Bệnh nhân COVID-19 nặng tăng trở lại
Từ đầu tháng 8 đến nay, số ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu tăng trở lại. Đồng thời, số ca nặng, phải nhập viện điều trị cũng tăng theo, nhưng chủ yếu là người lớn tuổi và có bệnh nền nặng. Đây là đối tượng nguy cơ cao, cần ưu tiên bảo vệ trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường.
Bác sĩ Phạm Lương Tri (Bệnh viện Vũng Tàu) kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân COVID-19. |
Đối tượng dễ bị COVID-19 nặng
Bà L.T.P. (87 tuổi, ở xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc) đã điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Bà Rịa hơn 2 tuần nay. Khi mới nhập viện, bà có nhiều biểu hiện như: khó thở, người tím tái, hôn mê, phổi bị tổn thương, đờm nhiều. Không chỉ cao tuổi, bà P. còn có nhiều bệnh nền nặng như: suy thận, đái tháo đường, tăng huyết áp. Trong thời gian điều trị, bà P. được thở máy, chích thuốc điều trị COVID-19 và chăm sóc tích cực. Hiện nay, bà đã hết hôn mê nhưng vẫn chưa được tỉnh táo, nhân viên y tế vẫn phải theo dõi chặt chẽ.
Hay như trường hợp ông T.Đ.N. (79 tuổi, phường 8, TP.Vũng Tàu) bị suy thận giai đoạn cuối, huyết áp cao. Do vậy, khi nhiễm thêm COVID-19 khiến sức khỏe của ông bị suy giảm mạnh. Ông phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Vũng Tàu hơn 1 tuần nay. Ông N., được cho thở oxy mũi; chích kháng sinh, kháng viêm, kháng đông máu. Đến nay, tình trạng sức khỏe của ông có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do bệnh nhân cao tuổi và có bệnh nền nặng nên đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Vũng Tàu đang nỗ lực chăm sóc và điều trị cho người bệnh.
Theo các bác sĩ, hầu hết các bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền, nhiễm COVID-19 mức độ nặng bội nhiễm phổi, có trường hợp còn bị béo phì và hệ miễn dịch suy giảm. Đây là những yếu tố thúc đẩy, làm gia tăng nguy cơ mắc COVID-19 nặng.
Dù ca bệnh đã tăng trở lại nhưng các bệnh viện trên địa bàn tỉnh không còn bối rối trong điều trị COVID-19 như thời gian dịch mới bùng phát. Bởi, hiện nay nhân viên y tế đã có nhiều kinh nghiệm điều trị bệnh nhân COVID-19, cũng như có thuốc điều trị. Đến nay, các bệnh viện đã chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc men… sẵn sàng tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.
Người già và người có bệnh nền là đối tượng nguy cơ dễ bị nhiễm COVID-19 nặng nên cần tuân thủ nghiêm các biện pháp, phòng chống dịch. Trong ảnh: Nhân viên y tế của Trạm Y tế phường 5 (TP.Vũng Tàu) tiêm mũi 4 vắc xin phòng COVID-19 cho người dân. |
Ưu tiên bảo vệ nhóm nguy cơ
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khi liên tục xuất hiện các biến thể mới, có tốc độ lây lan nhanh, mọi đối tượng đều có khả năng bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, người trên 50 tuổi, đặc biệt là trên 65 tuổi và người có bệnh nền là đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cần được ưu tiên bảo vệ nhằm hạn chế mắc COVID-19 cũng như giảm khả năng bệnh diễn biến nặng và tử vong.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, người thuộc nhóm nguy cơ cao cần phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như: thường xuyên rửa tay; chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết; khi ra khỏi nhà, phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người khác; hạn chế đến nơi đông người; tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ và đúng lịch. Người thân, người chăm sóc đối tượng nguy cơ cao cũng phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Trong đó tuân thủ 2K (khẩu trang, khử khuẩn), tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ và đúng lịch; đeo khẩu trang khi chăm sóc, tiếp xúc với người nguy cơ cao, sát khuẩn trước và sau khi chăm sóc; khi có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 cần phải tự test nhanh, khai báo với cơ sở y tế địa phương để được hướng dẫn, cách ly, điều trị.
Trung bình trong 7 ngày qua, toàn tỉnh ghi nhận 45 ca COVID-19/ngày. Sau 4 tháng không có ca tử vong, ngày 15/8 đã có 1 trường hợp tử vong tại Bệnh viện Bà Rịa. Đây là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền, được điều trị tích cực với các phương pháp tối ưu nhất như: Đặt nội khí quản, thở máy nhưng cũng không qua khỏi. Đến ngày 16/8, Bệnh viện Bà Rịa và Bệnh viện Vũng Tàu đang điều trị cho 16 bệnh nhân nhiễm COVID-19, trong đó có 8 ca nặng. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có hơn 340 ca bệnh đang điều trị tại nhà. |
Bác sĩ Phạm Lương Tri, Khoa Nhiễm (Bệnh viện Vũng Tàu) cho rằng, một bộ phận người dân, nhất là người trẻ tuổi có tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch COVID-19. Trong khi đó, thời gian gần đây nhiều biến thế mới đã xuất hiện và xâm nhập vào nước ta, với tốc độ lây lan nhanh đã khiến cho số lượng ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại. Do đó, mọi người cần nâng cao ý thức và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
“Người trẻ tuổi cần có trách nhiệm bảo vệ người lớn tuổi, nhất là những người thân của mình. Khi đến vùng có dịch, hoặc có biểu hiện về hô hấp thì không nên tiếp xúc với người cao tuổi, người bị bệnh nền, nếu tiếp xúc thì cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn. Nếu có biểu hiện của bệnh thì phải làm xét nghiệm, phát hiện bệnh sớm, để cách ly, điều trị kịp thời, không làm lây lan dịch bệnh”, bác sĩ Phạm Lương Tri nói thêm.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG