Trăn trở bài toán việc làm cho người khuyết tật

Thứ Ba, 10/05/2022, 21:11 [GMT+7]
In bài này
.

Có việc làm, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội là mong muốn của hàng ngàn người khuyết tật (NKT). Tuy nhiên, thật không dễ để họ có được điều đó.

Bà Trần Thị Ánh Tuyết (phường Long Hương, TP. Bà Rịa) bị liệt nửa người, hàng ngày thêu tranh để kiếm thêm thu nhập giúp gia đình.
Bà Trần Thị Ánh Tuyết (phường Long Hương, TP. Bà Rịa) bị liệt nửa người, hàng ngày thêu tranh để kiếm thêm thu nhập giúp gia đình.

Chật vật tìm việc làm 

Bị liệt nửa người từ khi mới sinh ra khiến sinh hoạt hàng ngày của bà Trần Thị Ánh Tuyết (phường Long Hương, TP. Bà Rịa) gặp muôn vàn khó khăn. Vượt qua khiếm khuyết của cơ thể, bà đã cố gắng học và hoàn thành chương trình THPT. Bà tiếp tục theo học trung cấp kinh tế kết hợp nghề may, thêu tranh với hy vọng khi ra trường sẽ tìm được việc làm. 

Khi cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, bà bắt đầu hành trình tìm việc nhưng không thành nên buộc phải học nghề khác. “Để có thể hỗ trợ gia đình trang trải cuộc sống, tôi đã học và làm bánh bán theo đơn đặt hàng tại nhà kết hợp thêu tranh”, bà Tuyết chia sẻ.

Không riêng bà Tuyết, nhiều trường hợp NKT khác dù rất cố gắng nhưng vẫn không tìm được việc làm. Anh Trần Văn Dương (xã Cù Bị, huyện Châu Đức) cho biết, bản thân anh bị teo 2 chân từ nhỏ. Cố gắng bám trường, bám lớp, anh đã hoàn thành chương trình THPT. Sau đó, anh đã học nghề sửa chữa máy tính, tuy nhiên vẫn không thể kiếm được việc. Hiện, anh phải làm nghề buôn bán tự do, kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình.

Tương tự, anh Nguyễn Quốc Dũng (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) bị teo chân sau cơn sốt bại liệt lúc nhỏ. Tốt nghiệp ngành Kế toán DN tại Trường CĐ Kỹ nghệ II (TP. Hồ Chí Minh), nhưng anh không kiếm được việc làm. Sau đó, anh đã quyết định học nghề bấm huyệt trị liệu tại TP. Vũng Tàu. Dù vậy, vẫn chưa thể có được một chỗ làm việc.

Theo thống kê của Hội NNCĐDC/Dioxin BTXH tỉnh,  toàn tỉnh có 10.998 NKT hưởng chính sách xã hội. Trình độ học vấn của NKT chưa cao, cụ thể, NKT tốt nghiệp THPT chiếm 21%, học CĐ, ĐH chiếm 6%. NKT bị thất nghiệp từ 1-4 lần chiếm 94%. NKT có hợp đồng lao động từ 1-3 năm chiếm 4%, còn lại làm tự do, không có hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm khác. Phần lớn công việc của NKT không ổn định và chủ yếu là lao động giản đơn.

Cần kết nối giữa dạy nghề và việc làm

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm bền vững cho NKT là một trong những cách thiết thực giúp NKT cải thiện cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này là không dễ. Chính quyền, đoàn thể thời gian qua dù đã tổ chức các lớp học nghề miễn phí như làm bánh, làm cườm… nhưng số NKT có thể kiếm việc làm từ các nghề này chưa cao.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thao, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin và Bảo trợ xã hội tỉnh, vấn đề dạy nghề, tạo việc làm để NKT có thu nhập là trăn trở lâu nay của Hội. 

Dù thời gian qua, Hội kết hợp cùng Sở LĐ-TBXH triển khai đăng ký lớp đào tạo nghề nhưng NKT chưa mặn mà, không có NKT đăng ký tham gia dù lớp đào tạo được tổ chức miễn phí.  Vì vậy, Hội mong có thể kết nối được nhiều DN, cơ sở kinh doanh có nhu cầu công việc thực tế và phù hợp với NKT để có thể giúp họ tiếp cận được với công việc ngay sau khi học, chứ không chỉ là việc đào tạo nghề.

Ông Huỳnh Việt Triều, Trưởng phòng Quản lý Giáo dục Nghề nghiệp, Sở LĐ-TBXH cho biết, mặc dù Sở có triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho NKT, nhưng mỗi NKT chỉ phù hợp với một số nghề nhất định nên việc dạy nghề rất khó khăn. Ngoài ra, việc tiếp cận các lớp đào tạo nghề đối với NKT còn hạn chế, còn tâm lý ngại khi tham gia vì họ không nhận thấy cơ hội việc làm.

“Dạy nghề gì phù hợp với từng điều kiện cụ thể của NKT; Dạy nghề gì để NKT có thể có việc làm? Đó là những câu hỏi chỉ có thể tìm được câu trả lời khi có sự chung tay của cả cộng đồng”, ông Triều nhấn mạnh.

Bài, ảnh: PHAN ANH

 
;
.