Tái hiện ký ức chân thật
Chiều 6/5, UBND tỉnh đã tổ chức trang trọng lễ tôn vinh các lực lượng chống dịch COVID-19, tri ân các cá nhân, tập thể tiên phong trong phòng, chống dịch và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu thắp lên ngọn lửa ấm, tưởng niệm các nạn nhân tử vong do COVID-19. Ảnh: BẢO KHÁNH |
Tất cả vì một quyết tâm
Trong không khí trang trọng của buổi lễ, các lực lượng tuyến đầu chống dịch chia sẻ những câu chuyện xúc động về sự vất vả, gian lao mà họ đã phải trải qua khi làm nhiệm vụ chống dịch đã làm người nghe cảm phục và kính trọng trước những hi sinh thầm lặng đó.
Đại úy Hồ Thành Nghiệp, Bệnh xá, phòng Hậu cần (Bộ CHQS tỉnh) đã mở đầu câu chuyện của mình khi làm nhiệm vụ trong đội tiêu độc khử trùng. Trong ký ức của Đại úy Nghiệp, khi làm nhiệm vụ khử khuẩn tại xã Phước Hưng (huyện Long Điền) trong thời tiết nắng nóng, kèm theo trên địa bàn xã có nhiều đoạn đường chặt hẹp, xe khử khuẩn không thể di chuyển vào. Vì thế, anh cùng đồng đội phải mang hóa chất, dung dịch vào từng hẻm để phun khử khuẩn cho từng nhà dân. “Nhiều người bị dị ứng với hóa chất, bị rộp da lưng, thậm chí rớm máu tại nhiều vùng trên cơ thể nhưng anh em vẫn cố gắng động viên lẫn nhau, vượt qua khó khăn, chung tay dập dịch”, Đại úy Nghiệp nhớ lại.
Còn đối với Thiếu tá Vũ Huy Sơn, Phòng Cảnh Sát hình sự (Công an tỉnh) đã có những kỷ niệm đáng nhớ và khó quên khi tham gia phòng, chống dịch tại TT.Long Hải (huyện Long Điền). Đó là những bữa ăn vội vàng, sinh hoạt thất thường và tạm bợ trong lều bạt nên khi trời mưa gió khiến anh ướt hết quần áo. Hay những lúc nửa đêm khi có người dân gọi cần giúp đỡ thì anh sẵn sàng lên đường. Gặp những gia đình khó khăn, đông người, anh lại vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ cho người dân có bữa cơm no. Vì vậy, anh nhận được nhiều tình cảm yêu thương và quý trọng của người dân. Thiếu tá Sơn tâm sự: “Khi nhận nhiệm vụ tham gia chống dịch tại Long Hải, tôi không được về nhà nên rất nhớ vợ, nhớ con. Khi đó, Long Hải đang là tâm dịch của tỉnh, nên dù gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống nhưng tôi vẫn nỗ lực, vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Tiến sỹ Huỳnh Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét, Ký sinh trùng, Côn trùng Quy Nhơn, Trưởng Đoàn công tác Bộ Y tế tại BR-VT chia sẻ những kỷ niệm trong thời gian sát cánh cùng tỉnh chống dịch. Ảnh BẢO KHÁNH |
Nước mắt rơi khi nhớ lại phút giây căng thẳng
Trong số các câu chuyện được kể tại buổi lễ, không thể bỏ quả những chi tiết cảm động, làm nhiều người phải rơi lệ do bác sĩ Vũ Thị Phương Nga, Trưởng khoa Hồi sức tích cực- Chống độc (Bệnh viện Vũng Tàu) chia sẻ về những ca trực dành giật sự sống cho những bệnh nhân nhiễm COVID-19 nguy kịch. Bác sĩ Nga nghẹn ngào nói: “Dịch bệnh COVID-19 quá tàn khốc, diễn biến bệnh nhanh nên đã gây nhiều đau thương, mất mát cho người dân. Khi vào ca trực, tôi chỉ biết tập trung làm việc, không nghĩ tới nguy cơ lây nhiễm, mong cứu sống được nhiều bệnh nhân càng tốt”.
