.

Băn khoăn về cách tính điểm ưu tiên xét tuyển ĐH

Cập nhật: 19:31, 01/07/2022 (GMT+7)

Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, từ năm 2023, thí sinh đạt 22,5 điểm trở lên khi xét tuyển ĐH (kể cả xét kết quả thi tốt nghiệp THPT) không được cộng tối đa điểm ưu tiên. Với cách tính mới này, điểm xét tuyển của thí sinh càng vượt xa mốc 22,5 điểm thì mức điểm ưu tiên nhận được càng giảm. Và trong trường hợp đạt 30 điểm sẽ không còn được cộng điểm ưu tiên.

Thí sinh huyện Côn Đảo dự thi THPT năm 2021. Ảnh: CƯỜNG TRẦN
Thí sinh huyện Côn Đảo dự thi THPT năm 2021. Ảnh: CƯỜNG TRẦN

Điểm ưu tiên để hướng đến sự bình đẳng

Quy định cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh ĐH đã tồn tại ở Việt Nam từ hàng chục năm nay. Hiện có hai diện ưu tiên trong xét tuyển ĐH, đó là ưu tiên khu vực (cộng 0,25-0,75 điểm) và ưu tiên đối tượng chính sách (1-2 điểm). Một thí sinh có thể được cộng tối đa 2,75 điểm ưu tiên.

Mục đích của quy định này là nhằm tạo cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH cho những thí sinh đến từ những khu vực khó khăn về kinh tế hoặc thuộc diện gia đình chính sách, góp phần giảm thiểu sự bất bình đẳng cho nhóm thí sinh yếu thế.

Thế nhưng, chính sách tồn tại hàng thập kỷ ấy đến nay đã bộc lộ những điểm bất hợp lý.

Trong tuyển sinh, thang điểm tuyệt đối trong xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT là 30 điểm/3 môn. Nhưng đến năm 2021, nhiều ngành như Sư phạm Ngữ văn của ĐH Hồng Đức lấy 30,5 điểm khối C, ngành Hàn Quốc của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) lấy 30 điểm khối C, ngành Xây dựng lực lượng của Học viện Chính trị CAND lấy 30,34 điểm khối C với nữ.

Nghịch lý được tạo nên bởi một nhóm thí sinh sau khi cộng điểm ưu tiên thì tổng điểm đã vượt “ngưỡng” 30 điểm. Khiến cho những thí sinh có thực lực, dù có đạt được 30 điểm tuyệt đối cũng đành phải ngậm ngùi “chịu thua”.

Bên cạnh những chính sách trong tuyển sinh, cần có những giải pháp căn cơ hơn nhằm rút ngắn khoảng cách về giáo dục giữa các vùng miền, giữa các nhóm thí sinh. Có thể kể đến những chính sách, dự án, chương trình nhằm tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học, chất lượng đội ngũ, chương trình, tài liệu giảng dạy… cho những địa phương khó khăn, trang bị phương tiện học tập cho những em HS nghèo, như đề án “Phát triển giáo dục THPT” hay chương trình “Sóng và máy tính cho em” mà Bộ GD-ĐT đã triển khai, hoặc các chương trình tài trợ học bổng, miễn giảm học phí, tín dụng HS-SV hay chính sách thu hút, giữ chân GV giỏi ở những địa bàn khó khăn…

Cách tính điểm mới và thực tế

Trước thực tế đó, năm 2022, Bộ GD-ĐT đã quyết định “tính lại” điểm cộng ưu tiên theo công thức mới, vừa căn cứ vào khu vực đối tượng ưu tiên, vừa tính theo mức điểm mà thí sinh đạt được. Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, điều chỉnh này nhằm tránh hiện tượng hơn 30 điểm vẫn trượt ĐH, tạo công bằng ở nhóm thí sinh điểm cao khi cạnh tranh vào các ngành, trường top đầu.

Với cách tính này, sẽ không còn thí sinh trên 30 điểm. Thế nhưng, thực sự đã mang đến sự bình đẳng?.

Điểm ưu tiên nhằm khích lệ thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế. Thế nhưng, theo cách tính điểm cộng ưu tiên mới, thí sinh có tố chất, có sự nỗ lực cao hơn trong học tập lại phải chịu thiệt. Sẽ có những trường hợp, những thí sinh cùng là đối tượng ưu tiên nhưng khi vượt qua “ngưỡng” 22,5 bị “cắt xén” điểm.

Từ năm 2023, Bộ GD-ĐT sẽ áp dụng công thức mới để tính điểm ưu tiên cho thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Trong ảnh: Thí sinh nghe phổ biến quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại điểm thi THPT Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu). Ảnh: KHÁNH CHI
Từ năm 2023, Bộ GD-ĐT sẽ áp dụng công thức mới để tính điểm ưu tiên cho thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Trong ảnh: Thí sinh nghe phổ biến quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại điểm thi THPT Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu). Ảnh: KHÁNH CHI

Cần đầu tư nhiều hơn cho giải pháp căn cơ

Bộ GD-ĐT khẳng định, việc thay đổi công thức tính điểm ưu tiên nhằm giải quyết tình trạng thí sinh điểm tuyệt đối vẫn trượt ĐH. Gốc rễ của vấn đề này không nằm ở điểm cộng ưu tiên, mà là do đề thi thiếu tính phân hóa.

Trước đây, khi tuyển sinh ĐH-CĐ vẫn là kỳ thi độc lập, chưa bao giờ có những “cơn mưa điểm 10”, bởi đề thi khi đó có sự phân hóa, chọn lọc rất cao.

Cũng khó tránh, khi mà kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay là kỳ thi 2 trong 1: vừa xét tốt nghiệp, vừa phục vụ xét tuyển ĐH. Nên chăng, ngành giáo dục hãy giao lại việc xét tốt nghiệp cho các địa phương, các trường THPT và tập trung xem xét lại phương án tuyển sinh ĐH, CĐ để bảo đảm chọn lựa được những thí sinh ưu tú nhất.

Còn về chính sách cộng điểm ưu tiên, có thể áp dụng các chính sách khác như ưu tiên xét tuyển cho thí sinh thuộc nhóm yếu thế khi có nhiều thí sinh cùng đạt và vượt mức điểm chuẩn.

Các trường ĐH cũng có thể dành một tỷ lệ nhất định cho những thí sinh thuộc nhóm yếu thế. Ngoài ra, ngành giáo dục cũng có thể tham khảo cách làm của các quốc gia trên thế giới. Đơn cử như tại ĐH Quốc gia Úc (ANU) có chương trình cộng điểm ưu tiên cho những HS đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc gia, hoặc các thí sinh vượt khó. Số điểm cộng thêm cao nhất là 10 trên thang điểm 100. Mỗi môn thi hoặc hoàn cảnh khó khăn tương ứng với số điểm cộng khác nhau.

Ví dụ, thí sinh thuộc diện khó khăn tài chính được cộng 2 đến 5 điểm, lục đục gia đình cộng 5 điểm... Tuy nhiên, để hưởng chính sách ưu tiên, ngoài việc đạt thứ hạng ATAR (thước đo thứ hạng giữa các HS cùng thi một kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Úc) cao, thí sinh phải nộp đơn đăng ký và phỏng vấn thành công…

HẢI BÌNH

.
.
.