Để phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo chuẩn quốc gia theo chuẩn nghèo mới, TP. Vũng Tàu lồng ghép các chương trình giảm nghèo với chương trình an sinh xã hội nhằm tạo sinh kế bền vững cho người nghèo.
Chị Nguyễn Kim Quế (ngụ 47, Phạm Cự Lạng, phường Rạch Dừa) đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu hỗ trợ 6 triệu đồng tạo sinh kế làm ăn vươn lên để thoát nghèo. |
Gia đình chị Nguyễn Kim Quế (40 tuổi) gồm 5 người ở nhờ trong căn nhà nhỏ tại 47 Phạm Cự Lạng, phường Rạch Dừa với bố mẹ ruột. Anh Lê Văn Vinh (42 tuổi), chồng chị Quế làm thuê trên ghe hải sản, ngày có việc, ngày không nên thu nhập bấp bênh. Còn chị Quế lại không có nghề nghiệp ổn định, sức khỏe yếu nên cuộc sống khốn khó triền miên, được xếp vào diện hộ nghèo cận quốc gia.
Biết hoàn cảnh của gia đình, tháng 6/2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu đã hỗ trợ chị Quế 6 triệu đồng trong chương trình “Trao sinh kế”. Có tiền hỗ trợ, chị Quế nghĩ đến việc trồng rau, nuôi gà tại khu đất trống được người thân nhờ trông coi giúp ở phường 12, TP.Vũng Tàu. Nhờ chăm chỉ, chị Quế cải tạo khu đất trống, trồng các loại rau, củ, quả để bán. Bên cạnh đó, chị còn thả hơn 100 con gà nuôi lấy thịt, trứng. Mỗi tháng, thu nhập từ bán rau và gà, trứng được khoảng hơn 5 triệu đồng. Đến nay, cuộc sống gia đình chị Quế đã bớt nhọc nhằn hơn, các con đều được đến trường.
Chị Nguyễn Kim Quế bộc bạch: “Bố mẹ tôi vốn là hộ nghèo, đến đời mình lấy chồng, sinh con cũng vẫn chưa thể thoát nghèo. Được Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Rạch Dừa hỗ trợ tiền để có vốn trồng rau, nuôi gà; rồi rau củ sạch được bà con ủng hộ nên đã có đồng ra đồng vào, cuộc sống đã vơi bớt khó khăn. Chúng tôi đang tiếp tục nỗ lực vươn lên để thoát nghèo”.
Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, tiêu chí về thu nhập khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng (chuẩn cũ tương ứng là 700 ngàn đồng và 900 ngàn đồng/người/tháng).
Việc tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản tăng từ 5 chiều lên 6 chiều, bổ sung chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm; sửa đổi, bổ sung các chỉ số đo lường các chiều thiếu hụt về y tế, dinh dưỡng, giáo dục, đào tạo, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin và người phụ thuộc trong hộ gia đình. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản tăng lên 12 chỉ số thay vì 10 chỉ số theo tiêu chuẩn cũ.
|
Bà Ngô Thị Bảy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu cho hay, chị Quế là một trong bảy hộ nghèo trên địa bàn được khảo sát, hỗ trợ trong chương “Trao sinh kế” để có vốn phát triển làm ăn. Năm nay, chính quyền địa phương tiếp tục vận động nhà hảo tâm trao thêm 3 triệu đồng cho gia đình chị Quế có thêm vốn tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
“Hiện địa bàn phường còn 133 hộ nghèo, trong đó có 25 hộ nghèo chuẩn quốc gia, 26 hộ nghèo cận quốc gia và 82 hộ nghèo chuẩn tỉnh. Bên cạnh các hộ nghèo phù hợp được trao sinh kế; các hộ nghèo trên địa bàn đều được chính quyền địa phương quan tâm bằng nhiều hình thức như: sửa chữa nhà, vay vốn Ngân hàng CSXH, trao học bổng cho con em hộ nghèo, tạo công ăn việc làm; trợ cấp hàng tháng, tặng quà hỗ trợ dịp lễ, tết… Đến cuối năm 2022, phường Rạch Dừa phấn đấu 27 hộ sẽ thoát nghèo theo chuẩn mới”, bà Ngô Thị Bảy khẳng định.
Được biết, mô hình “Trao sinh kế” của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Vũng Tàu và các phường trên địa bàn thành phố kể trên là một trong những hoạt động lồng ghép chương trình an sinh xã hội với các chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn TP. Vũng Tàu. Trong đó, năm 2021 và 5 tháng năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam đã triển khai 27 mô hình “Trao sinh kế” nhằm giúp các hộ nghèo giảm nghèo bền vững.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu, đến thời điểm này, thành phố vẫn còn 1.270 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều (chiếm 1,25% dân số). So với các địa phương khác, công tác giảm nghèo của TP.Vũng Tàu gặp khó khăn hơn do phần lớn người nghèo đều không có đất, vốn sản xuất, tư liệu sản xuất. Giai đoạn 2016-2020, TP.Vũng Tàu đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị, nhà hảo tâm với kinh phí 356 tỷ đồng cho hộ nghèo, vay vốn sản xuất, đào tạo nghề, xây nhà ở; hoàn thành các chỉ tiêu giảm nghèo.
Giai đoạn 2021-2025, thành phố xác định để giảm nghèo hiệu quả phải bám vào thực tế số hộ nghèo và nguyên nhân nghèo của từng hộ để tìm ra nguyên nhân. Đồng thời, cần rà soát lại các tiêu chí đề ra trong phát triển KT-XH và thực hiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với giai đoạn mới. Đồng thời có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực và khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân.
“Trong đó, thành phố chú trọng đào tạo nghề gắn với tạo công ăn việc làm cho các hộ nghèo cùng lồng ghép chương trình an sinh xã hội thực hiện trao “cần câu” hữu ích đồng hành cùng với hộ nghèo. Từ đó, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần giúp thành phố hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững theo chuẩn nghèo mới; phấn đấu đến 2025 cơ bản không có hộ nghèo theo chuẩn quốc gia”, bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết thêm.
Bài, ảnh: AN NHIÊN