Xây dựng Ngôi nhà an toàn cho trẻ
Từ ý thức và những việc làm nhỏ, nhiều gia đình đã xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ. Đó là hiệu quả từ mô hình “Ngôi nhà an toàn”, góp phần giảm tai nạn thương tích đáng tiếc cho trẻ.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, công chức VH-XH phường 8, TP. Vũng Tàu (phải) nhắc nhở, hướng dẫn chị Bùi Thúy Loan (183/2, Bình Giã) cất các vật dụng, dây cắm điện xa tầm tay trẻ để bảo đảm an toàn. |
An toàn từ những chi tiết nhỏ
Chung cư Seaview 2, phường 10, TP. Vũng Tàu là nơi sinh sống của hơn 800 hộ dân, trong đó, có gần 300 trẻ em. Để bảo đảm an toàn, BQL chung cư đã rà soát, lắp đặt cửa kính, song sắt tại cầu thang thoát hiểm, cửa sổ, khu lấy gió nhà cao tầng. Ban công ở sảnh chung và ban công các căn hộ đều được lắp đặt song sắt chắc chắn, an toàn.
Ngôi nhà an toàn phải bảo đảm trong năm không có trẻ em bị tai nạn thương tích tại nhà và phải đạt 23/33 tiêu chí, trong đó có 15 tiêu chí bắt buộc. Cụ thể là: Cửa, cổng, hàng rào chắc chắn, độ cao phù hợp với lứa tuổi trẻ em; Cửa sổ có song chắn, thanh dọc chắc chắn và khoảng cách bảo đảm trẻ không chui qua được; có móc áp sát vào tường để trẻ khi chạy nhảy không va quệt; Cửa phòng phải có dụng cụ chặn khe cửa để trẻ không bị kẹt tay khi đóng, mở cửa; bếp có cửa ngăn và có khóa để trẻ dưới 6 tuổi không tiếp xúc được với bếp lửa, bình ga; bảo đảm an toàn về điện; cầu thang có lan can, tay vịn; bậc cầu thang có chiều cao, bề mặt rộng an toàn; phích nước có hộp đựng hoặc dây đai giữ. |
Các gia đình có con nhỏ cũng nâng cao ý thức bảo vệ trẻ để tránh xảy ra tai nạn, thương tích. Nhà có 2 con nhỏ nên anh Nguyễn Thanh Nam, ở chung cư Seaview 2, phường 10, TP. Vũng Tàu làm song sắt chắn cửa ban công căn hộ, bảo đảm đúng quy định. “Tôi hay đóng cửa ra lối thoát hiểm, đóng cửa lối ra cầu thang bộ mỗi lúc con chơi ở hàng lang. Mới đây, BQL chung cư đã lắp đặt thẻ từ, vừa hạn chế được người lạ vào chung cư và để các cháu vui chơi an toàn hơn”, anh Nam cho biết.
Còn chị Bùi Thúy Loan (183/2, Bình Giã, phường 8, TP. Vũng Tàu) luôn luôn cất dao, kéo ngoài tầm với của con trai Trần Bảo Long, 6 tuổi. Các dây điện, ổ điện cũng lắp đặt ở vị trí an toàn, gọn gàng hơn sau khi được chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, công chức VH-XH phường 8 xuống hướng dẫn về thực hiện tiêu chí “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ. “Hằng năm, cán bộ phường đều xuống tận nhà hướng dẫn, kiểm tra, góp ý tôi việc cất các vật dụng sắc nhọn cẩn thận, ổ điện phải che chắn an toàn hoặc lắp xa tầm tay trẻ em. Hằng ngày, vợ chồng tôi luôn ý thức, nhắc nhau phải cận thận, đồng thời, nhắc nhở con trai không được sờ vào ổ điện, dây cắm điện để bảo đảm an toàn”, chị Loan nói.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết: Hằng năm, cán bộ phường cùng 12 CTV làm công tác trẻ em ở 6 khu phố đều đến rà soát, khảo sát khoảng 2.500 hộ gia đình có trẻ nhỏ để hướng dẫn họ xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ. Đối với các ngôi nhà đã bảo đảm các tiêu chí an toàn, phường vẫn tiếp tục rà soát lại theo kế hoạch hằng năm.
Hướng đến mục tiêu bảo vệ trẻ
Hầu hết các bậc cha mẹ đã rất ý thức về xây dựng ngôi nhà bảo đảm an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, với nhiều lý do, các hệ thống điện, nước, cầu thang, bố trí các vật dụng trong nhà vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Thực tế, không ít vụ tai nạn thương tích xảy ra, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của trẻ, mà nguy cơ có khi từ chính ngôi nhà trẻ đang sống.
Theo Sở LĐTBXH, toàn tỉnh hiện có hơn 258 ngàn trẻ em. Năm 2021, trên toàn tỉnh có 3.801 trẻ em bị em bị tai nạn thương tích, chiếm 1,4% dân số trẻ em. Trong đó, có 6 em tử vong do đuối nước, 1 tử vong do tai nạn giao thông, 1 em tử vong do té ngã và 1 em tử vong do điện giật.
Số hộ gia đình được công nhận đạt tiêu chí “Ngôi nhà an toàn” ngày càng tăng, từ 102.819, đạt 78% vào năm 2015 tăng lên hơn 121.100 hộ, đạt 91% năm 2021. Trong thời gian tới, các huyện, thị, thành phố tiếp tục duy trì thực hiện mô hình đối với các hộ mới phát sinh và kiểm tra, giám sát đối với các hộ đã được kiểm định công nhận để bảo đảm an toàn cho trẻ.
|
Để bảo vệ trẻ em, năm 2011, UBDN tỉnh đã ban hành Quyết định 1881/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện tiêu chí Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Ngôi nhà an toàn). Những năm qua, các huyện, thị, thành phố, xã, phường đều duy trì triển khai thực hiện mô hình Ngôi nhà an toàn cho các hộ gia đình có trẻ em dưới 16 tuổi. Hằng năm, công chức VH-XH kiêm phụ trách trẻ em phường, xã và các CTV làm công tác trẻ em tại khu phố, thôn, ấp đến từng hộ gia đình có trẻ em dưới 16 tuổi khảo sát và chấm điểm theo các tiêu chí của “Ngôi nhà an toàn”. Qua đó, kịp thời phát hiện, hướng dẫn các gia đình cải tạo hoặc loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ. Với những ngôi nhà đạt các tiêu chí an toàn được cấp giấy công nhận “Ngôi nhà an toàn” phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Với các hộ gia đình chưa đạt, cán bộ tiếp tục vận động để người dân tạo môi trường sống an toàn cho trẻ. Ngoài ra, trong các buổi sinh hoạt tổ dân cư, khu phố, cán bộ phường, CTV linh hoạt lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn các phụ huynh cách phòng, tránh các nguy cơ gây tai nạn, thương tích trẻ em tại gia đình; phát tờ rơi, tờ gấp cảnh báo về các nguy cơ và cách phòng ngừa, bảo vệ trẻ trước các nguy cơ tai nạn, thương tích.
Bài, ảnh: THI PHONG