Điều trị thoát vị bẹn bằng phẫu thuật nội soi
Phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn là phương pháp ít xâm lấn, độ chính xác cao nên người bệnh ít mất máu, ít đau sau phẫu thuật, sẹo thẩm mỹ, thời gian nằm viện ngắn, phục hồi nhanh. Vì vậy, phẫu thuật này là phương pháp được ưu tiên áp dụng cho người bị thoát vị bẹn.
Thoát vị bẹn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu bị “nghẹt”, nghĩa là tạng thoát vị không thể chui trở vào ổ bụng, gây phù nề, diễn tiến thiếu máu nuôi, nhiễm trùng, hoại tử.
Phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn tại Bệnh viện Bình Dân. |
Nguyên nhân thoát vị bẹn
Theo BS.CKI Nguyễn Quốc Sơn, khoa Ngoại Tổng quát, Bệnh viện Bình Dân, thoát vị bẹn là tình trạng các tạng trong ổ bụng, thường gặp là ruột, không nằm ở vị thí thông thường mà chui qua ống bẹn hay qua điểm yếu tự nhiên của thành bụng vùng trên nếp bẹn tạo thành một khối nhô ra lên ở vùng bụng hay xuống bìu. Vì vậy, thoát vị bẹn là một trong những bệnh lý ngoại khoa thường gặp.
Tuổi tác cũng làm tăng nguy cơ thoát vị bẹn do các cân cơ ở thành bụng yếu dần đi.
Người dân cũng cần lưu ý một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị thoát vị bẹn như di truyền, giới tính nam, ho hay táo bón mãn tính, hút thuốc lá, phụ nữ có thai, trẻ sinh non, gặp chấn thương vùng bẹn.
Triệu chứng
Hầu hết thoát vị bẹn không có triệu chứng gì cho đến khi bệnh nhân phát hiện khối phồng ở vùng bẹn. Một số ít bệnh nhân có thể mô tả là bị đau và có khối phồng ra ở vùng bụng, bẹn khi nâng một vật nặng hay khi rặn. Tình trạng đau, phồng có thể giảm khi người bệnh nằm nghỉ ngơi. Thoát vị bẹn cũng có thể được phát hiện tình cờ khi thăm khám sức khỏe qua siêu âm.
Nhiều trường hợp, người bệnh chỉ đến bệnh viện khi có triệu chứng cấp cứu như buồn nôn, nôn, chướng đau bụng, không đánh hơi, không đi cầu được. Lúc này, rất có thể bệnh nhân đã trong tình trạng khối thoát vị bị nghẹt, không thể chui trở vào ổ bụng.
- Vùng bẹn là một vùng yếu tự nhiên của thành bụng, đây là vị trí hay bị thoát vị nhất, chiếm khoảng 75% các trường hợp thoát vị thành bụng.
- Trẻ sơ sinh có thể bị thoát vị bẹn nếu ống phúc tinh mạc không đóng lại hoàn toàn, tạo thành một điểm yếu trên thành bụng. Ống phúc tinh mạc chỉ có ở nam giới, nên bé trai có nguy cơ bị thoát vị bẹn cao hơn nữ.
- Phụ huynh cần quan sát các bé trai kỹ, nếu thấy trẻ có một khối sưng phồng bất thường ở vùng bẹn – bìu, to lên khi vận động mạnh, chơi nhiều hoặc quấy khóc, có thể xẹp xuống khi bé nằm ngủ thì cần đưa trẻ đi khám sớm.
|
Cần phẫu thuật sớm để ngăn ngừa biến chứng
Thoát vị bẹn có thể không gây đau, nhưng nếu như khối thoát vị bị kẹt, nghẹt thì cần được can thiệp phẫu thuật.
Thoát vị kẹt do tạng thoát vị thường xuyên trồi ra ngoài và dính vào mô xung quanh, không thể trở lại ổ bụng nữa. Lúc này bệnh nhân sẽ khó chịu nhiều hơn và có nguy cơ chấn thương tạng thoát vị do khối thoát vị không được thành bụng bảo vệ.
Thoát vị nghẹt là khối thoát vị không di chuyển trở lại ổ bụng được. Nếu không được phẫu thuật kịp thời sẽ dễ dấn đến nguy cơ hoại tử ruột do phù nề, thiếu máu nuôi vô cùng nguy hiểm. Bác sĩ Nguyễn Quốc Sơn cho biết thêm: Nếu gặp tình trạng thoát vị nghẹt, người bệnh nên được kịp thời phẫu thuật trong vòng 4-6 tiếng kể từ khi khởi phát cơn đau để tránh nguy cơ hoại tử ruột, gây nguy hiểm tính mạng và điều trị phức tạp, kéo dài hơn, phải cắt bỏ đoạn ruột hoại tử. Ngoài ra, việc phẫu thuật trễ còn gây cản trở việc đặt lưới tiền phúc mạc nhằm mục đích gia cố vùng bẹn, giảm nguy cơ thoát vị tái phát.
Thoát vị bẹn tuy không khó chữa, nhưng cũng không thể tự khỏi. Do đó, bệnh nhân cần được thực hiện phẫu thuật thoát vị bẹn sớm để ngăn ngừa biến chứng.
Ưu điểm của phẫu thuậtnội soi điều trị thoát vị bẹn
Phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn là một trong hai phương pháp phẫu thuật thoát vị bẹn cơ bản (phẫu thuật mở và phẫu thuật nội soi). Nhờ có các ưu điểm vượt trội, phẫu thuật thoát vị bẹn nội soi hiện nay đã dần thay thế phương pháp mổ mở truyền thống.
Phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn có ưu điểm là ít xâm hại, độ chính xác cao, sẹo thẫm mỹ (bằng đầu đũa), ít đau, nguy cơ nhiễm trùng thấp, thời gian nằm viện ngắn, thời gian phục hồi nhanh, ít mất máu, tỉ lệ tái phát tương đối thấp.
Đối với những trường hợp người bệnh bị thoát vị bẹn tái phát mà lần trước đã áp dụng phương pháp mổ mở thì phẫu thuật nội soi là cách tiếp cận dễ dàng, an toàn và triệt để hơn trong điều trị và giúp giảm nguy cơ tái phát cho bệnh nhân.
Ngoài ra, phương pháp phẫu thuật nội soi kết hợp đặt lưới ngoài phúc mạc còn có thể điều trị và phòng ngừa được những thoát vị khác ở bùng bẹn như thoát vị đùi…
Bài, ảnh: TRẦN NHUNG