.
DI DỜI HỘ DÂN LẤN CHIẾM RA KHỎI KHU BẢO TỒN BÌNH CHÂU-PHƯỚC BỬU

Sẽ tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn

Cập nhật: 19:06, 16/08/2022 (GMT+7)

Cơ quan chức năng và địa phương sẽ tổ chức gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các hộ dân lấn chiếm đất rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc) để vận động họ di dời ra khỏi khu vực, khôi phục lại hiện trạng và bảo vệ, phát triển rừng.

Căn nhà của ông Nguyễn Văn Yến xây dựng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.
Căn nhà của ông Nguyễn Văn Yến xây dựng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.

880 hộ dân lấn chiếm 1.747 ha đất rừng

Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu (gọi tắt là khu bảo tồn), tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp mà đơn vị đang quản lý, bảo vệ là hơn 10.880 ha, nằm ở 5 xã, thị trấn thuộc huyện Xuyên Mộc.

Từ trước năm 1978 đến nay, hơn 880 hộ dân (trong đó, 81% hộ ngụ tại xã Bình Châu) đã lấn chiếm đất rừng khu bảo tồn với diện tích khoảng 1.747 ha (chiếm 15% diện tích khu bảo tồn) để trồng các loại cây nông nghiệp, công nghiệp, cây ăn trái. Trong khu bảo tồn có khoảng 20 căn nhà cấp 4 và một số chòi tạm chứa vật dụng và nông sản khi thu hoạch.  Mặc dù cơ quan chức năng thời gian qua đã tổ chức tuyên truyền, lấy ý kiến cũng như ra thông báo tới các hộ dân đang lấn chiếm về việc di dời ra khỏi đất rừng khu bảo tồn nhưng tỷ lệ đồng thuận rất thấp.

Năm 1985, gia đình ông Nguyễn Văn Yến (SN 1953, ngụ tổ 8, ấp khu 1, xã Bình Châu) từ TT. Phước Bửu tới khu bảo tồn sinh sống và làm rẫy trên diện tích 1ha. “Tôi sẽ di dời ra khỏi khu vực rừng nếu nhà nước yêu cầu đồng thời mong muốn các cấp chính quyền địa phương bố trí tái định cư (TĐC) cho gia đình tôi”, ông Yến nói.

Còn bà Nguyễn Thị Nhớ (cùng ngụ tổ 8, ấp khu 1, xã Bình Châu) cho biết, năm 1993, gia đình bà mua giấy tay một phần diện tích đất của một người dân địa phương. Từ đó đến nay, gia đình bà khai phá thêm để trồng xoài, nhãn và diện tích hơn 12,2ha. “Mỗi năm thu hoạch từ nhãn và xoài trên mảnh đất là hơn 1 tỷ đồng. Giờ phải di dời gia đình tôi sẽ rất khó khăn”, bà Nhớ nói.

Hơn 880 hộ dân đã lấn chiếm đất rừng khu bảo tồn để trồng cây ăn quả, cây công nghiệp.
Hơn 880 hộ dân đã lấn chiếm đất rừng khu bảo tồn để trồng cây ăn quả, cây công nghiệp.

Tháo gỡ khó khăn, bảo đảm hài hòa lợi ích 

Nhằm khắc phục tình trạng lấn chiếm đất rừng, Ban Quản lý Khu bảo tồn đã xây dựng đề án “Ngăn chặn, khắc phục tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu giai đoạn 2018-2022”. HĐND tỉnh đã chấp thuận bổ sung danh mục 2 dự án thuộc đề án này, là: di dời, TĐC các hộ đang cư trú trong đất rừng đặc dụng khu bảo tồn, bao gồm các nội dung bồi thường, hỗ trợ, TĐC cho các hộ dân sử dụng đất ổn định; ổn định đời sống cho các hộ dân sử dụng đất lấn chiếm rừng và xây dựng hạ tầng tái định cư với tổng vốn đầu tư hơn 641 tỷ đồng. Dự án thứ hai là xây dựng hàng rào bảo vệ rừng với số tiền khoảng 64 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, đến nay việc di dời người dân ra khỏi rừng phòng hộ tại khu bảo tồn vẫn chưa thực hiện được do vướng một số khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030. Hiện Ban Quản lý Khu bảo tồn đang tham mưu Sở NN-PTNT xây dựng chính sách hỗ trợ, di dời các hộ dân đang cư trú, canh tác trong khu bảo tồn để làm cơ sở thực hiện di dời.

UBND huyện Xuyên Mộc đã tiến hành xây dựng khu tái định cư với diện tích khoảng 15 ha tại Ql55, xã Bình Châu để chuẩn bị cho công tác di dời hộ dân lấn chiếm đất rừng trong khu bảo tồn.

Theo ông Trần Văn Trãi, Phó Phòng Khoa học, Du lịch sinh thái và Hợp tác quốc tế - Ban Quản lý Khu bảo tồn, từ tháng 10/2020, Khu bảo tồn đã triển khai xây dựng hàng rào bảo vệ rừng và đã xây dựng được 12km trên tổng số hơn 41km và 2,5km/22,4km đường tuần tra phòng cháy chữa cháy rừng. Tuy nhiên, dự án phải tạm dừng thi công do các hộ dân đang canh tác trên tuyến hàng rào bảo vệ rừng và đường tuần tra ngăn cản không cho thi công. 

Ông Trãi cho biết thêm, địa phương và Ban quản lý Khu bảo tồn cũng thường xuyên tuyên truyền vận động người dân thực hiện việc di dời ra khỏi rừng khu bảo tồn. Tuy nhiên, nhiều người có ý kiến trái chiều và hầu hết không hợp tác. Một số đồng ý thì yêu cầu nhà nước phải đền bù, hỗ trợ thỏa đáng.

Hiện Ban quản lý Khu bảo tồn đã xây dựng kế hoạch phối hợp UBND huyện Xuyên Mộc tổ chức hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các ý kiến, nguyện vọng và đối thoại trực tiếp với các hộ dân đang canh tác, sinh sống trong khu bảo tồn nhằm tháo gỡ khó khăn, bảo đảm hài hòa lợi ích đôi bên. Thông qua buổi đối thoại, Ban Quản lý sẽ thông báo về các chính sách hỗ trợ mà người dân sẽ nhận được sau khi di dời ra khỏi rừng như: tùy từng vị trí và năm canh tác các hộ dân sẽ được nhận hỗ trợ về cây trồng, vật nuôi, vật kiến trúc có trên đất, hỗ trợ TĐC, sau khi di dời ra khỏi rừng người dân có thể làm đơn xin nhận khoán bảo vệ rừng.

“Chúng tôi hy vọng sau cuộc gặp gỡ, đối thoại sẽ tạo sự đồng thuận ủng hộ của người dân. Từ đó, việc di dời các hộ dân lấn chiếm sẽ sớm được triển khai, giúp khu bảo tồn khôi phục và phát huy chức năng phòng hộ ven biển, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học”, ông Trãi nhấn mạnh

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

 
.
.
.