Tiết mục văn nghệ tại buổi lễ tôn vinh. Ảnh: QUANG VINH |
Những ngày đầu làm việc tại Trung tâm Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Vũng Tàu), bác sĩ Nga không khỏi có những lo lắng, khi nhân sự mỏng, số bệnh nhân nặng đông nên chị gồng mình làm việc 200 đến 300% công suất. Vậy mà có những lúc chị phải thất vọng khi không cứu được bệnh nhân. Điều đó cũng trở thành nổi ám ảnh của chị. “Tôi nhớ có 1 lần tiếp nhận 1 thai phụ chừng 25-26 tuổi, nhiễm COVID-19 rất nặng. Chúng tôi đã sử dụng các biện pháp chữa trị cao nhất như cho thở máy, lọc máu… và dồn nhiều tình yêu thương, chăm sóc cho bệnh nhân. Thế nhưng, kết quả không được như mong muốn. Khi đó, chúng tôi đã òa khóc, nước mắt trộn lẫn mồ hôi”, bác sĩ Nga nhớ lại.
Thừa ủy quyền, tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 6 tập thể có đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống dịch. UBND tỉnh cũng đã tặng Bằng khen 39 tập thể và 67 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, UBND tỉnh còn tặng quà tri ân đến 5 đoàn chi viện cho tỉnh trong thời gian chống dịch. |
Tiếp tục chủ động phòng, chống dịch
Phát biểu tại buổi lễ tri ân các lực lượng chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ đã bày tỏ lòng trân quý và tri ân những đóng góp, cống hiến, nỗ lực hết mình của các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Ông Nguyễn Văn Thọ cho biết, cuộc chiến chống dịch COVID-19 đầy cam go và thử thách sẽ còn diễn biến rất phức tạp. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu “Thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”, giữ vững thành quả về phòng, chống dịch và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội là những thách thức và yêu cầu cao, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Trong đó, có vai trò rất quan trọng của các lực lượng tuyến đầu, đặc biệt là những cán bộ y tế, quân đội, công an, đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, nhất là ở cơ sở.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, ông Nguyễn Văn Thọ yêu cầu các lực lượng tuyến đầu cần phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Trung ương, tỉnh và địa phương, đơn vị; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chủ động các phương án, kịch bản ứng phó hiệu quả với dịch bệnh trong mọi tình huống theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, MTTQ, các đoàn thể tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cả về vật chất và tinh thần giúp các lực lượng tuyến đầu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ cao cả của mình; kịp thời động viên, tôn vinh, khen thưởng những tấm gương tiêu biểu, đồng thời phổ biến, nhân rộng những cách làm hay, mô hình tốt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
HỒNG PHƯƠNG
Triển khai hiệu quả các biện pháp Điểm lại diễn biến phức tạp của đợt bùng phát dịch thứ 4, bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngày 28/6/2021, tỉnh bắt đầu ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng. Sau đó, tỷ lệ ca mắc tăng dần theo từng ngày. Đến nay, tỉnh đã có 144.300 ca mắc. Trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, tỉnh BR-VT đã huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cộng đồng DN và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, ngành y tế có 2.300 người tham gia vào công tác lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, truy vết, tiêm chủng vắc xin và điều trị bệnh nhân COVID-19. Lực lượng công an, quân sự huy động được 5.750 cán bộ, chiến sĩ. Các địa phương thành lập 3.927 tổ COVID cộng đồng với 9.420 người tham gia; hơn 1.200 tổ tự quản, với hơn 2.150 người; 84 Trạm Y tế lưu động, có 630 người. Ngoài ra, tỉnh còn được Bộ Y tế tăng cường đoàn cán bộ đến hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Bộ Công an và Quân khu 7 đã kịp thời hỗ trợ cho tỉnh 252 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; cùng Đoàn Trường ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh, Đoàn Y tế tỉnh Yên Bái và tỉnh Thái Nguyên đã tham gia hỗ trợ tỉnh chống dịch. “Đến nay, toàn tỉnh có hơn 142.350 người đã khỏi bệnh (đạt 99%), có gần 1.300 ca đang điều trị tại nhà và gần 20 ca tại bệnh viện. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai thành công chiến dịch tiêm vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên với tổng cộng hơn 2,8 triệu liều, đạt 99% số lượng vắc xin được Bộ Y tế phân bổ”, bác sĩ Phạm Minh An thông tin thêm. |