.

Sông quê bên lở bên bồi

Cập nhật: 19:37, 03/06/2022 (GMT+7)

Tuổi thơ đời người thường gắn bó với con sông quê nhà. Sông quê là nơi ghi dấu ấn kỷ niệm, trải ra bao ký ức tuyệt đẹp một thời thơ ấu. Ai lớn lên, đi xa mà không nhớ sông quê?

 Trẻ thơ miền sông nước.
Trẻ thơ miền sông nước.

Con sông quê tôi rất rộng, đứng bên này bờ nhìn thấu qua bên kia bờ chỉ thấy một chớn nước màu xanh gờn gợn chạy dài theo vườn cây điệp trùng đan những tán lá biêng biếc nối tiếp nhau như không có điểm dừng. Làng tôi ở bên bồi, nơi chớn nước xanh gờn gợn kia là bên lở, người ta gọi đó là cồn.

Nơi ghi dấu ký ức tuổi thơ

Nếu ở bên này sông quê tôi phía bên bồi qua bên lở, chèo ghe cật lực phải mất hơn một tiếng đồng hồ với điều kiện gió yên, sóng lặng. Còn khi có mưa giông, sóng cuộn lên ầm ầm thì chẳng ai dám đi. Nhưng tùy theo mùa, vụ, người bên này sông vẫn phải ngày hai buổi đi về bên kia sông để trồng trọt, cấy thuê, cuốc mướn. Những chuyến đi như thế khiến người thân phải ra bãi sông làng trông ngóng, khi thấy chiếc ghe chèo nhỏ xíu chở khẳm người xuất hiện mỏng manh như chiếc lá giữa những cơn sóng ba đào hướng mũi về bên này mới thực sự yên tâm.

Bãi sông quê tôi đầy cát vàng, dài rộng ra tới mép nước khi thủy triều xuống nên bước chân người tha hồ dẫm lên không lấm bùn. Trên bãi cát vàng óng ấy vô số họ hàng nhà dã tràng sinh sống, đào hang trú ngụ. Thủa nhỏ tôi và những đứa bạn trang lứa thường ra bãi sông chia phe đá banh, chán đá banh thì cùng nhau thi rượt đuổi lũ dã tràng xem người và dã tràng ai chạy nhanh hơn. Thường thì lũ dã tràng chạy maratong rất tuyệt, ít khi chúng tôi theo kịp, nếu kịp thì chúng cũng vội chui xuống hang, mà hang dã tràng rất sâu, khi chúng rúc xuống hang rồi thì xem như bó tay.

Chán trò chơi chạy maratong với lũ dã tràng rồi lũ trẻ con chúng tôi nhào xuống sông tắm, nước sông bên bồi ngầu đục phù sa nhưng mát rượi. Trẻ con quê tôi đứa nào cũng lội như rái nên chẳng lo gì hụt chân, nước cuốn, lại còn rủ nhau lội ra xa vớt lục bình, đặc biệt là mùa lục bình trổ hoa, cả một mặt sông tím ngát màu hoa lục bình vừa trôi vừa nở tuyệt đẹp. Nhưng lục bình ở sông mang về bỏ trong ao hồ hoặc lu, vại ép cá lia thia tiếp xúc với nước mưa thì lục bình không sống nổi, có lẽ do thiếu chất phù sa trong nước sông. Thế là cái trò lãng mạn của tuổi thơ tôi muốn hoa lục bình nở trong lu, vại chứa nước mưa để sáng nào mở cửa ra cũng nhìn thấy cái màu hoa tím dân dã ấy đã một phen vỡ mộng.

Bãi sông làng tôi là điểm dừng của những chiếc đò máy từ chợ huyện lên tỉnh và ngược lại. Do bãi cạn, đò máy không thể vào tận mép cát nên phải có đò ngang đưa rước khách. Chèo đò ngang là đứa con gái học cùng lớp với tôi, cô bé ấy thật hiền lành và dễ thương, tuy nhà nghèo phải phụ giúp cha mẹ đưa đò ngang một ngày mấy lượt, dãi nắng, dầm mưa nhưng Sương (tên cô bé đưa đò ngày ấy) có nước da trắng bóc, đặc biệt Sương rất khỏe mạnh. Chiếc đò ngang cũ kỹ, chở khoảng 10-15 người khách, nhưng một mình cô và đứa em trai út lèo lái, tát nước, lên xuống khách với cả núi hàng tạp hóa, trái cây của những người buôn chợ nhưng không xảy ra việc đáng tiếc nào thì quả là  tuyệt vời. Thỉnh thoảng tôi cũng theo đò ngang phụ giúp hai chị em Sương nhưng để tận hưởng cảm giác nhảy lên đò máy rồi nhảy xuống đò ngang giữa những con sóng dập dềnh, đầy phiêu lưu mạo hiểm là chính.

