Triển khai đồng bộ các giải pháp đưa trẻ MN đến trường

Thứ Ba, 10/05/2022, 20:29 [GMT+7]
In bài này
.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc huy động trẻ MN ra lớp trong năm học này là thách thức lớn đối với ngành giáo dục. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc phỏng vấn bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT về những giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn này.

*Phóng viên: Thưa bà, năm học này, việc huy động trẻ MN ra lớp có gì đặc biệt hơn so với những năm học trước?

- Bà Trần Thị Ngọc Châu: Giáo dục MN được coi là những viên gạch đầu tiên, tạo nền móng cho các bậc học tiếp theo. Đối với ngành GD-ĐT nói chung và giáo dục MN nói riêng, công tác huy động trẻ ra lớp được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Huy động trẻ MN ra lớp giúp trẻ được tiếp cận Chương trình Giáo dục MN. Trẻ được phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng vững chắc cho những giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đặc biệt của năm học này, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, toàn ngành đứng trước rất nhiều thách thức và giáo dục MN cũng không là ngoại lệ. Công tác huy động trẻ ra lớp gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù 100% các trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức dạy học trực tiếp, nhưng một số phụ huynh vẫn chưa yên tâm cho con em đến trường. Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục MN ngoài công lập hiện phải giải thể vì dịch bệnh vẫn chưa hoạt động trở lại vì những lý do như: không tuyển dụng được GV, bảo mẫu; tỷ lệ trẻ ra lớp chưa cao nên không đủ chi phí vận hành. Trong khi đó, chỉ tiêu đặt ra cho năm 2022 tương đối cao cũng là một thách thức không nhỏ.

Việc được tiếp cận Chương trình Giáo dục MN giúp trẻ có môi trường thuận lợi phát triển.  Trong ảnh: HS Trường MN Lê Ki Ma (huyện Đất Đỏ) trong giờ sinh hoạt ngoại khóa.
Việc được tiếp cận Chương trình Giáo dục MN giúp trẻ có môi trường thuận lợi phát triển. Trong ảnh: HS Trường MN Lê Ki Ma (huyện Đất Đỏ) trong giờ sinh hoạt ngoại khóa.

*Tới thời điểm này, kết quả thực hiện nhiệm vụ huy động trẻ MN ra lớp trên địa bàn tỉnh như thế nào, thưa bà?

- Hiện toàn tỉnh có 195 trường MN (gồm 115 trường công lập, 80 trường tư thục), tăng 8 trường so năm học 2020-2021 và 269 nhóm lớp độc lập tư thục. Bên cạnh đó, cũng có 25 cơ sở giáo dục MN đã giải thể.

Tính đến hết tháng 4, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ trong độ tuổi ra lớp đạt 34,88%, tăng 1,29% so với tháng 12/2021, đạt 96,89% so với kế hoạch năm 2022. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo trong độ tuổi ra lớp đạt tỷ 93,18 %, tăng 0,89% so với đầu năm và đạt 97,57% so với kế hoạch năm. Riêng Mẫu giáo 5 tuổi, tỷ lệ huy động trẻ đạt 97,69%, so với tháng 12/2021 tăng 0,94%. Như vậy, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tính đến thời điểm này đã vượt so với năm 2021 nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, khoảng cách để đạt tới “cột mốc” đề ra không còn quá xa nên ngành sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ năm 2022.

Quyết định số 4679/QĐ-UBND ngày 10/12/2021 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH, quốc phòng-an ninh và dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2022 đề ra chỉ tiêu tỷ lệ huy động số cháu đi nhà trẻ trong độ tuổi đạt 36%, tỷ lệ huy động số cháu đi mẫu giáo trong độ tuổi đạt 95,5%. Trong khi đó, Đề án Phát triển Giáo dục MN giai đoạn 2018-2025 của Chính phủ đặt mục tiêu phát triển mạng lưới trường lớp MN, bảo đảm đến năm 2025, cả nước huy động được ít nhất 35% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường.
Như vậy, tỉnh BR-VT đã phấn đấu “đi trước đón đầu” trong việc thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục MN. Điều này thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với thế hệ trẻ, mong muốn trẻ được chăm sóc, giáo dục một cách toàn diện ngay từ giai đoạn ban đầu. Đây cũng là một trong những giải pháp căn cơ của tỉnh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

*Vậy những giải pháp trọng tâm mà ngành đã, đang và sẽ triển khai để hoàn thành nhiệm vụ năm 2022 là gì, thưa bà?

- Căn cứ Nghị quyết 97/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2020-2025 của tỉnh và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, Sở GD-ĐT đã chủ động xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị từ ngày 30/12/2020. Cùng với đó, ngành chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường các giải pháp huy động trẻ MN đến trường.

Ngành cũng tích cực bồi dưỡng chuyên môn, hướng dẫn các nhà trường chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ. Việc nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ tại các cơ sở giáo dục MN đã góp phần tạo dựng niềm tin để phụ huynh yên tâm đưa trẻ đến trường. Đặc biệt, ngay khi trẻ MN được đi học trực tiếp trở lại, 100% cơ sở giáo dục MN trên địa bàn tỉnh tổ chức bán trú để tạo thuận lợi tối đa cho phụ huynh.

Riêng với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, Sở GD-ĐT đã kết nối với Trường CĐ Sư phạm BR-VT để giới thiệu GV MN cho các cơ sở này nhằm hỗ trợ các cơ sở có đủ nhân sự để sớm hoạt động trở lại. Trong tháng 5 này, ngành cũng sẽ tổ chức khảo sát, hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập. Qua đó, giúp các cơ sở tháo gỡ khó khăn để vận hành trở lại, từ đó phối hợp cùng các trường MN công lập tăng cường huy động trẻ đến lớp. Ngoài ra, trẻ MN, GV, các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập tại các KCN trên địa bàn tỉnh còn được hỗ trợ theo Nghị quyết 05/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ…

Có thể khẳng định rằng, với những giải pháp đồng bộ, thiết thực, ngành GD-ĐT tự tin sẽ hoàn thành chỉ tiêu đề ra trong năm 2022 này.

*Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

KHÁNH CHI 

(Thực hiện)

 
;
.