.

Liên tục… "rút kinh nghiệm"

Cập nhật: 20:41, 06/05/2022 (GMT+7)

Trong đời sống vợ chồng, trên trái đất này, không một ai có thể thốt ra câu này. Câu gì thế? Thì câu gì cũng có thể thốt ra nhưng đố ai dám ưỡn ngựa ra, ngửa mặt lên trời bảo rằng: “Vợ chồng tôi không bao giờ cãi nhau”. Nếu nghe thế, tất nhiên thiên hạ sẽ cười cái rụp: “Nổ vừa vừa thôi chứ”. Đúng là thế. Dù có đến với nhau bằng tâm thế “một túp lều tranh, hai trái tim vàng”, phù hợp từ tính cách, sở thích nọ kia nhưng rồi đã chung sống cùng nhau ắt có ngày cũng mặt nặng mày nhẹ, cơm không lành canh không ngọt.

Nghĩ cho cùng, chuyện này bình thường thôi. “Bình thường như cân đường hộp sữa” như nhiều người đã từng tếu táo vui vẻ. Vì rằng, họ giận đó rồi lại làm lành ngay sau đó, thậm chí nhiều người còn cho rằng “yêu nhau lắm cắn nhau đau”, tức nó cũng là một thứ “gia vị” khiến cuộc sống có thêm nhiều sắc màu.

Đành rằng là thế, nhưng rồi, tôi biết có những trường hợp họ giận nhau quá lâu, giận nhau chán chê và khiến dẫn tới tình trạng cả hai cùng mệt mỏi. Nguyên nhân do đâu? Ca dao có câu: “Chồng giận thì vợ làm lành/ Miệng cười hơn hớn rằng anh giận gì?” Khi nghe câu hỏi âu yếm ấy, người chồng nói ra lý do, nếu cô vợ thấy đúng và thừa nhận lỗi về mình, thành khẩn “rút kinh nghiệm” thì mọi việc dễ dàng hòa giải. Mà, ngay cả nguời chồng cũng thế thôi. Nếu biết lỗi, nhận lỗi thì chẳng ai “một nửa” nào không tha thứ, xí xóa làm lành.

Do biết thế nên mới xảy ra trường hợp tréo ngoe, “tréo cẳng ngỗng” khi thoạt nghe vợ/ chồng cằn nhằn gì đó, dù chưa biết ất giáp phải trái ra làm sao nhưng “nửa kia” đã nhận lỗi như cái máy, tức là không thèm suy nghĩ gì cả. Chỉ nghĩ đơn giản, thôi thì, mình cứ nhận lỗi cho nhẹ cái đầu, đỡ phải nghe lời than thở, phiền trách, đay nghiến. Sử dụng cách này, nói theo binh pháp Tôn Tử đích thị là “Nhanh chóng rút củi ra khỏi lò”. Thí dụ, mình nấu cơm nhưng do nhiệt độ quá lớn, nước trào khỏi nồi có nguy cơ tắt bếp, chi bằng rút củi ra ngay. Vậy là xong!

Thế nhưng xin thưa cách này không thể áp dụng trong đời sống gia đình, vì không phải vô cớ “nửa này” giận “nửa kia” mà phải có lý do chính đáng gì chứ? Anh bạn tôi kể, hễ đi làm thì thôi nhưng có điều lạ thỉnh thoảng hễ về đến nhà, anh lại nghe cô vợ thở dài nhiếc móc: “Lại bổn cũ soạn lại, chán cho anh quá”. Nghe thế, anh nghĩ là vợ giận đúng vì chiều nay khi tan sở, thay vì về nhà đúng giờ nhưng anh lại tạt vào quán “ít ly y lít” với bạn bè nên mới xẩy ra cớ sự này.

Nghĩ thế, anh ta liền biện minh với hàng trăm lý do lý trấu rồi cuối cùng vẫn là… “rút kinh nghiệm một cách sâu sắc”. Do mải mê làm bếp, không rõ cô vợ có thèm nghe hay không nhưng anh ta vẫn nghĩ mình đã xin lỗi rồi thì việc gì phải giận nữa? Vâng, những lần trước cũng sử dụng cách này, thấy cực kỳ hiệu quả nên nghĩ nay vẫn thế. Vậy mà ngộ ghê, cô vợ vẫn giận. Vẫn càm ràm. Tại sao và tại sao?

Rằng, bấy giờ cô vợ mới hỏi: “Anh có biết em giận anh vì chuyện gì không?”. Trời đất, dễ ẹt. Hỏi thế mà cũng hỏi. Anh ta bèn trả lời vanh vách như mới vừa “thanh minh thanh nga” lý do về nhà trễ. Cứ mặc cho chồng nói một hơi, nghe xong, cô vợ mới nguýt một cái rõ dài: “Chèn ơi, không đâu. Bấy lâu nay em đã nhắc đi nhắc lại mà anh có nhớ cho đâu. Anh nhìn xuống chân anh kìa”. À, thì ra, sàn nhà vừa mới lau nhưng anh vẫn giữ thói quen như con hổ trong rừng bách thú: “Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng/ Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng”. Sàn nhà đã loang lổ những vết bẩn. Thì ra lý do là ở đây. Sao anh ta lại không biết?

Đơn giản những lần  trước khi vợ vừa mới hé môi mở miệng thì anh ta đã đánh trống lãng: “Biết rồi! Biết rồi! Lần sau anh không thế nữa”. Nói trôi chảy như con vẹt nhằm qua truông, chứ thật sự không quan tâm đến lý do vì sao. Trường hợp này không là cá biệt. Hầu như nhiều người đã như thế. Họ nghĩ rằng, thay vì đôi co, trình bày nọ kia, chi bằng mình cứ nhận lỗi cho nó xong. Nhanh, tiện và gọn. Ban đầu cứ tưởng như vậy là xong. Nhưng thật ra đâu có xong vì họ không thật tâm sửa đổi và cũng không nắm rõ nguyên nhân từ đâu.

Vì thế, sự việc cãi cọ cứ tiếp diễn. Mà, đừng quên rằng, một khi đã lặp đi lặp lại thì vấn đề đang nhỏ xíu có nguy cơ dẫn tới sự trầm trọng hơn. Chuyện bé xé ra to. Khi đó mới là phiền, giải  quyết mới mất thời gian bội phần. Nếu bạn đã đọc tiểu thuyết Đoạn tuyệt của nhà văn Nhất Linh ắt bạn sẽ thấy sự phòng ngửa này không thừa. Sự bất hòa giữa nhân vật Loan và Thân có thể giải quyết nếu cả hai thay đổi ngay từ lúc manh nha có sự bất hòa. Nói như thế để thấy rằng, dù thế nào vẫn có cách giải quyết nếu vợ và chồng thực tâm tháo gỡ sự gút mắc nào đó. Theo tôi, cách tốt nhất vẫn là lắng nghe một cách thật tâm và sau đó, nếu cần thì tranh luận, trao đổi lại cho “ra môn ra khoai”. Mà, một khi đã thấu hiểu sâu sắc thì người ta mới có thể không tái phạm lần sau.

Chuyện này khó hay dễ?

Nhiều người cho rằng khó, chẳng lẽ đàng đàng “một đấng anh hào” mà xin lỗi vợ hay sao? Hèn lắm. Rồi có người vợ cũng nghĩ lạ lùng: “Xin lỗi chồng thì lần sau dễ bị bắt nạt lắm đây. Chi bằng…”. Nghĩ như thế là không đúng vì vợ chồng đóng cửa dạy nhau là lẽ thường tình, chẳng có gì mà mắc cỡ đâu, chẳng gì phải sợ mình “mất giá”. Nếu thật sự yêu nhau, vun đắp và hoàn thiện cho nhau thì “nửa này” cần nhìn nhận lý lẽ của “nửa kia” một cách chân thành và phục thiện.

Còn nếu, hở ra một chút là lại “nghiêm túc rút kinh nghiệm” theo quán tính cho xong việc thì dễ dàng dẫn tới nguy cơ… không còn có cơ hội mà rút kinh nghiệm nữa.

LÊ MINH QUỐC

.
.
.