COVID-19 vẫn là bệnh truyền nhiễm nhóm A

Thứ Sáu, 12/08/2022, 19:34 [GMT+7]
In bài này
.

Bộ Y tế vừa có Tờ trình Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Trong đó, tiếp tục coi COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A và chưa công bố hết dịch.

Người dân ở phường 5 (TP.Vũng Tàu) tiêm vắc xin phòng COVID-19 sáng 23/7.
Người dân ở phường 5 (TP.Vũng Tàu) tiêm vắc xin phòng COVID-19 sáng 23/7.

Theo Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện vẫn cảnh báo dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu và khuyến cáo duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vắc xin.

Ở Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc, gần 11 ngàn ca tử vong. Riêng trong tháng 7/2022, ghi nhận hơn 33.000 ca mắc mới. Điều đó cho thấy số ca mắc COVID-19 đang tăng trở lại. 

Hơn nữa, việc chuyển phân loại bệnh truyền nhiễm từ nhóm A sang nhóm B đối với COVID-19 có những thách thức như: Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và các văn bản hướng dẫn liên quan, có nhiều quy định khác biệt cần phải điều chỉnh giữa bệnh truyền nhiễm nhóm A và bệnh truyền nhiễm nhóm B như về giám sát tại cửa khẩu, tại cộng đồng; kiểm soát ra, vào vùng có dịch, công bố dịch; phòng lây nhiễm tại cơ sở khám, chữa bệnh; cách ly y tế; điều trị miễn phí; vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm và sử dụng vắc xin trong tình trạng khẩn cấp. Người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Do đó, Bộ Y tế tiếp tục đề xuất vẫn giữ phân loại COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Tuy nhiên, Bộ đề xuất từng bước giảm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, áp dụng linh hoạt, phù hợp một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A và một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Bộ Y tế đã xây dựng 2 tình huống dịch COVID-19 năm 2022-2023 dựa trên cơ sở Kế hoạch Chiến lược chuẩn bị và đáp ứng COVID-19 của WHO. Tình huống 1, chủng vi rút vẫn tiếp tục tiến hóa, nhưng cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng. Tình huống 2, xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.

Đồng thời, chưa coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành. Trên thế giới, hiện chưa có quốc gia nào chính thức công bố COVID-19 là bệnh lưu hành.

Tin, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

;
.