TP.Vũng Tàu đang là địa phương có diễn biến sốt xuất huyết (SXH) phức tạp nhất trên địa bàn tỉnh và ghi nhận ca tử vong đầu tiên. Vì thế, các phường, xã của địa phương này đã tập trung nhiều biện pháp ứng phó với SXH.
Khi nghi ngờ nhiễm bệnh, người dân cần đến các cơ sở y tế để khám và được tư vấn điều trị kịp thời. Trong ảnh: Nhân viên y tế Khoa Nhi (Bệnh viện Vũng Tàu) kiểm tra sức khỏe cho 1 bệnh nhân nhi bị sốc SXH. |
Nhiều nguy cơ bùng phát thành dịch
Hay tin chị N.T.T., 32 tuổi và con trai 11 tuổi (ở thôn 10) cùng mắc SXH, ông Nguyễn Văn Bé Tư, Trưởng thôn cùng đoàn thể của thôn đã đến hỏi thăm sức khỏe, kết hợp vận động, tuyên truyền gia đình chị T., thực hiện dọn dẹp vệ sinh nhà sạch sẽ và phát quang bụi rậm xung quanh khu vưc gia đình sinh sống; mắc mùng và mặc quần áo dài khi ngủ. Ông Tư còn đi kiểm tra lăng quăng, đổ hết nước ở những vật dụng chứa nước và khuyên chị T., không tích trữ nước mưa trước nhà. Chị T., cho hay: “Mấy tháng nay tôi thấy nhà có nhiều muỗi. Nhà tôi ở gần bãi đất trống, môi trường ẩm ướt nên có thể mẹ con tôi bị muỗi cắn và mắc SXH”.
Theo ông Nguyễn Tiến Khoa, Trưởng Trạm Y tế xã Long Sơn, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã có hơn 330 trường hợp mắc SXH. Số ca bệnh tăng cao bắt đầu từ tháng 4 đến nay. Trạm đã xử lý 23 ổ dịch và phun khử khuẩn toàn thôn 1 (2 lần), ra quân diệt lăng quăng toàn xã vào ngày 20/5; tẩm mùng hóa chất cho 3.355 hộ dân trên địa bàn, đạt gần 81%. Trạm Y tế xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và thôn tăng cường tuyên truyền người dân dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà cửa thông thoáng, súc rửa và đậy kín những dụng cụ chứa nước nhằm không cho muỗi vào đẻ trứng. Các thôn còn thực hiện diệt lăng quăng vào thứ Bảy hàng tuần.
Sau xã Long Sơn, phường 11 là địa bàn tiếp theo ghi nhận số ca mắc SXH cao của TP.Vũng Tàu, khi đã có gần 260 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó cao điểm nhất là tháng 5 có 137 ca mắc. Đến thời điểm này số ca mắc SXH trên địa bàn phường tăng gần khoảng 10 lần với so với cùng kỳ năm ngoái (28 ca). Phường là một trong những đơn vị có tốc độ gia tăng dân số cao của TP.Vũng Tàu. Mỗi năm tăng dân số cơ học từ 8 đến 10% do sự phát triển của KCN và DN chế biến hải sản trên địa bàn.
Ông Lâm Thành Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường 11 cho biết, địa bàn phường rộng, dân cư đến tạm trú đông, di biến động nhiều, nhà trọ xây dựng không bảo đảm vệ sinh. Đó là những nguy cơ tiềm ẩn phát sinh, làm lây lan SXH trong cộng đồng, gây khó khăn cho công tác giám sát, quản lý, xử lý SXH. Hơn nữa, phường có tình trạng người dân tận dụng khu vực trồng trọt, chăn nuôi trên diện tích lớn để làm nhà tạm và sinh sống nên gặp nhiều trở ngại trong diệt lăng quăng, phòng chống SXH. “Từ tháng 5 đến nay, phường 11 đã tăng cường thông tin truyền truyền về phòng, chống SXH cho người dân. Ngoài việc phun hóa chất tại 54 ổ dịch, UBND phường và 4 khu phố còn tổ chức 5 đợt diệt lăng quăng, với hơn 11.000 hộ được vãng gia”, ông Sơn thông tin thêm.
Thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống SXH
Trước sự gia tăng và có khả năng bùng phát thành dịch SXH trên diện rộng, mới đây, TTYT TP.Vũng Tàu đã đề nghị Đảng ủy, UBND và Trạm Y tế các phường, xã tăng cường thực hiện triệt để, nghiêm túc công tác phòng, chống dịch SXH. Theo đó, TTYT TP.Vũng Tàu đề nghị các đơn vị nêu trên chỉ đạo các ban ngành, khu phố, thôn, tổ dân cư và người dân trên địa bàn chủ động thực hiện công tác tuyên truyền trên loa phát thanh hàng ngày về SXH trên toàn địa bàn, và truyền thông di động tại các nơi tập trung đông người. Trong đó, tập trung tuyên truyền về tình hình ca mắc, ca tử vong; cách phòng, chống SXH và phát hiện bệnh sớm để chữa trị kịp thời.
Các địa phương tăng cường phát hiện và phản hồi các trường hợp người bệnh tự đi khám và điều trị từ các phòng khám tư nhân hoặc trong cộng đồng, báo về trạm y tế để cập nhật kịp thời. Vẽ biều đồ tuần và chấm ca bệnh trên bản đồ khu phố để theo dõi và nhận diện tình hình ổ dịch. TTYT TP.Vũng Tàu yêu cầu các phường, xã phát động toàn phường, xã thực hiện tổng vệ sinh môi trường tuần/lần liên tục đến khi ca bệnh giảm dưới ngưỡng cho phép báo dịch; đảm bảo diệt lăng quăng đưa chỉ số BI (số dụng cụ chứa nước có lăng quăng trên tổng số nhà điều tra) và HI (số nhà có lăng quăng trên tổng số nhà điều tra) đều ≤ 20, mới có thể giảm được mật độ muỗi trên địa bàn và sự lây lan SXH. Khi xác định ổ dịch, các địa phương cần tổ chức diệt lăng quăng trong và ngoài nhà ca bệnh, khu đất trống, bãi rác tự tạo; đồng thời thông báo đến từng hộ gia đình trong địa bàn ổ dịch trước khi phun hóa chất.
Bác sĩ Phạm Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc TTYT Vũng Tàu cho biết thêm, số ca mắc SXH đang gia tăng từng ngày ở TP.Vũng Tàu. SXH chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh là chủ yếu “Mọi người không được chủ quan với dịch SXH, cần phát hiện bệnh sớm để được điều trị kịp thời, hạn chế bệnh trở nặng”, bác sĩ Hiền khuyến cáo.
Tính đến ngày 12/6, TP.Vũng Tàu đã ghi nhận 1.541 ca SXH, trong đó có trường hợp (nam giới, 22 tuổi) tử vong ở phường Nguyễn An Ninh. Phần lớn các ca bệnh tập trung ở những địa bàn có mật độ dân số cao như: Xã Long Sơn, phường 11, phường 12, phường 10. |
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG