Người mắc sốt xuất huyết trở nặng vì chủ quan

Thứ Ba, 23/08/2022, 18:45 [GMT+7]
In bài này
.

Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm lưu hành quanh năm, nhưng bùng phát chủ yếu vào mùa mưa. Bệnh gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Thế nhưng, một bộ phận người dân còn chủ quan với SXH, khi nhiễm bệnh lại tự điều trị tại nhà hoặc chậm trễ trong điều trị khiến bệnh trở nên trầm trọng.

Bệnh nhân N.H.S. được bác sĩ của Khoa ICU (Bệnh viện Bà Rịa) kiểm tra sức khỏe thường xuyên.
Bệnh nhân N.H.S. được bác sĩ của Khoa ICU (Bệnh viện Bà Rịa) kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

Sốt cao nhiều ngày nhưng không đi viện

Anh B.V.N. (19 tuổi, ở KP.Hải Hà 1, TT. Long Hải, huyện Long Điền) phải nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tim mạch - Chống độc (ICU) của Bệnh viện Bà Rịa do mắc SXH nặng. 

Trước đó, N. có dấu hiệu mắc SXH như: sốt cao, mệt mỏi, đau đầu nhưng không đi khám ở bệnh viện. Không những vậy, anh còn béo phì (cao 1m70, nặng 94kg). Đây cũng là một yếu tố dễ làm cho tình trạng bệnh trở nặng nhanh hơn. Đến ngày thứ 5, khi bệnh có dấu hiệu trở nặng, N. mới đến Bệnh viện Bà Rịa khám và nhập viện điều trị. Mới nằm viện được 1 ngày, bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc SXH, sức khỏe suy kiệt, nhưng may được bác sĩ kịp thời cấp cứu, truyền dịch nên đã bình phục trở lại. 

“Tôi nghe nhiều thông tin về SXH nhưng không ngờ bệnh này nặng như vậy. Khi mình là bệnh nhân mới biết SXH rất nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe của mình”, N. cho hay.

Những trường hợp mắc SXH nặng phải nằm điều trị tích cực tại ICU của Bệnh viện Bà Rịa không phải hiếm. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 8/2022, khoa ICU của bệnh viện này đã tiếp nhận 66 bệnh nhân SXH rất nặng, trong đó có những trường hợp ca bệnh suy đa tạng. 

Đơn cử như trường hợp anh N.H.S. (29 tuổi, ở huyện Long Điền) sốt cao liên tục trong 4 ngày mà không có dấu hiệu hạ sốt, nên mới đến điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa. Trong vòng 24 giờ, bệnh nhân này bị sốc SXH tới 2 lần. Nhờ được chữa trị kịp thời nên bệnh nhân đã vượt qua được giai đoạn khó khăn của bệnh tật. Vốn là thanh niên khỏe mạnh, nhưng khi mắc SXH nặng đã khiến thể trạng của anh trở nên yếu ớt, thở hổn hển, nói không ra hơi.

Thông thường, bệnh SXH trở nặng vào ngày thứ 3, 4. Nếu người bệnh có dấu hiệu: xuất huyết da, niêm mạc, chi lạnh, mệt nhiều, choáng... phải đến trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố hoặc Bệnh viện Bà Rịa và Bệnh viện Vũng Tàu khám, nếu không sẽ rất nguy hiểm tính mạng. Bệnh nhân SXH không được truyền dịch tại các cơ sở y tế tư nhân không bảo đảm chất lượng.
Bác sĩ Trần Thanh Đạt, 
Trưởng Khoa ICU (Bệnh viện Bà Rịa)

 

Không được tự điều trị tại nhà

Không chỉ chậm trễ trong điều trị, một số bệnh nhân SXH còn tự điều trị tại nhà. Đây là việc làm liều lĩnh, có thể khiến bệnh thêm nặng, thậm chí tước đi sinh mạng của người bệnh mà không hay biết. Chẳng hạn như ca bệnh N.T.D. (33 tuổi, tạm trú ở phường Phước Hòa, TX.Phú Mỹ) đã tử vong do SXH. 

Theo lời kể của người nhà, ngày 26/7, chị D. có triệu chứng sốt, đau đầu nên đi truyền dịch và mua thuốc tại phòng mạch tư trên địa bàn. Chị tự ở nhà theo dõi sức khỏe và uống thuốc điều trị trong thời gian khoảng 3 ngày. Sau đó, bệnh nhân bị mệt nhiều nên người nhà chở ra TYT phường Phước Hòa để kiểm tra. Lúc này tình trạng bệnh nhân tiên lượng xấu nên được hướng dẫn chuyển xuống Bệnh viện Bà Rịa để cấp cứu và tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Tuy nhiên, nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy được gần 1 ngày thì tử vong do bệnh nhân mắc SXH nặng biến chứng sốc; suy gan, thận; xuất huyết nặng; nhiễm trùng huyết biến chứng choáng nhiễm trùng.

Tương tự Khoa Nội (Bệnh viện Vũng Tàu) cũng ghi nhận các trường hợp bị SXH nặng, trong đó có những trường hợp tự mua và uống thuốc điều trị tại nhà. Khi nghi nhiễm SXH, người bệnh không đi khám và làm xét nghiệm nhằm chẩn đoán và phát hiện bệnh sớm. Thay vào đó, người bệnh đến các cửa hàng thuốc tây và miêu tả triệu chứng để mua thuốc về nhà uống. Việc này rất nguy hiểm, nếu uống sai thuốc và liều lượng sẽ đe dọa tới tính mạng của người bệnh. Khi gặp ca bệnh như vậy, bác sĩ Khoa Nội đã hội chẩn với bệnh viện tuyến trên để đưa ra biện pháp chữa trị phù hợp, trong đó có giải pháp phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Bác sĩ Trần Thanh Đạt, Trưởng Khoa ICU (Bệnh viện Bà Rịa) khuyến cáo, thời điểm này nếu người bệnh có triệu chứng sốt phải nghĩ ngay đến mắc SXH trước khi có bằng chứng ngược lại. Người bệnh hãy đến khám bệnh và xét nghiệm máu để chẩn đoán chính xác bệnh và được bác sĩ tư vấn các biện pháp điều trị phù hợp. Đặc biệt, đối với người béo phì mắc SXH thường có tiên lượng bệnh nặng. Vì thế, đối tượng này cần phải đặc biệt lưu ý khi nhiễm SXH.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

 
;
.