Số ca mắc sốt xuất huyết chưa hạ nhiệt

Thứ Hai, 15/08/2022, 17:26 [GMT+7]
In bài này
.

Theo báo cáo của Sở Y tế, ngày 15/8, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 75 ca sốt xuất huyết mới (SXH) và 1 ca tử vong do SXH (ngụ tại tổ 20, KP.Hải Bình, TT.Long Hải, huyện Long Điền - tử vong tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 vào ngày 11/8).

Nhân viên phòng chống dịch phun hóa chất diệt muỗi tại xã Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ.
Nhân viên phòng chống dịch phun hóa chất diệt muỗi tại xã Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, tổng số ca SXH lũy kế trên địa bàn tỉnh là 9.380 ca. Trong đó, số ca tử vong do là 6 ca, chiếm tỉ lệ 5% trên tổng số ca SXH nặng.

Theo Bộ Y tế, các địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh SXH phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để người dân không chủ quan, không hoang mang, lơ là và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Để phòng bệnh SXH, Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

Các gia đình thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

Người dân cần ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

Mỗi người cần tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Đặc biệt, khi người dân có dấu hiệu bị sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám phát hiện sốt xuất huyết và tư vấn điều trị phù hợp, không tự ý điều trị tại nhà.

Để cảnh giác với các biến chứng nặng khi mắc SXH, bác sĩ cũng khuyến cáo, với người bệnh SXH, nếu tự theo dõi ở nhà, cần chú ý việc đi tiểu, nếu thấy giảm đi tiểu hơn, mệt, khác nước hơn thì cần đến cơ sở y tế để kiểm tra công thức máu. Đặc biệt, việc bù dịch bằng đường uống Oresol với người SXH rất quan trọng, có thể tránh được tình trạng mất dịch, cô đặc máu. Với những bệnh nhân nôn liên tục không uống bù dịch được thì cần đến cơ sở y tế để bù dịch bằng đường tĩnh mạch.

NGUYỄN THI

 

;
.