùi vị thơm ngon đặc trưng nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, ngày càng có nhiều người đi “săn lùng” loại măng này.
Có nhiều loại măng, phải kể đến là tre, trúc, lồ ô, tầm vông, nứa... nhưng măng le là loại được ưa thích nhất, đơn giản măng le đặc ruột, dễ chế biến, vị hơi ngọt bùi, có mùi thơm đặc trưng, không chát, không quá đắng... Ở huyện Long Điền, măng le mọc nhiều ở khu vực vùng núi các xã Tam Phước, Phước Hưng và TT. Long Hải.
Anh Huỳnh Văn Hải, ấp Phước Trung, xã Tam Phước từ 1-2 giờ sáng đã lên núi hái măng le, đến hơn 12 giờ trưa mới quay về nhà. |
Anh Huỳnh Văn Hải (SN 1985), ở ấp Phước Trung, xã Tam Phước (huyện Long Điền) là người chuyên đi lấy măng le cho biết, hàng năm, cứ đến mùa này, nhiều người trong xóm lại gói cơm, mang nước rủ nhau lên rừng hái măng. "Để đến được nơi hái măng, tôi và mẹ phải đi từ 1 - 2 giờ sáng dùng xe máy đến chân núi Đá Dựng (khu vực xã Tam Phước, Phước Hưng, TT. Long hải), khóa xe cẩn thận và lên núi hái măng. Hái măng xong chuyển xuống chân núi, đến hơn 12 giờ trưa mới về đến nhà. Việc tìm măng không khó nhưng nhọc nhằn, bởi đường rừng mùa mưa trơn trượt, lại phải trèo núi cả chục cây số”, anh Hải chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hương, ấp Phước Trung, xã Tam Phước vui vẻ cho biết, nhờ “lộc trời” măng le mà cuộc sống của gia đình bà đã khá hơn trước rất nhiều. |
Bà Nguyễn Thị Hương (SN 1961, mẹ của Huỳnh Văn Hải) chia sẻ: “Công việc hái măng tuy vất vả nhưng “lộc rừng” mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Mỗi ngày, hai mẹ con hái được gần 50kg măng tươi, sau khi lột sạch vỏ bên ngoài còn khoảng 30kg măng. Với giá thương lái thu mua hiện nay 50.000 đồng/kg thì thu nhập cũng tương đối, khoảng 600.000 đồng/người/ngày. Chồng mất đã lâu, hơn 20 năm qua, cũng nhờ hái măng le mà con gái (em của Hải) đã vào đại học, nhà cửa được xây dựng khang trang hơn”.
Một gia đình sơ chế làm sạch măng le trước khi đem bán. |
Còn anh Huỳnh Văn Quang (SN 1978), ở ấp Phước Trung, xã Tam Phước cho biết, từ cuối tháng 7, anh và vợ gác lại công việc ruộng rẫy lên núi hái măng le đem về bán, có khi ra tận ngoài Bình Thuận. Mỗi ngày vợ chồng anh hái được khoảng 40kg măng tươi, thu nhập hơn 1,5 triệu đồng. Công việc hái măng cũng không hề đơn giản, phải chạy xe máy cả trăm cây số. Mỗi khi chui vào bụi tre, người hái măng phải đối diện với gai góc, muỗi chích, có khi gặp phải rắn độc…
“Nếu người đi bẻ măng, đừng chặt phá tre, thì nguồn măng le non tái sinh sẽ ra quanh năm. Cứ vào mùa măng le, vợ chồng tôi tranh thủ đi hái về bán, vì đến tháng 10, lượng măng le sẽ giảm. Nhờ hái măng le mà gia đình tôi có thu nhập khá hơn”, anh Quang cho biết thêm.
Những búp măng le trăng trắng, no tròn, múp míp, luộc ăn ngọt lừ trở thành đặc sản của vùng núi Long Điền. |
Măng le khô hiện nay bán 300.000 đồng/kg. |
Theo người hái măng, đa phần là họ bán măng tươi hoặc măng luộc. Còn làm măng khô phải có người đem măng phơi nắng và canh khi trời đổ mưa thì phải đem vào, nên rất tốn công. Hiện giá măng le khô bán khoảng 300.000 đồng/kg. Măng le mềm, giòn và dễ kết hợp để chế biến thành các món ăn hấp dẫn như: gỏi măng trộn đậu phộng, măng le kho mắm ruốc, măng le hầm giò heo, hay măng le xào gan, măng le luộc cuốn bánh tráng chấm mắm ruốc… đơn giản vậy nhưng rất nhiều người ưa thích món dân quê này.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG – CHIÊU CÔNG