.

Mắc cả sốt xuất huyết và tay chân miệng, cần điều trị bệnh nào trước?

Cập nhật: 19:53, 13/06/2022 (GMT+7)

Theo các bác sĩ, quá trình điều trị cho trẻ đồng nhiễm tay chân miệng và sốt xuất huyết rất khó khăn do thuốc dùng để điều trị cho bệnh tay chân miệng (TCM) lại không được phép sử dụng trong điều trị bệnh sốt xuất huyết (SXH).

Hiện đang trong mùa mưa, thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh SXH và TCM phát triển. Nguy cơ trẻ mắc cùng lúc cả 2 rất cao.

BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua bệnh viện đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhi vừa mắc TCM vừa mắc SXH. Quá trình chẩn đoán và điều trị trẻ đồng nhiễm 2 bệnh này rất khó khăn.

Trong 3 ngày đầu của bệnh rất khó để phân biệt SXH và TCM vì các dấu hiệu của 2 bệnh này tương đối giống nhau. Quá trình điều trị cho trẻ đồng nhiễm cũng gây ra không ít khó khăn cho các bác sĩ do thuốc dùng để điều trị cho bệnh TCM lại không được phép sử dụng trong điều trị bệnh SXH.

Bác sĩ Tiến giải thích: “Virus gây bệnh TCM sẽ tấn công lên hệ thần kinh trung ương khiến trẻ giật mình chới với. Vậy nên trong quá trình điều trị TCM cần sử dụng các thuốc an thần để trẻ bớt giật mình, cũng như tạo điều kiện cho não nghỉ ngơi, bên cạnh đó các bác sĩ sẽ cho trẻ dùng các loại thuốc chống viêm, hạ áp, điều hòa miễn dịch.

Trong khi đó, quá trình điều trị SXH không được phép dùng các loại thuốc an thần. Bệnh nhân mắc SXH có thể vào sốc bất cứ lúc nào và thuốc an thần sẽ che lấp đi những triệu chứng, dấu hiệu sốc, cảnh báo biến chứng, cảnh báo nặng ở trẻ. Việc bỏ sót các dấu hiệu cảnh báo có thể khiến tình trạng bệnh nhân ngày càng trở nặng, thậm chí là tử vong”.

Cần ưu tiên điều trị bệnh nào trước?

Do hướng điều trị bệnh SXH và TCM khác nhau nên nếu không có cách điều trị phù hợp dung hòa được cả 2 bệnh thì có thể khiến tình trạng bệnh nhân ngày càng xấu đi. Chính vì vậy khi tiếp nhận các ca bệnh đồng nhiễm SXH và TCM các bác sĩ cần phải hết sức chú ý tới các triệu chứng của bệnh nhân. Bên cạnh đó cần cho bệnh nhân làm thêm các xét nghiệm cần thiết để xác định tình trạng bệnh.

Cũng theo bác sĩ Tiến, nếu kết quả xét nghiệm cho thấy tiểu cầu của bệnh nhân giảm, HTC cô đặc có nghĩa là bệnh SXH đang chiếm ưu thế. Nếu bạch cầu tăng, tiểu cầu tăng thì bệnh TCM đang có diễn tiến nặng hơn. Các bác sĩ cần nhận định chính xác bệnh nào đang có xu hướng nặng hơn để ưu tiên điều trị kịp thời.

Bác sĩ Tiến cũng khuyên rằng: “Để phòng bệnh phụ huynh nên dọn dẹp nơi ở, diệt muỗi, lăng quăng, bên cạnh đó cần cho trẻ rửa tay thường xuyên, thực hiện ăn chín uống sôi, bảo đảm vệ sinh sạch sẽ các vật dụng tiếp xúc hàng ngày để phòng bệnh TCM. Đặc biệt, phụ huynh cần theo dõi trẻ cẩn thận nhằm phát hiện sớm các triệu chứng cảnh báo bệnh để điều trị kịp thời”.

Khi tiếp nhận các trường hợp đồng nhiễm, các bác sĩ phải thật thận trọng, quan sát và theo dõi trẻ mỗi giờ để nắm được tình trạng bệnh nhân. Cần lựa chọn hướng điều trị thích hợp để thuận lợi cho cả 2 bệnh, tránh hướng điều trị được lợi cho bệnh này nhưng lại bất lợi cho bệnh kia.

NGỌC CHÂU

.
.
.