Tiếp sức cho phụ nữ dân tộc phát triển kinh tế

Thứ Hai, 06/06/2022, 20:15 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm qua, các cấp Hội LHPN trên địa bàn huyện Châu Đức đã triển khai các giải pháp, mô hình hỗ trợ, giúp hội viên phụ nữ người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Đại diện Hội LHPN xã Bình Trung kiểm tra chuồng trại chăn nuôi của 1 thành viên trong tổ hợp tác.
Đại diện Hội LHPN xã Bình Trung kiểm tra chuồng trại chăn nuôi của 1 thành viên trong tổ hợp tác.

Trước năm 2020, gia đình bà Dương Thị Nga, người dân tộc Châu Ro (tổ 9, ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba) là hộ nghèo, không có đất sản xuất. Thu nhập của gia đình chị phụ thuộc hoàn toàn vào việc làm thuê, làm mướn. Năm 2020, từ nguồn vốn 12 triệu đồng của Hội LHPN huyện, cộng với số tiền dành dụm, vay mượn của gia đình, bà Nga mua 2 con bò sinh sản trị giá hơn 30 triệu đồng về nuôi. Bà Nga được Hội LHPN xã Bình Ba giới thiệu tham gia vào Tổ hợp tác nuôi bò sinh sản cùng với 20 thành viên khác. Được trao “cần câu”, bà Nga tập trung chăm sóc và trồng thêm cỏ tạo nguồn thức ăn cho bò. Sau 2 năm, gia đình chị đã có 4 con bò. Tiền bán bò đã mang lại cho chị thu nhập ổn định, cuộc sống cải thiện. Ngoài ra, chị cũng sửa sang lại ngôi nhà khang trang.

Bà Nga chia sẻ: “Từ ngày được hỗ trợ vốn, tham gia vào tổ hợp tác nuôi bò sinh sản, tôi được các chị em chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc và chỉ cách bán bò được giá cao hơn. Kinh tế gia đình tôi nhờ vậy mà được cải thiện hơn. Tôi có thêm động lực và tự tin chia sẻ kinh nghiệm cho các chị em khác”.

Tại xã Bình Ba, sau khi rà soát các hội viên người dân tộc Châu Ro có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cần vốn phát triển kinh tế, tháng 8/2020, Hội LHPN xã đã thành lập Tổ hợp tác Nuôi bò sinh sản gồm 21 thành viên phụ nữ dân tộc. Theo đó, các hộ đều được hỗ trợ 12 triệu đồng tiền vốn từ Nghị quyết 05 của HĐND tỉnh (Nghị quyết về Chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế hộ trong nông nghiệp, thủy sản tỉnh BR-VT giai đoạn 2018-2020) để đầu tư nuôi bò sinh sản. Tham gia vào tổ hợp tác, các thành viên hỗ trợ, trao đổi với nhau về kinh nghiệm chăn nuôi, chăm sóc để phát triển đàn bò.

Bà Đặng Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Ba cho biết, từ sự theo dõi sát sao của hội phụ nữ, 100% các hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số khi được hỗ trợ vốn, tham gia vào tổ hợp tác nuôi bò sinh sản đều thành công. Từ 1 con bò sinh sản ban đầu, đến nay gia đình nào cũng có đàn bò 3-4 con trở lên.

Xã Bình Giã (huyện Châu Đức) hiện có 41 hội viên phụ nữ dân tộc Châu Ro, chủ yếu làm nghề chăn nuôi, làm thuê, làm rẫy nên cuộc sống khá khó khăn. Để hỗ trợ những hội viên này cải thiện kinh tế, từ tháng 3/2020, Hội LHPN huyện Châu Đức đã thành lập tổ hợp tác nuôi bò sinh sản tại ấp Kim Bình (xã Bình Giã) với 5 tổ viên. Sau 2 năm, tổ hợp tác đã nâng tổng đàn bò lên 30 con, gấp 6 lần so với ban đầu.

Bà Đào Thị Lạ, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi bò sinh sản xã Bình Giã cho biết: “Nhờ có các mô hình, tổ hợp tác, hội viên phụ nữ có nơi sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế cũng như cuộc sống, ai nấy đều phấn khởi. Kinh tế gia đình ổn định, nhà cửa được sửa chữa khang trang, con em hội viên yên tâm ăn học thành tài”.

Theo bà Võ Lệ Huyền, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Đức, toàn huyện có 914 hộ hội viên phụ nữ người dân tộc thiểu số, trong đó có 73 hộ nghèo. Thời gian qua, các cấp Hội LHPN huyện đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ nghèo, người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế như: thành lập các tổ hợp tác, tổ phụ nữ phát triển kinh tế tại các địa phương; hỗ trợ vay vốn, cây, con giống... Nhờ đó, tỷ lệ hội viên phụ nữ nghèo giảm, hộ có thu nhập cao, cuộc sống ổn định ngày một tăng lên. Từ năm 2019 đến nay, Hội đã tiếp sức thoát nghèo cho 23 hộ, góp phần giảm tỷ lệ hộ hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo xuống còn 5,47%.

“Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn lực để xây dựng thêm nhiều mô hình sinh kế giúp hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên, giảm nghèo bền vững. Đối với những phụ nữ dân tộc thiểu số có nhu cầu phát triển chăn nuôi, Hội sẽ hỗ trợ thêm về nguồn vốn, giúp hội viên tiếp cận nguồn lực, để các chị phát triển kinh tế tốt hơn. Với các nhu cầu khác, Hội sẽ rà soát và có hướng giải quyết phù hợp với tình hình thực tế mỗi gia đình hội viên”, bà Võ Lệ Huyền cho biết thêm.

Bài, ảnh: MAI NGỌC

 
;
.