Trung thu đến sớm

Thứ Sáu, 05/08/2022, 16:58 [GMT+7]
In bài này
.

Sau một năm đóng cửa vì dịch bệnh, mùa bánh Trung thu năm nay, các cơ sở sản xuất bánh Trung thu Long Điền (huyện Long Điền) đã mở cửa hoạt động trở lại. Ngay từ đầu tháng 7 âm lịch, không khí tại các cơ sở sản xuất đã nhộn nhịp. Nhiều người dân tranh thủ mua bánh về thưởng thức sớm.

Chị Văn Mỹ Linh, chủ cơ sở bánh Trung thu Văn Hòa Lạc chuẩn bị bánh giao cho khách.
Chị Văn Mỹ Linh, chủ cơ sở bánh Trung thu Văn Hòa Lạc chuẩn bị bánh giao cho khách.

Thưởng thức bánh sớm

Tết Trung thu năm nay, các cơ sở sản xuất bánh Trung thu Long Điền dường như đến sớm hơn mọi năm. Từ sáng sớm, quầy trưng bày của cơ sở sản xuất bánh Trung thu Văn Hòa Lạc (299 Võ Thị Sáu, KP.Long Tân, TT.Long Điền), rất nhiều người dân đã đến đây chờ mua bánh.

Chị Giang Thì Sến (TT.Long Hải, huyện Long Điền) cho biết, gia đình chị làm nghề đi biển nên rất hảo các loại bánh ngọt. Đặc biệt là bánh Trung thu. “Ông xã tui rất thích ăn bánh Trung thu Long Điền. Năm ngoái dịch bệnh các cơ sở sản xuất bánh Trung thu đóng cửa, lỡ mất một mùa bánh. Năm nay tui đến cơ sở Văn Hòa Lạc sớm để mua bánh đặng cho ông kịp mang theo chuyến biển sắp tới. Tiện thể, mua cho mấy sắp nhỏ thưởng thức sớm, bù lại mùa Trung thu năm ngoái”.

Chị Văn Mỹ Linh, chủ cơ sở sản xuất bánh Trung thu Văn Hòa Lạc cho biết, cơ sở sản xuất của chị đã có thâm niên gần 50 năm. Nhưng năm 2021 có lẽ là mùa bánh buồn nhất. “Dịch COVID-19 bùng phát phức tạp ngay những tháng cận kề Tết Trung thu. Gia đình tôi phải theo dõi tình hình từng ngày để hy vọng có thể mở cửa sản xuất. Nhưng cuối cùng, Trung thu kết thúc, dịch vẫn chưa ổn”, chị Linh kể.

Lỡ một mùa bánh nhưng vì an toàn của mọi người, các cơ sở sản xuất bánh Trung thu Long Điền lúc đó đều chấp nhận đóng cửa để phòng dịch. Năm nay, từ giữa tháng 6 (âm lịch), nhiều cơ sở sản xuất trong đó có Văn Hòa Lạc đã đỏ lửa sớm để mong kéo dài thêm mùa bánh và cũng là để người dân có bánh để thưởng thức sớm, bù lại mùa bánh năm qua.

Theo các cơ sở sản xuất bánh Trung thu Long Điền, mùa bánh Trung thu ở đây kéo dài khoảng vài tháng (từ cuối tháng 6 đến rằm tháng 8 âm lịch), nhưng cao điểm nhất là từ đầu đến giữa tháng 8 âm lịch. Anh Văn Long, Chủ cơ sở Văn Tập Hòa từ TP.Hồ Chí Minh đã về lại Long Điền từ 3 tuần trước để tập trung cho công việc sản xuất bánh của gia đình. Anh Long cho biết, các loại nguyên vật liệu sản xuất bánh năm nay tăng cao, đặc biệt là bơ và vani tăng 30-50% so với những năm trước. Vì vậy, giá bánh các loại cũng nhích nhẹ khoảng 5-10 ngàn đồng/cái. “Nhưng ngay từ đầu mùa, người dân cũng đã hào hứng đặt mua bánh về thưởng thức sớm và làm quà biếu sớm”, anh Long nói.

Trong khi đó tại cơ sở sản xuất bánh Văn Mỹ Phong (212 Võ Thị Sáu, TT.Long Điền, huyện Long Điền), các loại bánh chay, bánh mặn, bánh da dộp… vẫn nối nhau ra lò. Chị Phạm Thị Yến Chi, chủ cơ sở cho hay, ngoài khách địa phương, từ đầu tháng 7 âm lịch cơ sở của chị cũng đã nhận được khá nhiều đơn đặt bánh của khách hàng từ TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và cả Hà Nội. “Hiện cơ sở của chúng tôi đang sản xuất khoảng 200 cái/ngày nhưng cao điểm số lượng bánh sẽ tăng lên gấp 9-10 lần”, chị Chi nói.

Nhân viên cơ sở sản xuất bánh Trung thu Văn Tập Hòa cẩn thận đưa từng vỉ bánh ra lò.
Nhân viên cơ sở sản xuất bánh Trung thu Văn Tập Hòa cẩn thận đưa từng vỉ bánh ra lò.

Giữ vị truyền thống

Ngày nay có hàng trăm loại bánh Trung thu với mẫu mã, kiểu dáng và khẩu vị đa dạng được bán trên thị trường. Nhưng bánh Trung thu Long Điền vẫn có chỗ đứng riêng, thậm chí có nhiều cơ sở đắt khách đến mức nếu không đặt trước 1-2 tuần thì vẫn không mua được bánh. Thành công đó đến từ câu chuyện của những người giữ lửa nghề truyền thống.

Tại cơ sở sản xuất bánh Trung thu Văn Tập Hòa (85 Mạc Thanh Đạm, KP.Long Tân, TT.Long Điền) bà Huỳnh Lệ Tiên – mẹ của anh Văn Long, chủ cơ sở cẩn thận bỏ từng chiếc bánh vào hộp trước khi giao cho khách. Hàng trăm chiếc bánh khác vừa ra lò cũng được xếp ngay ngắn ở một khu vực sạch sẽ trước khi đóng gói.

Vừa làm, chị Tiên vừa tâm sự về nghề làm bánh Trung thu. Không ai nhớ chính xác làng bánh Trung thu Long Điền bắt đầu từ năm nào. Nhưng những năm đầu của thập niên 70, thế kỷ 20, bánh Trung thu Long Điền đã nổi tiếng nức làng.

“Tôi theo gia đình chồng làm bánh từ ngày bước chân về làm dâu họ Văn. Hồi đó, chiếc bánh Trung thu chỉ nhỏ lọt lòng bàn tay. Các loại bánh đậu xanh, thập cẩm… thì làm bằng khuôn gỗ. Riêng bánh da dộp phải làm hoàn toàn bằng tay. Các lò bánh ở Long Điền lúc bấy giờ mỗi mùa chỉ làm vài trăm cái, chủ yếu phục vụ khách hàng khá giả”, chị Tiên kể.

Dần dần, bánh Trung thu đã trở thành một món quà bình dân mà gia đình nào cũng có thể dùng được vào mùa Trung thu. Mấy chục năm trôi qua, bánh Trung thu Long Điền đã thay đổi nhiều cả về mẫu mã, số lượng và cả hình thức sản xuất. Nhưng hương vị xưa trong chiếc bánh Trung thu Long Điền vẫn còn nguyên vẹn. Riêng loại bánh Trung thu da dộp, ngoài việc giữ hương vị, các cơ sở sản xuất còn giữ luôn cả cách làm thủ công, nhào và nặn bánh bằng tay. Họ gọi đó là bánh trung thu truyền thống.

Và có lẽ, đến nay khách hàng đâu chỉ có người dân địa phương, khắp nơi từ Bắc chí Nam thậm chí ở nước ngoài cũng đặt bánh Trung thu Long Điền để ăn, để làm quà biếu cũng vì cái vị truyền thống ấy.

Theo chị Văn Mỹ Linh, ở cơ sở sản xuất bánh Văn Hòa Lạc, mỗi công đoạn sản xuất bánh, cơ sở đều có một người trong gia đình giám sát. Và cứ một ngày làm bánh thì một ngày nghỉ để có thời gian cho bánh khô, cứng và tiêu thụ hết trong ngày, bảo đảm bánh ra thị trường luôn tươi, mới. “Những năm gần đây lượng khách đông, không có đủ bánh để bán nhưng chúng tôi vẫn không vì lợi nhuận mà làm ẩu”, chị Linh tâm sự.

Bánh Trung thu Long Điền hiện có nhiều loại 2- 15 trứng. Nhân bánh cũng đa dạng: bánh chay, gà quay, khoai môn, đậu xanh, thập cẩm… Theo đó, giá thành các loại bánh tùy từng cơ sở dao động từ 75 - 100 ngàn đồng/cái. Bánh da dộp loại 600gr-1,5kg giá từ 400-620 ngàn đồng/cái.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
;
.