Bà Rịa – Vũng Tàu đã ghi nhận 5 ca nhiễm biến thế phụ BA.5 của chủng Omicron. Loại biến thể này được đánh giá có khả năng lây lan nhanh hơn so với các biến thể trước. Dự báo, số ca mắc COVID-19 trong tỉnh sẽ tăng cao sau khi xuất hiện loại biến thể này.
Bác sĩ của Bệnh viện Bà Rịa đang điều trị tích cực cho một trường hợp nhiễm COVID-19 nặng. |
Quản lý chặt các ổ dịch
Đầu tháng 7/2022, bà H.T.D.H., 50 tuổi, ở KP. Hải An, TT.Long Hải (huyện Long Điền) cùng 26 người đi du lịch Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Sau khi trở về bà có các biểu hiện như mệt mỏi, ho, sốt, đau rát họng, mờ và chảy nước mắt. Bà H. tự test nhanh tại nhà, có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2 và báo cho TYT TT.Long Hải. Bà được TYT test lại và vẫn cho kết quả dương tính với COVID-19.
“Tôi mới nhiễm COVID-19 lần đầu. Khi mới nhiễm tôi cũng lo lắng bởi bản thân có nhiều bệnh nền như huyết áp cao, tiểu đường, hen suyễn. Tôi ở nhà điều trị và uống thuốc điều trị COVID-19, bổ sung vitamin theo liệu trình của TYT TT.Long Hải nên sau một tuần tôi đã khỏi bệnh”, bà H. nói.
Ngoài bà H., còn có thêm 6 trường hợp khác trong nhóm 26 người du lịch Phú Quốc trở về cũng nhiễm COVID-19. Trong đó có chị P.T.T.V., 22 tuổi, ở ấp Phước Thắng, xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền). Khi nhiễm bệnh, chị có dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu và ói nhiều. Do có bệnh nền là não úng thủy nên chị P.T.T.V sớm nhập viện điều trị tại TTYT huyện Long Điền. Theo người nhà bệnh nhân, chị T. đã tiêm 3 mũi vắc xin và lần đầu tiên nhiễm COVID-19.
Trước sự xuất hiện 7 ca bệnh này, BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 huyện Long Điền đã chỉ đạo TTYT huyện lấy 3 mẫu xét nghiệm, gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để chuyển lên Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh giải trình tự gen. Kết quả cho thấy, có 2 mẫu nhiễm biến thể phụ BA.5. Đó là trường hợp của bà H. và chị V.
Ngay sau khi ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.5, BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 huyện Long Điền yêu cầu đảng ủy, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với TYT địa phương giám sát, phát hiện sớm các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ hoặc test nhanh dương tính có yếu tố dịch tễ phức tạp như: nhập cảnh từ nước ngoài; đi hoặc đến từ vùng có biến thể mới…để đưa ra các biện pháp ứng phó hiệu quả. Các địa phương tăng cường theo dõi, quản lý chặt chẽ các ổ dịch mới và cũ, chú ý sự xuất hiện thêm các ca bệnh mới bất thường. Đồng thời tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của các xã, thị trấn về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Chủ động ứng phó các tình huống dịch có thể xảy ra
Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động, sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch có thể xảy ra, không để bất ngờ, bị động. Quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo công thức “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác” với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị.
UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2; thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch, tham mưu công tác lãnh đạo, chỉ đạo cho BCĐ tỉnh, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch tỉnh kịp thời; tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.
|
Vắn xin vẫn là biện pháp hiệu quả
Đến nay, biến thể phụ BA.5 đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia và được cho là nguyên nhân gây ra sự gia tăng trở lại số ca mắc COVID-19, trong đó có Việt Nam. Các chuyên gia đánh giá, biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%, nhưng chưa biết chính xác về độc lực của biến thể BA.4, BA.5 có cao hơn so với những biến thể khác. Các chuyên gia y tế dự phòng lo ngại, ngay cả khi độc lực không mạnh hơn nhưng nếu dịch lây lan nhanh và bùng phát trở lại vẫn có thể gây ra tình trạng quá tải cho hệ thống cơ sở y tế bởi gia tăng các ca nhập viện.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, biến thể BA.5 mang đặc tính có thể lẩn trốn hệ miễn dịch, trong đó bao gồm cả khả năng lẩn tránh kháng thể tạo ra từ lần tiêm vắc xin hay lần mắc COVID-19 trước đó, thậm chí cả kháng thể tạo ra nhờ từng nhiễm các phiên bản trước đó của Omicron. Ngoài những biểu hiện phổ biến như trước đây, một số triệu chứng COVID- 19 chủng mới Omicron có thể kể đến là sốt, ho, mắc ói, ói và một vài triệu chứng gần giống như cảm lạnh. Bên cạnh đó, người bệnh có thể bị đau nhức toàn thân, mệt mỏi, đau đầu, ngứa họng, chảy nước mũi…Tuy nhiên, tùy từng trường hợp bệnh nhân mà những triệu chứng và mức độ bệnh có thể khác nhau.
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh, vắc xin vẫn là yếu tố quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của các biến thể, trong đó có BA.5. Đặc biệt, với những đối tượng nguy cơ cao như: người trên 50 tuổi trở lên, người có mức độ suy giảm miễn dịch ở thể vừa và thể nặng, người bệnh nền... rất cần phải tiêm mũi 3 và 4 vắc xin phòng COVID-19 nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe vừa nâng cao dự phòng. Nếu nhiễm bệnh thì bệnh cũng sẽ nhẹ hơn sau khi tiêm các mũi nhắc lại.
“Khả năng miễn dịch của vắc xin hay sau khi đã mắc COVID-19 sẽ giảm dần theo thời gian, sau 4-6 tháng. Do đó, mỗi người dân nên thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ các liều và đúng thời gian theo hướng dẫn của Bộ Y tế sẽ duy trì được miễn dịch”, GS.TS Phan Trọng Lân thông tin thêm.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM