Đừng bỏ mặc con trẻ cô đơn trong chính ngôi nhà của mình!
Hằng ngày, khi vợ chồng người hàng xóm của tôi, anh Nam và chị Lan đi làm thì hai đứa con Tuấn và An thường xuyên được gửi sang nhà ông bà nội cách đó không xa.
Minh họa: MINH SƠN |
Chị Lan bận việc cơ quan, hết giờ làm còn tham gia hoạt động của một tổ chức từ thiện nên nhiều hôm về đến nhà bố mẹ chồng để đón các con thì chúng đã ngủ mất rồi. Anh Nam thì kinh doanh tự do, nay đây mai đó, có rất nhiều mối quan hệ, gặp gỡ đối tác, tiếp khách... Những việc ấy cũng ngốn phần lớn thời gian trong ngày của anh nên anh không còn thời gian rảnh rỗi mà chơi cùng hai cậu con trai. Từ khi dịch COVID-19 lắng xuống, cuộc sống sinh hoạt trở về trạng thái bình thường, anh Nam càng thường xuyên đi sớm về muộn. Nhà cửa cứ vắng tanh vắng ngắt, vợ chồng cũng không có thời gian nói chuyện với nhau nhiều.
Còn nhớ giai đoạn dịch COVID-19 căng thẳng, Tuấn phải học online nhiều, nó luôn uể oải, thường xuyên ngáp ngắn ngáp dài. Có hôm cô giáo gọi mà mãi mà nó không thưa. Nó trở nên ít nói, lầm lì, thỉnh thoảng lại nổi cáu với em An 5 tuổi, có lần nó còn choảng cho em trai một quả đấm vì cái tội dám tự tiện chơi cái máy bay điều khiển từ xa của nó…
Kết quả khảo sát của Tuấn tụt hạng khiến anh Nam không yên tâm. Anh phải thuê gia sư kèm cặp trực tiếp nhưng 3 thầy giáo đều bỏ cuộc giữa chừng vì thằng bé không hợp tác. Anh Nam thực sự lo lắng khi cô giáo chủ nhiệm phát hiện Tuấn có dấu hiệu bất thường về tâm lý, sợ nó bị trầm cảm nên khuyên gia đình đưa đi khám bác sĩ để còn có hướng điều trị kịp thời.
Bác sĩ kết luận Tuấn cần được gia đình quan tâm nhiều hơn, cần giảm bớt áp lực học tập cho thằng bé nên chị Lan quyết định đưa con trai lớn về nhà, không gửi bên ông bà nội nữa. Chị bỏ bớt các chuyến từ thiện, hết giờ làm là chị đi đón Tuấn, nấu cơm cho nó ăn nhưng nó vẫn ít nói chuyện với mẹ. Chị dạy nó làm toán thì nó giãy nảy, thậm chí gào toáng lên: “Mẹ giải cách này sai rồi, cách của cô giáo con khác cơ. Con bắt đền mẹ đấy”. Chị gần như bất lực với Tuấn thì đúng lúc đó có đồng nghiệp giới thiệu một cô giáo trẻ làm gia sư, không chỉ dạy toán mà còn giúp con chị bớt lầm lì vì cô rất tâm lý.
Chính cô gia sư phát hiện thằng bé “thèm” nói chuyện. Nó thèm chia sẻ những câu chuyện hằng ngày. Nó huyên thuyên kể với cô gia sư về bà nội, tối nào bà cũng ra nhà văn hóa khu dân cư để tập văn nghệ, ông thì sang hàng xóm chơi cờ. Tuấn bảo: “Con chơi ipad một mình chán lắm, con chẳng nói chuyện được với ai, học mãi cũng chán cô ạ!”.
Tuấn còn kể về vườn lan của bố, nếu muốn mẹ tưới thì bố phải thuê chứ mẹ không động vào. Nó sung sướng kể về những món ngon bà nội nấu theo nguyện vọng của hai anh em, khi thì sườn nướng, khi thì cánh gà chiên bơ... Mỗi khi nghe Tuấn kể chuyện, cô gia sư không nỡ ngắt lời. Mặt nó hớn hở, sáng bừng lên. Nó kể chuyện bắt sâu trong vườn lan, được bố thưởng tiền mua kem hay được ông nội cho đi câu cá...
Nhưng mặt nó bỗng xịu xuống khi nhắc đến những bữa cơm có đông đủ bố mẹ và em An. “Thật là hiếm cô ạ! Bố mẹ con chẳng ăn chung với nhau, cứ về nhà là con thấy mỗi người cầm một chiếc điện thoại để lướt Facebook, Zalo”. Bố không thích mẹ đi làm công việc xã hội liên miên, bỏ mặc bọn con cho ông bà nội nhưng mẹ không nghe. Mẹ thích bố không đi nhậu buổi tối nữa nhưng bố bảo: Đó là việc làm ăn, không bỏ được. Bố mẹ con cãi nhau to lắm, rồi mỗi người đi về một phòng. Con và em An chỉ nép sau cánh cửa nghe lỏm thôi. Tuấn còn kể mẹ nó thích chụp ảnh đăng Facebook rồi mẹ vào xem có nhiều “like” không, rồi nó kết luận như ông cụ non rằng: “Mẹ con thích sống ảo cô nhỉ?”...
Nghe cô gia sư trao đổi lại tình hình học tập và những tâm sự của Tuấn, vợ chồng anh Nam bần thần cả người. “Anh chị làm gì thì làm, nhưng cần dành thời gian cho con. Thằng bé sống tình cảm và hiểu chuyện. Em phát hiện Tuấn rất cô đơn. Nó thèm được nói chuyện, thèm được chia sẻ, được lắng nghe…”. Cũng may, vợ chồng anh Nam đã kịp hiểu ra vấn đề để dành thời gian cho hai con nhiều hơn, để Tuấn không còn cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình nữa.
Đúng là trong cuộc sống hiện đại ngày nay, có không ít các gia đình khi cha mẹ do mãi làm ăn, buôn bán, mãi lo những công việc riêng tư…, nên đã “bỏ mặc” con cái của mình. Điều mà con trẻ cần ở đây không chỉ là mỗi sáng được cho tiền tiêu vặt, được lo đồ ăn đầy đủ…, mà điều quan trọng hơn cả là chúng cần được gần gũi, sự quan tâm chăm sóc, trò chuyện, tâm tình… từ cha mẹ.
Chính vì vậy dù bận bịu thế nào đi chăng nữa, theo tôi các bậc phụ huynh hãy cố gắng dành những khoảng thời gian nhất định có thể trong ngày để gần gũi dành sự yêu thương cho con, tâm sự trò chuyện cùng con.
NGUYỄN HẢI