Trẻ béo phì dễ bị sốt xuất huyết nặng
Sốt xuất huyết (SXH) được đánh giá là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt với trẻ em. Trong đó, trẻ thừa cân, béo phì có nguy cơ làm bệnh trở nặng, khó điều trị và dễ mắc các biến chứng nặng hơn so với những trẻ bình thường.
Bé T.A. ở đường Trần Xuân Độ (TP.Vũng Tàu) được bác sĩ Khoa Nhi (Bệnh viện Vũng Tàu) kiểm tra sức khỏe sau khi bị sốc SXH 2 lần. |
Bệnh nặng vì chủ quan
Mới 6 tuổi nhưng bé T.A. (Trần Xuân Độ, TP.Vũng Tàu) đã hơn 30kg. Cuối tháng 6 vừa qua, bé có biểu hiện sốt cao từng cơn, mệt mỏi nên được gia đình đưa đến khám tại một cơ sở y tế tư nhân, nhưng bác sĩ chẩn đoán không đúng bệnh. Mấy ngày sau đó, bé vẫn tiếp tục sốt cao, ói nhiều, chân tay lạnh nên gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện Vũng Tàu và được chỉ định nhập viện điều trị tại Khoa Nhi. Lúc này, bé đã có dấu hiệu cảnh báo SXH nặng.
Điều trị tại bệnh viện đến ngày thứ 3 nhưng bé T.A. vẫn không hạ sốt mà còn ói nhiều và liên tục, đau bụng, tay chân lạnh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹp. Bác sĩ chẩn đoán bé bị sốc SXH và phải chuyển vào Phòng Hồi sức cấp cứu (ICU) của Khoa Nhi để điều trị và chăm sóc tích cực. Sau khi điều trị ổn định được 1 ngày, bé lại rơi vào tình trạng sốc SXH lần 2. Bác sĩ đã truyền dịch chống sốc cho bé T.A. thở máy không xâm lấn và đặt ống thông vào tĩnh mạch trung tâm. Nhờ được cấp cứu tích cực và kịp thời nên sức khỏe của bé từng bước hồi phục.
Bác sĩ Lê Văn Phúc (Khoa Nhi, Bệnh viện Vũng Tàu) cho hay, bé T.A. béo phì nên trở thành một trong những yếu tố thúc đẩy bệnh trở nặng nhanh hơn. Bên cạnh đó, người nhà còn thiếu hiểu biết về SXH nên chủ quan về sức khỏe của con, đưa con đi khám trễ cũng góp phần làm cho bệnh tình bé T.A. diễn biến nặng.
Trường hợp bé T.A. không phải là ca béo phì duy nhất bị sốc SXH được ghi nhận tại Khoa Nhi (Bệnh viện Vũng Tàu) từ đầu năm đến nay. Chỉ tính riêng trong 2 tháng 5 và 6/2022, khoa này đã có 45 trường hợp trẻ em bị SXH nặng, trong đó có 22 em thừa cân, béo phì.
Không những vậy, 1 trong số 3 trường hợp đã tử vong của tỉnh do SXH cũng là trẻ em và béo phì. Vì thế, trẻ thừa cân, béo phì bị SXH phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra đối với những đối tượng này.
Theo bác sĩ Lê Thị Thu Trang, dịch SXH trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH để con không bị nhiễm bệnh. Cha mẹ cần theo dõi cân nặng, chiều cao, duy trì chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý cho trẻ để phòng tránh thừa cân, béo phì. Trẻ dư cân, béo phì khi mắc SXH cần được cha mẹ theo dõi chặt chẽ, đưa trẻ tái khám đúng hẹn. Những trẻ có yếu tố thừa cân, béo phì cần được ưu tiên nhập viện ngay cả khi trẻ chưa có dấu hiệu cảnh báo như: đau bụng, nôn ói nhiều, hoặc xuất huyết.
|
Vì sao trẻ béo phì dễ bị SXH nặng?
Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận trẻ dư cân, béo phì dễ sốc và diễn biến SXH nặng hơn trẻ có cân nặng bình thường. Bởi những trường hợp trẻ dư cân, béo phì khi cơ thể bị SXH tấn công sẽ có phản ứng nhiều hơn và mạnh hơn so với những trẻ bình thường khác. Mặt khác, trẻ béo phì dễ bị rối loạn chuyển hóa dẫn đến nhiều biến chứng nặng có thể xảy ra như: suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, thận…
Bác sĩ Lê Thị Thu Trang (Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Vũng Tàu) phân tích, khi bị SXH, trẻ sẽ thất thoát huyết tương nhiều dẫn tới tình trạng sốc. Trong trường hợp đã xảy ra sốc thì ngay cả trên những trẻ bình thường quá trình điều trị cũng gặp khó khăn. Riêng những trẻ SXH có cơ địa thừa cân, béo phì, việc điều trị khó khăn hơn rất nhiều.
Trong điều trị sốc SXH ở nhóm bệnh nhi không thể truyền bù lượng dịch theo trọng lượng cơ thể hiện tại. Làm như vậy sẽ dẫn đến quá tải dịch. Thay vào đó, các bác sĩ sẽ dựa vào cân nặng, chiều cao, giới tính của mỗi bệnh nhân để hiệu chỉnh lượng dịch truyền phù hợp. Ngoài ra, những trẻ dư cân, béo phì sẽ dễ bị khó thở, suy hô hấp khiến cho quá trình điều trị mất nhiều thời gian, công sức, gian nan và gây áp lực cho đội ngũ y, bác sĩ.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG