.

Lịch sử nên là môn học tự chọn hay bắt buộc?

Cập nhật: 20:41, 03/06/2022 (GMT+7)

Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa, năm học mới 2022-2023 đã chính thức bắt đầu. Thế nhưng, đến thời điểm này, vấn đề học môn Lịch sử ở bậc THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới nên bắt buộc hay tự chọn vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết.

Theo cô Võ Thị Thanh Xuân, không đơn thuần là môn học thuộc lòng, Lịch sử là môn học rèn luyện cho HS khả năng tư duy, bồi đắp tinh thần yêu nước. Trong ảnh: Cô Võ Thị Thanh Xuân hướng dẫn HS nghiên cứu tài liệu, bồi dưỡng kiến thức môn Lịch sử.
Theo cô Võ Thị Thanh Xuân, không đơn thuần là môn học thuộc lòng, Lịch sử là môn học rèn luyện cho HS khả năng tư duy, bồi đắp tinh thần yêu nước. Trong ảnh: Cô Võ Thị Thanh Xuân hướng dẫn HS nghiên cứu tài liệu, bồi dưỡng kiến thức môn Lịch sử.

Môn yêu nước

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được triển khai ở lớp 10. Nhằm hướng tới mục tiêu phân hóa, hướng nghiệp sớm, ngoài 7 môn học băt buộc, chương trình đã đưa ra 3 nhóm môn học tự chọn, gồm Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Kinh tế và pháp luật), Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học), Công nghệ và nghệ thuật (Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật) để HS tự chọn ra 5 môn học. Và theo đó, Lịch sử, vốn là một môn học bắt buộc trở thành môn học tự chọn, đồng nghĩa với việc HS hoàn toàn có quyền không học môn học này ở bậc THPT.

Là GV bộ môn Lịch sử đã có hơn 20 năm đứng lớp, cô Võ Thị Thanh Xuân, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn chia sẻ, cũng như nhiều GV bộ môn khác, bản thân cô không khỏi chạnh lòng khi không biết được rằng rồi đây, “số phận” môn Lịch sử cùng những GV giảng dạy bộ môn này sẽ đi đâu về đâu. Theo cô Xuân, nếu như GV làm “tròn vai” thì Lịch sử không đơn thuần là môn học thuộc lòng khô khan, nhàm chán mà là môn học vừa giúp HS rèn luyện tư duy phân tích, đánh giá, nhận định vấn đề, vừa giúp các em bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc để có thể phát triển phẩm chất và năng lực một cách toàn diện. Đã có nhiều nước trên thế giới sau một vài năm thay đổi đã đưa Lịch sử quay trở lại trở thành môn học bắt buộc ở bậc phổ thông.

Cô Xuân phân tích, theo lý giải của Bộ GD-ĐT, trong giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 tới lớp 9, chương trình sẽ trang bị cho HS những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Như vậy, “gánh nặng” toàn bộ kiến thức hệ thống đều đặt lên vai GV Lịch sử bậc THCS. Trong khi GV bậc THCS có đảm đương được hay không vẫn là một câu hỏi lớn. Bên cạnh đó, nhận thức của HS giai đoạn này còn khá non nớt, chắc chắn cũng chưa thể hiểu sâu sắc, thấu đáo những vấn đề môn Lịch sử đặt ra. “Nếu như Lịch sử tiếp tục là môn học bắt buộc ở bậc THPT, GV bộ môn sẽ có cơ hội, thời gian nhiều hơn để khơi dậy đam mê, truyền cảm hứng trong môn học này, để các em HS biết trân quý quá khứ, hành động cho hiện tại và định hướng tương lai”, cô Xuân khẳng định.

Chia sẻ cách nghĩ về vấn đề này, em Nguyễn Tôn Bảo Trân, HS lớp 11 Anh văn 2, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho hay, đối với bản thân em, Lịch sử không chỉ là một môn học bình thường trên trường lớp mà đó còn là “môn yêu nước”. Bảo Trân bày tỏ: “Bản thân mỗi công dân cần và phải được trang bị những kiến thức về lịch sử, truyền thống dân tộc. Khi môn Lịch sử trở thành môn tự chọn ở bậc THPT, số lượng HS lựa chọn học Lịch sử sẽ trở nên rất ít vì đặc thù của môn là khó nhớ. Tuy nhiên chính điều đó, sẽ khiến HS mất đi kiến thức, thậm chí là có những hiểu biết không đúng đắn về cội nguồn và công lao to lớn của thế hệ đi trước. Thay vì biến Lịch sử thành môn tự chọn, em nghĩ chương trình học nên được đổi mới để trở nên hấp dẫn và thú vị hơn”. Bảo Trân cũng cho biết thêm, tuy không lựa chọn môn Lịch sử để xét tuyển ĐH nhưng nếu được lựa chọn, em vẫn học môn Lịch sử vì đây sẽ là nền tảng cho chương trình học tập ở bậc ĐH.

Thầy Nguyễn Đình Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa) cũng khẳng định vai trò quan trọng của môn Lịch sử. Theo thầy Lâm, nên đưa Lịch sử trở thành môn học tự chọn bắt buộc. Nghĩa là, về căn bản, Lịch sử vẫn là một môn học bắt buộc, nhưng ngoài những nội dung chính yếu của chương trình học, sẽ có các nội dung tự chọn để HS lựa chọn.

Ngoài ra, cũng như nhiều cán bộ quản lý giáo dục bậc THPT, thầy Lâm cũng cho hay, việc đưa Lịch sử trở thành môn tự chọn khiến Ban Giám hiệu các trường “đau đầu” khi phải tìm giải pháp bố trí, sắp xếp công việc cho những GV Lịch sử, để thầy cô không… thất nghiệp. Những GV bộ môn này có thể sẽ phải đảm đương những công việc trái chuyên môn như giảng dạy các môn học mới hoặc làm công tác chủ nhiệm, quản sinh…

Tôn trọng lựa chọn của HS trong giai đoạn định hướng nghề nghiệp

Ở một góc nhìn khác, cô Võ Thị Thanh Xuân cho rằng, nếu đặt mình vào vị trí của các em HS thì ở bậc THPT-giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, các em nên được lựa chọn những môn học liên quan trực tiếp tới định hướng nghề nghiệp của bản thân sau này. Nếu các em phải học một cách cưỡng ép thì những môn học sẽ vô tình trở thành gánh nặng, tạo áp lực cho các em.

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội diễn ra vào cuối tháng 5 vừa qua, Ủy ban Văn hóa, giáo dục cho rằng môn Lịch sử có vị trí đặc biệt và có ý nghĩa rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông, HS cần được trang bị khối lượng kiến thức này. Vì vậy cần tiếp thu ý kiến của đông đảo cử tri, nhân dân theo hướng quy định môn Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với khối lượng kiến thức phù hợp. Đồng thời thiết kế bao gồm khối lượng kiến thức Lịch sử (phần bắt buộc) và khối lượng kiến thức định hướng nghề nghiệp (phần lựa chọn). Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp thu và quy định môn học lịch sử bậc THPT trong Chương trình GDPT 2018 là môn học bắt buộc.

Cô Xuân cũng cho biết, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Lịch sử sẽ không biến mất hoàn toàn ở bậc THPT, mà môn học này cũng sẽ xuất hiện trong hoạt động giáo dục địa phương, hoặc các chuyên đề. Qua đó, GV vẫn có cơ hội bồi đắp cho HS tình yêu quê hương đất nước, tình yêu với môn Lịch sử. “Dù Lịch sử trở thành môn học tự chọn hay bắt buộc thì bản thân người dạy cần phải thay đổi nhận thức, ý thức rõ hơn nữa trách nhiệm của mình, không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy để có thể thể hiện được mục tiêu, trọng trách, vai trò môn Lịch sử, khiến HS yêu thích và gắn bó với môn học này. Trước mắt, Bộ GD-ĐT cần sớm đưa ra quyết định cho số phận môn Lịch sử để GV cũng như HS không bị động khi năm học mới đã tới gần”, cô Xuân nói.

Còn thầy Hồ Sĩ Nhật Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Bình (huyện Xuyên Mộc) chia sẻ quan điểm: “Không ít ý kiến cho rằng việc đưa Lịch sử thành môn tự chọn sẽ ảnh hưởng tới việc giáo dục tình yêu nước cho HS. Song, tôi cho rằng, việc giáo dục lòng yêu nước đâu phải chỉ bằng môn Lịch sử. Không học Lịch sử đâu có nghĩa là không yêu nước. Tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc được bồi đắp trong môi trường gia đình, các hoạt động giáo dục tư tưởng tại nhà trường và các hoạt động xã hội hoặc qua quá trình trải nghiệm của bản thân mỗi người”. Thầy Nam cho rằng nếu như ở giai đoạn giáo dục toàn diện (từ lớp 1 tới lớp 9), chương trình học đã thực hiện được mục tiêu đề ra là trang bị những kiến thức cơ bản, cốt lõi thì ở bậc THPT HS hoàn toàn có thể đưa ra lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình. “Nhưng vấn đề đặt ra là phải xây dựng chương trình sao cho đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra”, thầy Nam nói.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

.
.
.