.
HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ MÔI TRƯỜNG

Phân loại rác tại nguồn, bước đệm cho kinh tế tuần hoàn

Cập nhật: 18:49, 16/06/2022 (GMT+7)

Việc phân loại rác tại nguồn không chỉ nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn (sản xuất - sử dụng - hoàn lại) mà còn tạo ra một chương trình quản lý chất thải bền vững, có thể nhân rộng ra cộng đồng.

Bà Trần Thị Vẹn (thôn 1, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) thực hiện phân loại rác ngay tại nhà.
Bà Trần Thị Vẹn (thôn 1, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) thực hiện phân loại rác ngay tại nhà.

Chương trình thí điểm

Từ ngày 5/6/2022, thôn 1, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu được chọn là nơi thí điểm thực hiện dự án “Phân loại rác tại nguồn, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn”. Tuy mới hơn 10 ngày triển khai nhưng dự án đã tạo được sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng dân cư, nhiều hộ gia đình dần hình thành thói quen phân loại rác.

Bà Nguyễn Thị Tiết Kiệm (thôn 1, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) cho biết, sau khi được hướng dẫn phân loại rác và các DN hỗ trợ thùng rác phân loại, nhà bà luôn có 3 thùng rác với 3 màu khác nhau: màu đỏ đựng rác tái chế; màu xanh - rác hữu cơ và màu vàng - các loại rác còn lại. 

Tương tự, hàng trăm hộ gia đình thuộc thôn 1 xã Long Sơn cũng bắt đầu hình thành thói quen phân loại rác thay vì tất cả các loại rác bỏ vào một thùng như trước đây. Theo ông Đoàn Thanh Hùng (thôn 1, xã Long Sơn), trước đây khi chưa triển khai hoạt động này, người dân trong thôn mạnh ai nấy đổ ra dọc đường, nên dọn dẹp rất cực. Từ khi phân loại, các thùng rác có đơn vị đến thu gom, ý thức của người dân cũng được nâng lên.

“Nếu không thực hiện thì không có môi trường sạch, không khí sẽ không trong lành, nên tôi tự mình làm trước. Phân loại xong bán các loại rác tái chế cũng mua được các thứ lặt vặt, lợi cả đôi đường”, ông Hùng bày tỏ.

Theo ông Châu Phúc Lộc, Bí thư Chi bộ thôn 1, thôn có 740 hộ dân. Và để đạt được mục tiêu của dự án, thôn thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ dân trên địa bàn bỏ rác đúng nơi quy định; giao rác cho đơn vị chức năng thu gom và phân loại tại nguồn theo 3 loại: rác tái chế, rác hữu cơ và rác còn lại. Đồng thời, triển khai các hoạt động khuyến khích việc thu hồi rác tái chế.

Đối với rác tái chế như chai nhựa, giấy, sắt…, người dân có thể tham gia chương trình đổi rác lấy quà. Từ đó khuyến khích mọi người thay đổi thói quen và nhận thức trong việc phân loại rác.

Trước đó, từ tháng 12/2020, dự án “Phân loại rác tại nguồn hướng đến nền kinh tế tuần hoàn” do Tập đoàn SCG phối hợp với DN xã hội mGreen (TP. Hồ Chí Minh) thí điểm tại 2 trường TH Long Sơn 1 và Long Sơn 2 đã bước đầu thu được những kết quả tích cực.

Nhân rộng đến nhiều địa phương

Bà Trần Thị Thoa, Giám đốc DN xã hội mGreen cho biết, khi triển khai thực hiện dự án “Phân loại rác tại nguồn hướng đến nền kinh tế tuần hoàn”, bên cạnh việc hướng dẫn kiến thức về phân loại rác, đơn vị tổ chức muốn hướng đến thói quen phân loại giữa các vật dụng tái chế và không tái chế.

Rác thải sau khi phân loại được Công ty TNHH Gia Linh thu gom. Rác có thể tái chế sẽ được lưu chứa riêng. Rác hữu cơ được xử lý thành phân bón sinh học dùng cho mục đích nông nghiệp của người dân địa phương. Trung bình 1 tuần 1 lần, mGreen sẽ tổ chức đổi rác lấy quà.

Theo đó, khi mang rác tái chế tới các điểm đổi quà trên địa bàn xã Long Sơn, người dân sẽ được nhận lại nhiều phần quà thiết yếu như: sữa tươi, túi giấy SCG, vở SCG… Đặc biệt, khi chủ nguồn thải đổi rác tái chế thông qua điện thoại sẽ nhận được gấp đôi số quà so với đổi trực tiếp. Cụ thể, 1kg giấy bìa hoặc nhựa sẽ được tích 5 điểm và đổi thành 2 hộp sữa qua app mGreen.

“Khi rác được tái chế nghĩa là nền kinh tế của chúng ta đang đi theo hướng tuần hoàn, tái sử dụng. Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường”, bà Thoa nói. 

Còn ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu thông tin: “Từ nay đến hết năm 2022, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá, báo cáo kết quả của dự án. Dự kiến, TP Vũng Tàu sẽ thực hiện triển khai phân loại rác toàn địa bàn vào năm 2023, nên đây là thời điểm quan trọng để tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân”.

Trong khi đó, Sở TN-MT cũng đang rà soát, đánh giá lại những mô hình thí điểm phân loại rác, đồng thời xây dựng lộ trình để sớm đưa việc phân loại rác đi vào thực tiễn. “Việc phân loại rác thành công không chỉ làm giảm phần lớn diện tích chôn lấp rác trên địa bàn tỉnh mà còn biến rác thành tài nguyên qua việc tái chế, tái sử dụng. Từ đó, góp phần sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên - yếu tố quan trọng hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững cho tương lai”, ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT nhấn mạnh.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.