Bãi sông quê như thước phim đời

Nhưng bãi sông làng quê tôi không chỉ có ngần ấy chuyện, ngần ấy sự việc. Nơi ấy còn là điểm tập trung của cánh đàn bà, con gái giặt giũ, gánh nước. Những người đàn bà lam lũ sau một ngày lao động bưng từng thau quần áo ra bến sông để giặt giũ, trò chuyện râm ran. Các cô gái quê với đôi thùng thiếc, đòn gánh trên vai mặc nguyên bộ đồ bà ba, quần xăn ống cao, đôi chân trần bước hẳn xuống mép nước khom tấm lưng thon, nghiêng vai nhận đôi thùng thiếc cho đầy nước rồi thẳng lưng gánh về.

Rồi những đêm trăng sáng khi thủy triều xuống, bãi sông làng là nơi vui chơi lý tưởng của trẻ con, rượt bắt, trốn tìm, nhảy dây… cũng là nơi hò hẹn của những chàng trai, cô gái với mối tình đầu đời. Họ đi xa xa một chút về phía những rặng bần đang mùa bông rải trắng trên những con sóng rì rào, nhấp nhô xô đẩy nhau trườn lên mép cát.

Đối với nhiều người cùng trang lứa, bãi sông làng quê tôi chắc chắn đã in đậm hình ảnh một thời tuổi thơ yêu dấu của nhiều thế hệ lớn lên rời bỏ quê hương yêu dấu ra đi hay vẫn ở lại. Có người đã mất, có người còn sống với bao thăng trầm, chìm nổi nhưng bãi sông làng vẫn là nơi gửi gắm mọi buồn vui, chất ngất nhiều kỷ niệm theo bề dày của bóng dáng thời gian choàng kín một đời người.

Mỗi lần về quê tôi đều muốn ra bãi sông làng, đi tha thẩn trên bãi cát dọc theo mép nước hay ngồi ở đâu đó trong góc khuất của ánh trăng dưới vòm lá tối để tha hồ xuôi ngược với thời gian tìm lại kỷ niệm đời mình đã hóa tro than trong tầng tầng, lớp lớp cát ướt của bãi sông làng.

Nhưng rất tiếc cái bãi cát rộng, dài bừng lên sắc màu vàng óng khói sương ấy không còn nữa, nó trở thành một bãi bùn đen xỉn và gió lạnh ào ào từ mặt sông thổi lên với hương vị mặn môi của phù sa vùng biển. Người ta đã tận thu cát của bãi sông và chở về đâu cho những công trình xây dựng, chẳng ai hiểu nổi. Bãi sông làng mà không còn cát, chỉ toàn bùn ngập chân thì chẳng ai thèm ra đó làm gì. Kể cả những cô gái gánh nước thế hệ bây giờ cũng ngại lấm chân. Chỉ còn lại những chiếc đò máy ngược xuôi trên dòng sông rộng cho cuộc hành trình vạn dặm của mình.

Và những chuyến đò ngang không còn cô bé Sương học cùng lớp thời tiểu học với tôi ngày nào. “Cô lái đò” ấy đã lấy chồng về xứ khác, em trai cô ấy bây giờ là một “ngư ông” trên dòng sông đánh bắt tôm cá theo mùa cho bà vợ mang bụng chửa thè lè gánh bán rong trong xóm kiêm chèo đò ngang thay thế cho bà chị chắc cũng đã già.

“Ông lái đò” rượu say bét nhè sau một con nước trúng tôm cá, bỏ việc chèo đò ngang cho cô con gái lớn tuổi trạc cô bé Sương ngày nào. Tất nhiên tôi cũng không thể có phép màu nào biến hóa, tự thu nhỏ mình lại như một dị nhân để theo đò ngang của cô bé mang đậm hình bóng của Sương với thú vui thời thơ ấu để được nhảy lên đò máy, nhảy xuống đò ngang với cảm giác phiêu lưu, dập dềnh trên những con sóng. Tất cả đã là quá khứ, đã là kỷ niệm ngậm ngùi của một thời đã qua không ai có sức mạnh thần kỳ kéo ngược thời gian quay lại.

Cùng với phong trào tiến lên nông thôn mới, mọi thứ quê tôi bây giờ đều thay đổi so với thời thơ ấu. Bãi sông làng quê tôi cũng đã thay đổi đến lạ lùng theo cơn lốc xoáy của thị trường với bao luyến tiếc.

VÕ THU SƠN

.
.
.